Làm gì để giảm thiểu, phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công?
10.03.2021 4972 hongthuy95
Đình công, ngừng việc tập thể vẫn thường hay xảy ra ở một số doanh nghiệp, nhà xưởng. Nguyên do dẫn đến tình trạng này là gì? Làm thế nào để giảm thiểu, phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công? Cùng Vieclamnhamay.vn phân tích vấn đề và tìm ra giải pháp nhé!
Những khái niệm cần hiểu
Trước khi đi vào phân tích chi tiết và sâu sát vấn đề, hãy hiểu rõ và chính xác từng thuật ngữ một.
+ Đình công là gì?
Đình công hay bãi công là tình trạng người lao động (NLĐ) ngừng việc tạm thời, thôi không thực hiện công việc được giao nữa vì cho rằng quyền lợi của mình bị ảnh hưởng tiêu cực, họ đình công để yêu cầu doanh nghiệp (DN), người sử dụng lao động (NSDLĐ) giải quyết.
Tùy tình hình thực tế mà có đình công hợp pháp và đình công bất hợp pháp.
+ Tranh chấp lao động là gì?
Tranh chấp lao động xảy ra khi NLĐ và NSDLĐ phát sinh mâu thuẫn về quyền lợi và nghĩa vụ của nhau trong quan hệ lao động, cần đi đến giải pháp giải quyết thỏa mãn nhu cầu của 2 bên nếu không muốn dẫn đến tình trạng đình công, ngừng việc tập thể. Tranh chấp lao động có thể là tranh chấp cá nhân giữa 1 hoặc một vài công nhân với DN, NSDLĐ hay tranh chấp tập thể gồm 1 nhóm hoặc toàn bộ công nhân tại xưởng với DN.
Đình công, tranh chấp lao động xảy ra khi nào?
Có rất nhiều nguyên do dẫn đến đình công, tranh chấp lao động; bao gồm cả khách quan và chủ quan, hợp pháp và bất hợp pháp.
Nhìn chung, hầu hết các cuộc đình công, tranh chấp lao động đều xuất phát từ việc phía NLĐ cảm thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng hoặc đe dọa, nhất là về mặt chế độ và phúc lợi như tiền lương, thưởng, giờ nghỉ ngơi, trợ - phụ cấp... Do đó, họ quyết định đứng lên đòi công bằng để nhận lại điều xứng đáng và hợp pháp. Ngoài ra, cấp trên đối xử hà khắc, thô bạo, bóc lột sức lao động, sa thải người không thuyết phục... cũng là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến các cuộc đình công và tranh chấp lao động.
Mặt khác, cũng không ít những lao động thiếu hiểu biết bị dụ dỗ, kích động bởi thành phần gây chuyện dẫn đến những cuộc đình công tự phát, sai luật, đến khi bị xử lý mới vỡ lẽ ra là mình sai nhưng đã muộn. Nhiều người trong số đó nhận quyết định nghỉ việc, trừ lương, kéo dài thời gian nâng lương do vi phạm nội quy lao động của DN, vi phạm Luật Lao động.
Ngoài ra, việc chưa hoặc không có tổ chức Công đoàn, đại diện cho tiếng nói và đảm bảo những quyền lợi hợp pháp cho NLĐ cũng là một thiệt thòi, khiến thắc mắc và mong đợi của 2 bên không được gặp nhau, tiềm ẩn nguy cơ hình thành bất mãn, chống đối hay gây khó dễ ngấm ngầm đến hiện rõ, là nguồn cơn của đình công và tranh chấp. Cũng có trường hợp DN có tổ chức Công đoàn nhưng hoạt động không hiệu quả.
Dù xuất phát từ nguyên nhân nào, bị tác động ra sao thì việc đình công hay tranh chấp lao động đều gây nên nhiều khó khăn và tổn thất cho cả NLĐ và NSDLĐ; dễ thấy nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, hiệu suất công việc cũng như lòng tin, tinh thần, mối quan hệ giữa 2 bên.
Làm thế nào để giảm thiểu, phòng ngừa đình công và tranh chấp lao động?
