BHYT Hộ gia đình và 8 điều người lao động cần biết
29.04.2021 939 hongthuy95
Nếu không tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc, công nhân, người lao động (NLĐ) có thể đăng ký đóng BHYT tự nguyện theo hộ gia định để được hưởng đầy đủ các quyền lợi chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh khi cần.

BHYT hộ gia đình là gì?
BHYT hộ gia đình là hình thức đóng BHYT tự nguyện, được các hộ gia đình đăng ký đóng định kỳ cho các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của gia đình ở thời điểm đăng ký đóng.
Ai cần đóng BHYT hộ gia đình?
Bao gồm:
- Các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của gia đình và không thuộc nhóm đối tượng đóng BHYT bắt buộc theo quy định của Luật (do NLĐ và NSDLĐ đóng, do cơ quan BHXH đóng, do ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng)
* Lưu ý: từ 1/7/2021, những người cùng đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại cùng một địa chỉ (chỗ ở) hợp pháp, không thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc thì được đăng ký đóng BHYT hộ gia đình.
- Các đối tượng ít phổ biến khác như: chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người sống trong cơ quan Bảo trợ xã hội.
Hiện nay, mặc dù hầu hết công việc tại cơ quan nhà nước hay cơ sở tư nhân đều được tổ chức đóng BHXH, BHYT (bắt buộc) cho NLĐ nhưng không phải tất cả. Rất nhiều đầu việc khác, nhất là công việc tự do, việc làm thời vụ, part-time không áp dụng chế độ này. Do đó, để đảm bảo quyền lợi và hạn chế rủi ro khi ốm đau, bệnh tật, nhiều người cần thiết nên đăng ký đóng BHYT tự nguyện, như BHYT hộ gia đình chẳng hạn.
Có bắt buộc đóng BHYT hộ gia đình?
Vì BHYT hộ gia đình là hình thức đóng thuộc BHYT tự nguyện và hình thức bảo hiểm này do người dân, NLĐ tự nguyện tham gia - do đó, Luật không bắt buộc ai cũng phải đóng. Tuy nhiên, mọi thành viên thuộc hộ gia đình tham gia BHYT tự nguyện lại bắt buộc phải đăng ký đóng BHYT theo hộ gia đình, trừ những người thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc theo quy định, mà không được tham gia đơn lẻ.
Hơn nữa, đóng BHYT nói chung và BHYT hộ gia đình nói riêng giúp người đóng (công nhân, NLĐ) nhận được sự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đầy đủ trong khi giảm đáng kể gánh nặng tài chính trong thời gian khám và điều trị bệnh, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Lấy ví dụ dễ hiểu như:
Hộ ông A có 5 thành viên. Trong đó, ông A là Quản đốc xưởng, đã được cấp thẻ BHYT tại nơi làm việc. Vợ ông A là nội trợ. Con trai lớn ông A hiện làm lao động tự do. Con gái nhì là sinh viên, đã được cấp thẻ BHYT đối tượng sinh viên tại trường. Con gái út 2 tuổi đã được cấp BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi
Như vậy, đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình của nhà ông A sẽ chỉ có: vợ và con trai lớn của ông A.

Mức đóng BHYT hộ gia đình bao nhiêu?
Mức đóng BHYT hộ gia đình được tính theo tỉ lệ phần trăm mức lương cơ sở (LCS) (áp dụng với người đóng đầu tiên) và giảm dần tương ứng so với mức đóng của người đóng đầu tiên. Cụ thể:
- Người thứ 1 đóng bằng 4,5% mức LCS
- Người thứ 2 đóng bằng 70% mức đóng của người 1
- Người thứ 3 đóng bằng 60% mức đóng của người 1
- Người thứ 4 đóng bằng 50% mức đóng của người 1
- Người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người 1
Theo đó, với mức LCS hiện nay là 1.490.000đ/ tháng, công nhân, NLĐ đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình sẽ được tính đóng ở mức:
Thành viên |
Mức đóng |
Người thứ 1 |
1.490.000 x 4,5% = 67.050 đ/tháng |
Người thứ 2 |
67.050 x 70% = 46.935 đ/tháng |
Người thứ 3 |
67.050 x 60% = 40.230 đ/tháng |
Người thứ 4 |
67.050 x 50% = 33.525 đ/tháng |
Người thứ 5 trở đi |
67.050 x 40% = 26.820 đ/tháng |
>>> Như vậy, số lượng thành viên đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình càng đông thì mức đóng càng thấp và giảm dần.
Mức hưởng BHYT hộ gia đình ra sao?
+ Nếu khám chữa bệnh đúng tuyến:
Trường hợp khám chữa bệnh (KCB) đúng tuyến, người tham gia đóng BHYT hộ gia đình sẽ được hỗ trợ chi trả:
- 100% chi phí KCB tại cơ sở y tế tuyến xã
- 100% chi phí khám, chữa bệnh nếu mức chi phí cho 1 lần KCB thấp hơn 15% mức LCS (thấp hơn 223.5000đ/ 1 lần KCB)
- 100% chi phí KCB với người đóng BHYT 5 năm liên tục trở lên, đồng thời số tiền chi trả chi phí KCB trong năm nhiều hơn 6 tháng LCS (nhiều hơn 8.940.000đ)
- 80% chi phí KCB cho các trường hợp KCB đúng tuyến khác.
+ Nếu khám chữa bệnh trái tuyến:
- 100% chi phí KCB tuyến huyện
- 100% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh
- 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương
Đăng ký đóng BHYT hộ gia đình ở đâu?
Công nhân, NLĐ có nhu cầu tham gia BHYT hộ gia đình có thể đăng ký mua tại cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH tại nơi cư trú.
Thủ tục đăng ký đóng BHYT hộ gia đình thế nào?
Trình tự các bước được thực hiện sẽ là:
- Đại diện hộ gia đình kê khai đầy đủ thông tin của toàn bộ thành viên đóng vào tờ khai đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình (theo mẫu)
- Nộp hồ sơ gồm tờ khai, bản sao Sổ hộ khẩu, bản chụp thẻ BHYT của các thành viên trong gia đình (nếu có); nộp cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH
- Đóng tiền với mức tương ứng và nhận giấy hẹn trả kết quả
- Nhận thẻ BHYT tại cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH
Mẫu tờ khai đăng ký đóng BHYT hộ gia đình
Đại diện hộ gia đình kê khai thông tin theo hướng dẫn tại phần “Phụ lục thành viên hộ gia đình” tại Mẫu TK1-TS, được ban hành theo Quyết định số 505/QĐ-BHXH.
>>> Xem chi tiết mẫu tờ khai và download: tại đây!
Rõ ràng, dù không bắt buộc nhưng đóng BHYT hộ gia đình là thực sự cần thiết. Hy vọng những thông tin được Vieclamnhamay.vn chia sẻ trên đây sẽ hữu ích, giúp công nhân, NLĐ tìm hiểu và cân nhắc việc đăng ký đóng hay không.
Ms. Công nhân
(Tổng hợp)
NLĐ được lợi gì khi sử dụng mẫu thẻ BHYT mới từ tháng 4/2021?