Bệnh Whitmore là gì? 7 Biện pháp phòng tránh hữu hiệu công nhân cần biết
17.09.2019 1700 vi.vothanh
Thời gian gần đây, nhiều ca bệnh Whitmore tại Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Nguyên… nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Như vậy sau nhiều năm ẩn mình, Whitmore đã xuất hiện trở lại và có khả năng bùng phát mạnh mẽ. Những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường đất, nước, bụi bẩn có nguy cơ nhiễm bệnh này khá cao. Vì vậy, Vieclamnhamay.vn chia sẻ thêm thông tin về bệnh Whitmore là gì và biện pháp phòng tránh hữu hiệu công nhân cần biết.
Whitmore là gì?
Whitmore hay còn gọi là bệnh Melioidosis, gây ra bởi một loại vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia Pseudomallei. Bệnh này có thể lây truyền qua vết thương khi tiếp xúc với môi trường đất, nước, không khí nhiễm bẩn.
Từ năm 1911, bệnh Whitmore đã được phát hiện chủ yếu ở vùng nhiệt đới, các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Singapore… và hiện nay đang bùng phát mạnh mẽ ở Việt Nam.
Whitmore - “Vi khuẩn ăn thịt người” đáng sợ hiện nay
Nếu không được chuẩn đoán đúng và kịp thời thì tỉ lệ tử vong của bệnh Whitmore có thể lên đến 40% - 60%. Đối với các trường hợp nhiễm khuẩn cấp, thời gian tử vong diễn ra trong vòng 1 tuần từ khi mắc bệnh. Thậm chí có nhiều trường hợp tử vong sau 48 tiếng nhập viện do bệnh tình tiến triển quá nhanh. Chỉ trong tháng 8 vừa qua, trung tâm Bệnh Nhiệt Đới, bệnh viện Bạch Mai, đã ghi nhận rằng có 12 ca bệnh Whitmore. Từ đầu năm đến nay tổng cộng là 20 ca, trong đó 4 người tử vong.
Bệnh Whitmore có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm bởi đôi khi chỉ từ một vết xước nhỏ nhưng không may tiếp xúc với môi trường đất, nước có chứa vi khuẩn này thì nguy cơ mắc bệnh rất cao. Whitmore đi kèm nhiều biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng máu, viêm phổi, áp xe, sốt cao dẫn đến chết người.
Mới đây, bệnh viện đa Bạch Mai cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ đã bị vi khuẩn Whitmore ăn mất phần tổ chức mềm của cánh mũi do chẩn đoán nhầm với nhiễm trùng huyết. Đây cũng là lý do mà loại bệnh này được ví như “Vi khuẩn ăn thịt người”.
Nguy hiểm là vậy nhưng khi không biết bệnh Whitmore là gì, công nhân thường nhầm tưởng với nhiễm trùng huyết. Một số dấu hiệu nhận biết về căn bệnh chết người công nhân cần lưu ý để phát hiện và điều trị kịp thời sau:
- Thông thường, bệnh nhân có dấu hiệu vết loét hình thành ở nhiều cơ quan khác nhau, kèm ho, đau (ngực, bụng, cơ khớp), đau khi thở, sốt cao, đau đầu, sụt cân…
- Nếu nhiễm trùng trên da thì có dấu hiệu đau hoặc sưng da, lở loét cùng áp xe, sốt cao, run. Dấu hiệu cụ thể là xuất hiện những nốt u cứng, màu xám hoặc trắng, sau đó mềm dần, chuyển sang viêm, giống như vết thương đang bị vi khuẩn ăn dần.
- Nếu Whitmore nhiễm trùng vào máu, công nhân sẽ bị suy hô hấp, khó chịu ở vùng bụng, chán ăn, thậm chí là mất phương hướng.
- Với trường hợp nhiễm trùng khu trú thì công nhân chỉ cảm thấy sưng và đau ở một vùng nhất định như mang tai, người bệnh dễ nhầm lẫn với quai bị.
Vì sao công nhân có nguy cơ nhiễm bệnh Whitmore cao?
Whitmore có thể tấn công bất cứ một ai, nên những người hoàn toàn khỏe mạnh cũng không nằm ngoài khả năng nhiễm bệnh. Tuy nhiên đối tượng dễ mắc căn bệnh này nhất đã được các bác sĩ liệt kê như sau:
- Người có hệ thống miễn dịch yếu
- Người mắc bệnh mãn tính như ung thư phổi, bệnh gan, tiểu đường, bệnh thận, HIV…
- Người thường xuyên tiếp xúc với môi trường đất, nước, không khí nhiễm bẩn.
Vi khuẩn Whitmore thường có trong đất, bùn, bụi bẩn. Đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa chúng. Như vậy, có thể thấy rằng những người thường xuyên tiếp xúc với đất, nước, không khí bẩn như công nhân môi trường, công nhân xây dựng, công nhân mỏ than… là một trong những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Whitmore rất cao.
7 Biện pháp vàng phòng tránh bệnh Whitmore công nhân không nên bỏ qua
Hiện nay chưa chứng minh nào cho rằng Whitmore có thể lây từ người sang người hay từ động vật sang người. Con đường ủ bệnh xuất phát chủ yếu từ môi trường bị nhiễm bẩn xung quanh chúng ta. Trên thế giới cũng chưa tìm ra vắc xin phòng bệnh Whitmore nhưng để chủ động phòng tránh, công nhân có thể thực hiện một số biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc với đất, nước, bùn, không khí bị ô nhiễm. Nhất là những công trình gần khu xử lý chất thải các các nhà máy lớn.
- Với những người thường xuyên làm việc ngoài trời và tiếp xúc với bụi bẩn như công nhân môi trường, công nhân xây dựng nên sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) Hoặc có thể dùng băng chống thấm và cần được rửa sạch để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.
- Những công nhân từng mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần chú ý các tổn thương ở da để tránh tiếp xúc với chất độc hại.
- Công nhân khi có những dấu hiệu của bệnh Whitmore cần đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe kịp thời, tránh nhầm lẫn với các bệnh thông thường dẫn đến tử vong đáng tiếc.
- Đảm bảo vệ sinh thân thể và dụng cụ đựng thức ăn luôn sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng kháng khuẩn để hạn chế những mầm bệnh phát triển mạnh mẽ trên da.
- Ăn chín, uống sôi, nhất là sữa tươi cần chọn những sản phẩm tiệt trùng chất lượng để đảm bảo sức khỏe
- Nếu công nhân có vết thương hở thì cần chú ý băng bó cẩn thận để tránh vi khuẩn xâm nhập.
Whitmore đã xuất hiện từ rất lâu ở khu vực Đông Nam Á nhưng đến nay mới bùng phát mạnh mẽ. Người lao động cũng như công nhân thường xuyên tiếp xúc với môi trường bụi bẩn cần chú ý bệnh Whitmore là gì và biện pháp phòng tránh để bảo vệ sức khỏe bản thân trong tâm bão “vi khuẩn ăn thịt người”.
Ms. Công Nhân