5 Lỗi thường gặp ở các Phiên dịch viên mới vào nghề và hướng khắc phục
07.08.2018 2676 hongthuy95
Nói quá to hoặc nói quá nhỏ; dịch nhầm tên, chức danh của khách mời hoặc diễn giả; không nhớ hết ý diễn giả hoặc không nhớ ra từ cần dùng để dịch… là những sai sót không tưởng mà những phiên dịch viên (PDV) mới vào nghề có thể gặp phải tại buổi dịch.
Bạn có biết những lỗi thường gặp nào ở các PDV mới vào nghề? Hướng khắc phục ra sao?
Việc mới vào nghề chưa có kinh nghiệm hay cơ hội cọ xát thực tế để học hỏi và rèn luyện những kỹ năng phiên dịch cần thiết khiến các PDV “non tay” gặp khó khăn trong hoàn thành bản dịch, tiềm ẩn nguy cơ gây nên những tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc ảnh hưởng đến chất lượng dịch cũng như kết quả làm việc của khách hàng và đối tác. Dưới đây là 5 Lỗi PDV mới vào nghề thường gặp nhất được Vieclamnhamay.vn tổng hợp từ thực tế hiện nay để bạn tham khảo và khắc phục nếu có.
►PDV nói quá to hoặc nói quá nhỏ
Không ít PDV mới vào nghề thường nghĩ đơn giản rằng nhiệm vụ của mình chỉ là ngồi/ đứng vào vị trí và nghe-dịch mà bỏ qua bước kiểm tra chất lượng âm thanh của mic và tai nghe dẫn đến việc âm lượng nghe vào/ phát ra quá to hoặc quá nhỏ gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng bài dịch, có khi đang nói rất tự tin dõng dạc bỗng lí nhí rất nhỏ do không nghe rõ lời của diễn giả.
Trường hợp phiên dịch nói quá to sẽ khiến người nghe bị đau tai và khó chịu; nói quá nhỏ thì lại khó khăn để lắng nghe; những điều này khiến PDV mất điểm trong mắt khách hàng. Do đó, hãy để ý âm lượng lời nói của mình, chuẩn bị mọi thứ thật kỹ lưỡng trước khi tác nghiệp bằng cách đến sớm trước thời gian bắt đầu buổi dịch để có đủ thời gian chuẩn bị tinh thần lẫn kiểm tra hệ thống âm thanh gồm loa đài, mic, tai nghe để điều chỉnh âm lượng cho phù hợp. Hãy luôn nhớ rằng dù phiên dịch chuẩn xác đến đâu nhưng âm lượng không phù hợp cũng sẽ khiến buổi dịch không hiệu quả, thậm chí thất bại
►PDV thiếu tự tin về bản dịch của mình
Đây là một trong những trở ngại lớn nhất cho sự phát triển nghề nghiệp của PDV. Bỏ qua việc không tự tin về bản dịch của bản thân do không có sự chuẩn bị kỹ càng, không đọc tài liệu và tìm hiểu thuật ngữ kỹ trước khi dịch…các PDV trẻ thường thiếu sự ổn định tâm lý khi sợ dùng sai thuật ngữ, sợ câu dịch khó hiểu, sợ người nghe nhận ra sự run sợ của mình… là những vật cản vô hình khiến PDV càng thêm tự ti, trở nên “loạng choạng” khi dịch
Thiếu tự tin vào bản dịch của chính mình là một trong những yếu tố khiến buổi dịch thất bại
Cách tốt nhất để hạn chế điều này là chuẩn bị mọi thứ thật đầy đủ và kỹ càng, thả lỏng đầu óc, giữ giọng nói khỏe-tốt-truyền cảm, luôn tự tin về khả năng và trình độ của bản thân.
