20+ Quy tắc an toàn phòng cháy chữa cháy tại xưởng may
09.06.2021 2989 hongthuy95
Đặc thù môi trường làm việc tại các phân xưởng sản xuất hàng dệt may trong nước dễ gây cháy. Bằng chứng là rất nhiều vụ hỏa hoạn quy mô lớn - nhỏ xảy ra tại nhiều nơi gây hậu quả nặng nề về người và tài sản. Vậy nên, tuân thủ quy tắc an toàn phòng cháy chữa cháy trong nhà máy, công xưởng, xí nghiệp dệt may là cực kỳ cần thiết.
Công xưởng dệt may tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao
Khá nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra tại các công xưởng, nhà máy sản xuất hàng dệt may thời gian qua. Nguyên nhân thì có nhiều. Phổ biến nhất là:
- Chứa chủ yếu là hàng dễ cháy, dễ bắt lửa như vải, sợi, len dạ, bông, các loại dầu mỡ bôi trơn máy móc… số lượng lớn và tập trung
- Rò rỉ nguồn điện, chập điện do máy móc hoạt động quá tải trong nhiều giờ
- Đầu nối dây dẫn bị đứt hay đấu nối cẩu thả, để trần, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật điện
- Nội bộ tự ý lắp đặt thêm các loại máy móc, thiết bị, đồ dùng điện có công suất tiêu thụ lớn dẫn đến hệ thống điện bị quá tải
- Công nhân vứt bừa bãi chất gây cháy, thường là tàn thuốc lá, que diêm tại nơi chứa nhiều vật dễ bắt lửa, dễ cháy như kho hay kiện hàng vải
- …
Quá nhiều tổn thất sau một vụ cháy
Đám cháy dù nhỏ cũng để lại những hậu quả nhìn thấy cho nhà xưởng, xí nghiệp.
- Cháy hàng vải gây tổn thất nguyên phụ liệu sản xuất, làm chậm tiến độ công việc, tốn chi phí nhập hàng mới
- Hư hỏng máy móc, thiết bị trì hoãn hoạt động của các vị trí liên quan trên chuyền, làm chậm tiến độ công việc, tốn chi phí sửa chữa hoặc thay mới
- Ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và thu nhập của công nhân viên nếu sự cố gây hậu quả nghiêm trọng
- Cháy lớn nguy cơ mất mát hoàn toàn mọi thứ, tổn thất nghiêm trọng về tài sản, chưa kể uy tín doanh nghiệp bị ảnh hưởng, có khi phải đền hợp đồng vì không thể hoàn thành đơn hàng; nghiêm trọng hơn là gây hại cho con người, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng nếu chẳng may có mặt bên trong đám cháy.
Quy tắc an toàn phòng cháy chữa cháy tại xưởng may
Để hạn chế tối đa sự cố cháy nổ, cả phía lãnh đạo công ty lẫn công nhân viên, người lao động cần nghiêm túc tuân thủ các quy tắc an toàn phòng cháy chữa cháy cơ bản được tổng hợp và niêm yết ngay sau đây:
>Quy định đối với công ty, lãnh đạo công ty
- Ra bản nội quy PCCC; dán nội quy ở bảng thông báo, đầu chuyền hay những nơi tập trung đông người, dễ nhìn thấy
- Niêm yết biển báo cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy tại nơi làm việc và những nơi có nguy cơ cháy nổ cao
- Công khai sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn chung cho toàn công xưởng, ở từng khu vực (nếu có)
- Lắp đặt đầy đủ các vật dụng, thiết bị thuộc hệ thống báo cháy chuẩn; bố trí rải rác toàn nhà xưởng, ở nơi dễ nhìn thấy, dễ lấy và dễ thao tác, tập trung vào nơi dễ xảy ra cháy nổ
- Tuyên truyền ý thức trách nhiệm và đảm bảo an toàn lao động cho công nhân viên
- Tổ chức diễn tập cho công nhân viên quy trình xử lý sự cố cháy nổ để áp dụng nhanh và hiệu quả nếu xảy đến
- Bố trí xen kẽ các kiện hàng dễ và khó bắt lửa cạnh nhau để hạn chế nguy cơ cháy lan, đồng thời thuận tiện khi chữa cháy, giảm thiểu thiệt hại
- Đảm bảo khoảng cách an toàn chuẩn theo quy định giữa các chuyền, đồ vải, máy móc, thiết bị để nếu chẳng may xảy ra sự cố cháy nổ cũng sẽ giảm thiểu tình trạng cháy lan, nhiều thiệt hại khi có thời gian và nguồn lực dập lửa kịp thời
- Yêu cầu và quy trách nhiệm cho nhóm công nhân viên cụ thể về việc đảm bảo an toàn nguồn điện, hiệu suất hoạt động của máy móc, thiết bị điện hay chất lượng công việc của công nhân trên chuyền
- Lắp đặt hệ thống aptomat chống quá tải; xây tường ngăn cháy theo quy định
- Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hoặc thay mới thiết bị, máy móc phục vụ công việc sản xuất hàng may; kịp thời phát hiện sự cố để xử lý nếu có
- Thành lập tổ/ đội PCCC chuyên biệt từng cấp, bố trí ca trực thích hợp để kịp thời xử lý và hướng dẫn, chỉ đạo xử lý khi sự cố xảy ra
- …
>Quy định đối với công nhân viên, người lao động
- Tuân thủ nghiêm và thực hiện đúng quy định PCCC tại nơi làm việc
- Nắm rõ quy trình chữa cháy, thao tác dụng cụ chữa cháy để áp dụng khi sự cố xảy đến
- Đảm bảo vấn đề vệ sinh công nghiệp tại vị trí làm việc, chuyền làm việc và khu vực được phân công trước, trong và sau mỗi ca làm việc để loại bỏ vật có nguy cơ bắt lửa gây cháy
- Thường xuyên lau chùi máy móc, thiết bị làm việc, đảm bảo không để dầu mỡ hay bụi vải, vải thừa bám dính, tiềm ẩn nguy cơ bắt lửa gây cháy
- Kiểm tra dây dẫn điện, nguồn điện đảm bảo không tiềm ẩn nguy cơ chập, cháy điện
- Sắp xếp hàng vải, nguyên liệu may gọn gàng và khoa học, đảm bảo không dễ bắt cháy từ bàn may hay chuyền khác khi xảy ra sự cố; đồng thời thu dọn nhanh để giảm thiểu thiệt hại
- Tắt hết các thiết bị điện không cần thiết tại nơi làm việc khi không sử dụng và lúc hết ca ra về
- Trang bị kỹ năng thoát hiểm an toàn, nhanh chóng và hiệu quả
- Tự bảo vệ mình, bảo vệ tài sản của công ty, hỗ trợ đồng nghiệp thoát thân, giảm thiểu tối đa thiệt hại nếu sự cố chảy nổ xảy ra và diễn biến nghiêm trọng
- …
Đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi làm việc là thực sự cần thiết. Nó phụ thuộc nhiều vào ý thức và thói quen tự giác của người thực hiện, chủ yếu là công nhân viên. Do đó, nếu không muốn công việc và thu nhập của mình bị ảnh hưởng, nhất định phải tuân thủ nghiêm và thực hiện đầy đủ những quy định, quy tắc được tổng hơp và liệt kê trên đây.
Ms. Công nhân