6.000 công nhân may ở Quảng Nam ngừng việc tập thể vì cơm trưa có dòi
18.09.2019 1432 vi.vothanh
Mới đây, sau khi phát hiện thức ăn trong bữa cơm trưa có dòi, hàng nghìn công nhân của công ty dệt may Panko tại Cụm Công nghiệp Tam Thăng (Quảng Nam) đã đồng loạt ngừng việc. Sự cố này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và quyền lợi lao động của công nhân. Cùng Tuyencongnhan.vn tìm hiểu thêm về vụ việc và sâu hơn nữa là những vấn đề liên quan đến ngừng việc, đình công.
Phát hiện cơm trưa có dòi, hàng nghìn công nhân ngừng việc đòi quyền lợi
Sự việc xảy ra lúc 11h30 ngày 17/08 tại Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng Quảng Nam, trong lúc ăn cơm thì nhiều công nhân phát hiện thức ăn có dòi. Quá bức xúc vì nhiều lần phản ánh thực phẩm bẩn nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn, hơn 6.000 công nhân đã ngừng việc, tập trung ngay cổng và nhà xe để đòi quyền lợi.
Một số công nhân cho hay, khi ngồi vào bàn ăn cơm thì họ nhìn thấy trong cá viên chiên, thịt bò có dòi bò lúc nhúc rất ghê. Thông tin cho hay trước đây đã có 2 lần xuất hiện dòi trong thức ăn. Và đại diện công ty cũng đã xuống xin lỗi công nhân, hứa sẽ khắc phục nhưng tình trạng này lại tiếp tục tái diễn. Được biết một suất cơm trưa tại Panko có giá 15.000 đồng nhưng lại không đảm bảo an toàn thực phẩm, trong khi đó, công sức mà công nhân bỏ ra để lao động cho công ty mang lại lợi nhuận lớn hơn rất nhiều.
(Thức ăn trưa có dòi, công nhân Panko ngưng việc đòi quyền lợi_Tuyencongnhan TV)
Hiện tại phía Panko chưa có bất kỳ trả lời nào với giới báo chí về vụ việc. Tuy nhiên lãnh đạo “Sở LĐ-TB&XH” tỉnh Quảng Nam đã có mặt kịp thời trong thời điểm đó và làm việc với Panko để đảm bảo quyền lợi cho công nhân.
Từ vụ việc nghiêm trọng của công ty Panko, có thể thấy rằng vai trò của Công đoàn trong đời sống người lao động rất quan trọng. Nếu sự cố chỉ ở mức độ nhẹ thì công nhân có động thái ngưng việc vài tiếng, nhưng chẳng may quyền lợi bị ảnh hưởng quá lớn thì lực lượng công nhân thường kích động và tổ chức đình công. Tình trạng này cũng diễn ra nhan nhãn tại các khu công nghiệp ở nước ta, tuy nhiên, do không phối hợp nhịp nhàng với tổ chức Công đoàn, người lao động chưa nắm rõ về những vấn đề liên quan đến ngưng việc và đình công nên đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
Công nhân được phép đình công khi nào?
Nếu như ngưng việc chỉ mang tính bộc phát trong khoảng thời gian ngắn vài giờ đồng hồ thì đình công lại là sự ngừng việc tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong suốt quá trình tranh chấp giữa doanh nghiệp và người lao động.
Việc đình công chỉ được phép tiến hành khi các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của mình và phải diễn ra sau 5 ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành công mà phía doanh nghiệp không thực hiện thỏa thuận đã đề ra trước đó. Hoặc là sau 3 ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành công.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, không phải bất kỳ lúc nào người lao động cũng có thể tiến hành đình công. Trường hợp ở Panko, công nhân ngừng việc là thích đáng bởi quyền lợi của họ đang bị đe dọa và phía doanh nghiệp cũng không có động thái khắc phục sau 2 lần sự cố xảy ra. Ở nhiều doanh nghiệp, cũng vì những hứa hẹn lặp lại nhiều lần, không được thực hiện nên công nhân tỏ ra bức xúc và tiến hành đình công.