►PDV dịch nhầm tên, chức danh của khách mời hoặc diễn giả
Những PDV mới vào nghề thường chú tâm chuẩn bị chủ đề và những thông tin chính liên quan đến buổi dịch mà không biết rằng mình cũng phải tìm hiểu thông tin về khách mời, diễn giả có mặt hôm đó để sử dụng khi cần. Đã từng có khá nhiều PDV “non tay” sử dụng tên của người này để giới thiệu người kia, đọc sai, phát âm nhầm tên hoặc danh xưng của khách mời…
Do đó, để tránh gặp phải tai nạn không đáng có này, PDV cần liên hệ với ban tổ chức để tìm hiểu trước danh xưng, tên gọi của những vị khách liên quan có mặt trong buổi dịch hoặc tham khảo danh sách những người tham gia có trên bộ tài liệu chương trình hay bản báo cáo trước mỗi buổi hội thảo; tham khảo và tìm hiểu trước cách phát âm tên, chức danh, danh xưng của từng khách mời ở cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích để tránh xảy ra nhầm lẫn hoặc sai sót
►PDV không nhớ hết ý diễn giả hoặc không nhớ ra từ cần dùng để dịch
Khi diễn giả nói dài dòng và không xoáy sâu vào nội dung chính cần nói hay diễn giả phát âm sai, dùng từ sai, cấu trúc câu sai…đều làm khó người phiên dịch. Không một ai có thể “nhớ như in” từng câu từng chữ của một bài nói dài ngoằn không rõ bố cục và nội dung cần truyền đạt, PDV cũng vậy; vì vậy, họ tỏ ra ấp úng, không tự tin và phần dịch của mình, thậm chí không thể tìm được từ cần dùng phù hợp để dịch, dẫn đến dịch sai, dịch thiếu và bỏ qua cả những ý tiếp theo của diễn giả (nếu là PDV dịch song song).
Trí nhớ không tốt, khả năng tốc ký không cao khiến PDV mới vào nghề không thể nhớ hết ý diễn giả
Để khắc phục tình trạng này, PDV phải nỗ lực luyện tập trí nhớ với độ nhạy cao, rèn khả năng tốc ký nhưng có chọn lọc từ khóa để có thể ghi chép thật nhanh, thật đầy đủ nội dung chính cần truyền đạt đến người nghe, tìm hiểu và làu giàu thêm vốn từ vựng, từ đồng nghĩa, thuật ngữ chuyên ngành liên quan để dùng khi cần.
►PDV dùng tông giọng và ngữ điệu không phù hợp
Hầu hết các diễn giả chuyên nghiệp đều có lối nói rất tự nhiên, tự tin và trôi chảy dù đứng trước rất nhiều người; họ cũng thường xuyên và linh hoạt trong tông giọng cũng như ngôn ngữ cơ thể để gia tăng sức hấp dẫn, lôi cuốn cho bài diễn thuyết của mình. Tuy nhiên, một số PDV mới vào nghề vì áp lực “đuổi ý” và thiếu tự tin trong giao tiếp nên rất khó nhập tâm vào bài phát biểu đó dẫn đến tông giọng và ngữ điệu dịch của họ thật sự không phù hợp nên không thể diễn đạt chính xác ý tứ người nói muốn truyền tải. Buổi dịch xem như thất bại.
Để tránh phạm lỗi, các PDV nên chú ý đến tông giọng của diễn giả, luyện cách quan sát và nhận biết trạng thái cảm xúc của người nói thể hiện qua lời nói; luyện tập và tìm hiểu các phương pháp làm chủ giọng nói, tham gia các lớp học phiên dịch chất lượng cao về làm chủ giọng nói để đạt hiệu quả cao hơn khi dịch.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của Vieclamnhamay.vn sẽ giúp các PDV mới vào nghề xác định được các lỗi thường gặp trong công việc, nỗ lực rèn luyện để hoàn thiện bản thân, khắc phục những sai sót không đáng có, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc của khách hàng; từ đó tăng danh tiếng trong nghề, tạo dựng các mối quan hệ tốt hỗ trợ cho công việc cũng như sự thăng tiến trong tương lai.
Ms. Công nhân