5 Kỹ năng cần có để trở thành Phiên dịch viên giỏi
28.06.2018 8940 hongthuy95
Bạn mong muốn trở thành Phiên dịch viên (giỏi) nên đang nỗ lực học tập và rèn luyện để trở nên hoàn hảo? Bạn loay hoay không biết phiên dịch viên nên trang bị những kỹ năng thiết yếu nào? Nếu chưa có nhiều thông tin, hãy để Tuyencongnhan.vn giúp bạn giải đáp…
Trở thành Phiên dịch viên giỏi: Điều kiện cần là gì?
Muốn trở thành phiên dịch viên giỏi, dĩ nhiên phải đủ điều kiện tìm việc phiên dịch. Hầu hết nhà tuyển dụng đăng tin tuyển phiên dịch viên đều yêu cầu ứng viên tốt nghiệp ngành ngôn ngữ (tiếng), chuyên ngành biên - phiên dịch. Hoặc nếu không, ứng viên cần giỏi ngoại ngữ, sở hữu bằng cử nhân ngoại ngữ kèm theo chứng chỉ biên - phiên dịch tương ứng, ưu tiên các chứng chỉ biên - phiên dịch chuyên ngành như cơ khí, điện máy, kỹ thuật, y tế...
Công việc phiên dịch đòi hỏi người chuyển ngữ phải có kiến thức chuyên môn và kỹ năng chuyên ngành vững, tự tin vào khả năng chuyển đổi ngôn ngữ của mình. Những điều này từ đâu mà có? - Qua trường lớp, những giảng viên có bề dày thành tích học tập và kinh nghiệm sẽ là người truyền đạt tốt nhất. Ngoài ra, phiên dịch viên trẻ, mới ra trường có thể học hỏi các anh chị đi trước tại các buổi dịch thực tế để trau dồi thêm.
Bên cạnh đó, sự linh hoạt và nhạy bén trong quá trình phiên dịch, nhất là những khi gặp sự cố không mong muốn như nghe phải từ địa phương, tiếng lóng hay khách nói quá nhanh hoặc quá nhỏ... cũng vô cùng cần thiết cho một phiên dịch viên.
5 kỹ năng cần có để trở thành Phiên dịch viên giỏi
Phiên dịch viên không đơn thuần chỉ là người chuyển đổi ngôn ngữ mà còn là cầu nối không thể thiếu trong kết nối thông tin và cải thiện các mối quan hệ. Do đó, điều kiện cần thôi chưa đủ, một phiên dịch viên đạt chuẩn phải là người đáp ứng đầy đủ những yêu cầu tiêu chuẩn cần có, bao gồm cả kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp. Để có được những điều đó, phiên dịch viển "non" tuổi nghề cần:
- Đọc nhiều nguồn tài liệu, nhiều loại thông tin
Nhạy bén và linh hoạt trong việc chuyển đổi ngôn ngữ nguồn thành ngôn ngữ đích nhưng vẫn phải đảm bảo tính chính xác của thông tin là yêu cầu bắt buộc trong công việc của phiên dịch viên. Để làm được điều này, bạn phải có kiến thức toàn diện ở nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực thường xuyên phiên dịch và những lĩnh vực hữu ích khác. Do đó, cách nhanh nhất để nắm bắt và cập nhật thông tin là ĐỌC. Đọc qua báo, quảng cáo, văn xuôi, tạp chí, ấn phẩm chuyên ngành… tất cả mọi thứ bạn có thể tích lũy vốn hiểu biết cho công việc của mình. Việc đọc thường xuyên cũng giúp bạn hiểu được bối cảnh lịch sử của tình huống, cập nhật những thông tin quan trọng của từng lĩnh vực, có cái nhìn đa chiều về sự việc và đặc biệt là học hỏi cách diễn đạt, diễn giải trôi chảy, trau chuốt hỗ trợ cho bài dịch của mình.