Quyền lợi của công nhân khi tham gia đình công
Nhiều trường hợp ở một số doanh nghiệp, người tham gia ngừng việc, đình công và người không tham gia đều bị đánh đồng như nhau. Điều 218 Bộ luật Lao Động 2012 đã đặt ra hai nhóm quyền lợi như sau:
- Đối với những công nhân khi không tham gia đình công nhưng vẫn phải ngừng việc vì nhà máy không sản xuất thì được trả lương ngừng việc theo thỏa thuận của doanh nghiệp và không thấp hơn mức lương tối thiểu của vùng.
- Trường hợp người lao động đã ký vào cam kết đình công thì không được hưởng bất kỳ khoản chi trả nào. Nếu có thì đó là do 2 bên doanh nghiệp và công nhân thỏa thuận cùng nhau.
4 Trường hợp và đối tượng công nhân không được phép đình công
Khi quyền lợi lao động của mình bị ảnh hưởng, công nhân thường tỏ ra lo lắng, dễ bị kích động dẫn đến ngừng việc, đình công. Tuy nhiên, nếu đi theo đúng quy trình của pháp luật thì thủ tục đình công phải mất đến hơn 20 ngày. Vậy thì, trước khi có ý định ngừng việc, đình công, người lao động cần chú ý đâu là danh mục đình công bất hợp pháp để tránh những rắc rối liên lụy đến bản thân và gia đình:
- Lý do đình công không thuộc về vấn đề đang tranh chấp giữa doanh nghiệp và lợi ích của tập thể: Pháp luật hiện nay chỉ cho phép tiến hành đình công đối với các tranh chấp liên quan đến lợi ích tập thể của công nhân.
- Tổ chức cho công nhân không cùng làm việc tại một doanh nghiệp đình công chung: Những công nhân không cùng làm chung 1 tổ chức thì không được phép tham gia đình công cùng nhau. Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng nhiều phần tử xấu lợi dụng đình công để lôi kéo đập phá, kích động biểu tình.
- Khi vụ việc tranh chấp vẫn còn đang trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết: Trường hợp công ty, doanh nghiệp vẫn còn đang tiến hành đưa ra biện pháp hòa giải, xử lý thì lực lượng công nhân không được kích động và đình công.
- Đình công tại doanh nghiệp thuộc danh mục cơ quan, tổ chức không được phép đình công ở Việt Nam gồm:
+ Sản xuất, truyền tải hệ thống điện
+ Thăm dò, khai thác, sản xuất dầu khí, gas
+ Các doanh nghiệp liên quan đến vận tải hàng không, hàng hải
+ Doanh nghiệp cung cấp mạng lưới điện tử, viễn thông.
+ Hệ thống cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường của thành phố.
Những người đang trực tiếp phục vụ trong ngành An ninh, Quốc phòng.
Như vậy, đối với trường hợp nhỏ như Panko thì công nhân có thể ngưng việc và tổ chức đình công để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng ở một số cơ quan, tổ chức liên quan nhà nước, chính trị thì những người như công nhân môi trường, công nhân điện lực, công nhân mỏ than, công nhân hóa dầu…cần chú ý danh mục cấm không được phép đình công hoặc có thể tìm hiểu làm gì để giảm thiểu, phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công? để có những giải pháp thích hợp cho bản thân và doanh nghiệp.
Năm 2018, nước ta có tổng cộng 214 cuộc ngừng việc, đình công, hầu hết chưa có lần nào theo đúng quy trình của pháp luật, thậm chí kết quả không phải lúc nào cũng như mong muốn. Khi quyền lợi bị ảnh hưởng, công nhân cần lên tiếng bảo vệ bản thân nhưng cũng phải nắm rõ những quy tắc về ngừng việc cũng như đình công để có quyết định sáng suốt nhất.
Ms.Công Nhân