Dựa vào những nguyên nhân dễ dẫn đến đình công và tranh chấp lao động trên đây, để giảm thiểu tình trạng này nhất định phải có sự hợp tác, phối hợp của không chỉ NLĐ và NSDLĐ, mà còn cả các cấp, cơ quan ban ngành có liên quan như UBND cấp tỉnh, thành phố; Bộ LĐ-TB&XH; Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc ban hành các Chỉ thị, Quyết định, Nghị quyết đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên hay giám sát quá trình thực hiện quan hệ lao động giữa 2 bên.
Cụ thể:
+ Về phía UBND cấp tỉnh, thành phố:
- Định kỳ hoặc đột xuất khi cần tổ chức các cuộc hội thảo, các buổi diễn đàn để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, việc làm, quy định về các chế độ, chính sách cho NLĐ và NSDLĐ
- Tạo điều kiện tổ chức đối thoại trực tiếp với NLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để tiếp nhận và giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của NLĐ
- Thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành theo quy định của pháp luật về lao động, việc làm tại các DN, tập trung vào những nơi có nhiều DN, KCN, DN sử dụng nhiều lao động trước với các nội dung chính yếu như: tiền lương, quy định tăng ca, làm thêm giờ, chế độ phúc lợi, tiền ăn giữa ca, đóng - hưởng các chế độ bảo hiểm... đây là những yếu tố "nhạy cảm" dễ gây nên đình công và tranh chấp lao động nhất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật lao động
- Trường hợp đình công và tranh chấp lao động xảy ra, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, chủ động hỗ trợ các bên thương lượng, giải quyết tranh chấp thỏa đáng, thuyết phục nhất để sớm ổn định tình hình, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
+ Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam:
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo Công đoàn cơ sở thường xuyên và kịp thời nắm bắt tình hình đời sống, nguyên vọng của NLĐ; từ đó thương lượng, thỏa thuận, giải quyết thỏa đáng
- Kiến nghị lên Bộ LĐ-TB&XH những yêu cầu, kiến nghị chính đáng liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.
+ Về phía Bộ LĐ-TB&XH:
- Đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Liên minh Hợp tác xã VN chỉ đạo các đơn vị thành viên phối hợp với các hiệp hội tuyên truyền, phổ biến chính sách lao động cho NSDLĐ
- Hỗ trợ NSDLĐ thực hiện các thương lượng, thỏa thuận ký kết Thỏa ước lao động tập thể, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động với NLĐ.
+ Về phía NSDLĐ:
- Thành lập tổ chức Công đoàn (nếu chưa có) tại DN.
- Tổ chức này sẽ đứng ra thương lượng và tìm giải pháp thích hợp nếu có đình công và tranh chấp lao động
- Tổ chức các buổi diễn đàn đối thoại trực tiếp để lắng nghe nguyện vọng, mong muốn của NLĐ, phân tích và giải quyết kịp thời vấn đề bức xúc hay khúc mắt của NLĐ
- Tạo điều kiện cho NLĐ thoải mái về tinh thần, yên tâm về vật chất trong công việc thông qua các quy định về tiền lương, chính sách, chế độ đãi ngộ, thưởng, đời sống sinh hoạt...
+ Về phía NLĐ:
- Siêng năng làm việc để tăng năng suất
- Luôn bình tĩnh, suy xét toàn diện mọi tình huống trước khi quyết định làm gì
- Chỉ thực hiện đình công và tranh chấp lao động khi chắc chắn quyền lợi của mình bị xâm phạm
- Kiến nghị, bày tỏ nguyện vọng chính đáng lên cấp trên để được xem xét và giải quyết
- Tìm hiểu kiến thức Luật liên quan đến quyền và lợi ích, nghĩa vụ của NLĐ, đảm bảo hiểu và nắm rõ các quy định để tự bảo vệ và đòi quyền lợi cho mình khi cần.
Đình công và tranh chấp lao động là điều không cá nhân hay tổ chức nào mong muốn xảy đến. Bởi NLĐ cần việc làm và lương thưởng xứng đáng - NSDLĐ cần người làm được việc và hiệu suất cao. Do đó, chỉ khi phát sinh mâu thuẫn hay thực sự bức xúc vì quyền lợi bị xâm phạm, NLĐ mới quyết định (hoặc bị kích động) đình công và tranh chấp lao động. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp cả NLĐ và NSDLĐ "hòa hợp" trong quan hệ lao động, tránh xảy ra tranh chấp, gây nên hậu quả không mong muốn.
Ms. Công nhân