- Tra cứu từ điển đúng cách
Bên cạnh việc Đọc thường xuyên nhiều nguồn tài liệu để tích lũy kiến thức, các phiên dịch viên lâu năm khuyên bạn nên làm phong phú thêm vốn từ vựng bằng cách tra cứu từ điển. Việc làm này cũng giúp bạn chắc chắn rằng từ ngữ đó được sử dụng trong hoàn cảnh nào và áp dụng ra sao. Tuy nhiên, không phải mọi từ điển hiện nay đều cho ra kết quả đúng. Vì vậy, các phiên dịch viên phải biết chọn lọc và tìm ra những nguồn tra cứu chuẩn. Việc tra từ điển cũng giúp bạn có thêm những từ đồng nghĩa dùng chữa cháy trong những trường hợp cấp bách.
- Viết tốc ký
Viết là kỹ năng bắt buộc của Biên dịch, nhưng không phải không cần ở Phiên dịch. Là một phiên dịch nối tiếp, lắng nghe cả một đoạn văn nói dài, ngoài trí nhớ tốt, bạn buộc phải có kỹ năng tốc ký để ghi lại thật nhanh những ý quan trọng cần dịch của diễn giả một cách đầy đủ và chính xác nhất đến người nghe. Ngoài ra, bạn cũng nên tự tạo cho mình một phương pháp viết riêng mà chỉ cần gạch ý, hay ghi từ/ cụm từ là có thể biểu đạt được hàm ý của cả một câu/ đoạn để tiết kiệm tối đa thời gian dịch.
- Nghe tốt
Yêu cầu công việc của phiên dịch viên đòi hỏi cao khả năng nghe - hiểu ngay lập tức. Một đôi tai lắng nghe tốt sẽ giúp bạn không bỏ sót bất kì một thông tin nào trong cuộc trò chuyện của khách, không phải ngừng giữa chừng để hỏi lại người nói xem họ đã nói những gì, từ này dịch sao cho hợp lý… Đặc biệt, kỹ năng nghe tốt hỗ trợ rất nhiều cho việc dự đoán trước ý nghĩa câu nói của diễn giả, giúp hình dung những ngữ cảnh và nội dung mà người nói có thể trình bày tiếp theo đó để có thể bắt kịp mạch câu chuyện, đảm bảo khi diễn giả vừa kết thúc câu nói cũng là lúc người dịch chuyển tải thông tin dịch vừa xong đến người nghe.
- Nói lưu loát
Một giọng nói dễ nghe và truyền cảm cộng thêm khả năng nói lưu loát, có nhấn nhá đúng chỗ thể hiện phong cách chuyên nghiệp của một phiên dịch viên giỏi. Tuy nhiên, không phải ai sinh ra cũng sở hữu ưu điểm này. Do đó, nếu giọng bạn khó nghe, khàn đặc hay đậm chất địa phương, hãy rèn từ từ, rèn qua thời gian để tìm được giọng chuẩn nhất, tuy có thể không quá cuốn hút nhưng đủ để người nghe không cảm thấy khó chịu. Ngoài ra, một phiên dịch viên chuyên nghiệp phải biết thời điểm nào nên nói, nói tốc độ nhanh hay chậm, âm lượng cao hay thấp… để truyền tải được trọn vẹn ý nghĩa câu nói của diễn giả mà không gây hiểu lầm trong những tình huống nhạy cảm. Muốn không phạm phải sai lầm khi nói, cách duy nhất là phải quan sát và giải mã được những ngôn ngữ không lời thông qua ngôn ngữ cơ thể hoặc phán đoán cảm xúc của người nói tại từng thời điểm diễn đạt.
Rèn luyện để hoàn thiện 5 kỹ năng cần có trên giúp đảm bảo chất lượng bài dịch, khẳng định năng lực của bản thân, mở ra con đường sự nghiệp cho bản thân trong tương lai. Bằng chứng là 1 phiên dịch viên giỏi hoàn toàn có quyền lựa chọn khách hàng của mình, đàm phán mức lương hay chủ động được thời gian cho nhiều "job" cùng thời điểm...
Ms. Công nhân