Cách nhà máy và công nhân sống chung với đại dịch
06.07.2021 1201 hongthuy95
Học theo Bắc Giang, Bắc Ninh, hàng chục nhà máy ở TP.HCM và Bình Dương dựng lều cho công nhân ở lại. Họ làm việc - ăn - ngủ - sinh hoạt ngay trong nhà máy, theo mô hình khép kín, cách ly hoàn toàn với các tác nhân có nguy cơ lây nhiễm bên ngoài khu công nghiệp.
Covid-19 đe dọa tiến độ sản xuất của DN và việc làm của CN
Có thời điểm, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp buộc nhiều nhà máy, khu công nghiệp tạm ngưng hoạt động. Một số nơi có công nhân (CN) dương tính với SARS-CoV-2 phải đóng cửa. Hàng nghìn lao động cách ly và (hoặc) nghỉ việc, giảm ngày công, giảm thu nhập. Nguy cơ chậm đơn hàng do tiến độ sản xuất đình trệ, nợ lương công nhân vì hàng không đủ xuất xưởng…=> doanh nghiệp (DN) khốn đốn đến phá sản, CN lao đao, chật vật, thiếu thốn đủ đường.
Chọn sống chung với dịch để tồn tại
Môi trường làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp khá “nhạy cảm” với Covid vì khả năng lây nhiễm cao, tốc độ lây nhiễm nhanh. Nếu 1 công nhân dương tính với Covid-19 thì sẽ rất nhanh chóng, con số tăng lên hàng chục, thậm chí hàng nghìn ca chỉ trong 1 ngày.
Là một trong những tỉnh đứng Top về mức độ tập trung nhà máy, khu công nghiệp lẫn lượng công nhân, Bắc Giang, Bắc Ninh từng khốn đốn khi trở thành ổ dịch lớn nhất nhì cả nước. Nơi đây có thời điểm ghi nhận hàng trăm ca nhiễm là công nhân nhà máy, trong các khu công nghiệp lớn, với hàng chục nghìn công nhân lao động. Cụm khu công nghiệp lớn bị buộc tạm dừng hoạt động. Nhưng rồi tình hình dần ổn định nhanh, công nhân được thông báo quay trở lại sản xuất khi nơi này thực hiện phương án “3 tại chỗ”: làm việc, sinh hoạt và ngủ nghỉ tại chỗ, ngay trong nhà máy, khép kín và cách ly hoàn toàn với các tác nhân có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở bên ngoài. Tốt thay, lãnh đạo tỉnh tự tin thông báo, tháng 7 này, toàn tỉnh bước vào giai đoạn “bình thường mới” cả trong sinh hoạt và lao động sản xuất.
Nhiều nhà máy ở TP.HCM và Bình Dương đang và sẽ cân nhắc áp dụng.
Tại một xí nghiệp ở Thị xã Tân Uyên, Bình Dương, gần 500 công nhân đang sống và lao động ngay trong khu vực làm việc. Một tuần qua, cứ 1 người được dựng lều (diện tích 3m2), được cấp quạt máy, chăn, mềm, gối, ổ cắm điện và nhiều vật dụng cá nhân thiết yếu khác để sinh hoạt riêng, tại chỗ, trong nhà xưởng công ty.
Được biết, công nhân được đăng ký tự nguyện ở lại tham gia sản xuất để duy trì tiến độ lên đơn hàng, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống; số lao động còn lại làm việc tại nhà (nếu phù hợp) hoặc nghỉ hưởng lương tối thiểu. Xí nghiệp sẽ duy trì phương án này từ 2-3 tuần, hoặc hơn tùy diễn biến dịch. Hiện, đa số công nhân cho hay mọi thứ dần đi vào nề nếp, giờ giấc và cách thức sinh hoạt dần quen, dù không thể thoải mái như ở nhà. Không chỉ được hỗ trợ 3 suất ăn chính, 2 bữa ăn phụ miễn phí mỗi ngày, được làm việc hưởng nguyên lương, được vui chơi giải trí tại sân bóng tự cải tạo từ các khoảng đất trống trong khuôn viên nhà máy, công nhân ở lại còn được hỗ trợ 150.000đ/ ngày/ người, những cá nhân biết nghề cắt tóc được đầu tư dụng cụ để “mở tiệm” (có tính phí) cho nội bộ anh em công nhân trong nhà máy có nhu cầu, vừa giải trí, giết thời gian, vừa có thêm thu nhập.
Ghi nhận từ Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương và TP.HCM, một số nhà máy quy mô dưới 500 công nhân khác cũng hiện đang áp dụng phương án cho lao động ăn ở và làm việc tại chỗ, bằng cách chuyển một phần không gian trong nhà xưởng thành khu lưu trú tạm thời cho công nhân, bên cạnh tận dụng khu ký túc xá hoặc nhà kho hiện có. Theo đó, những nhà máy bố trí lao động ở lại phải lên phương án cụ thể trình Ban quản lý đánh giá, thẩm định mức độ đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch mới được thực hiện. Trường hợp không xây dựng được phương án phòng dịch, xử lý khi xuất hiện ca nhiễm phải ngừng sản xuất. Ngoài ra, một số nhà máy không đủ điều kiện tổ chức cho lao động ở lại nhưng vẫn muốn duy trì sản xuất có thể thuê nơi lưu trú bên ngoài công ty, đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch.
Nước đi kịp thời và hiệu quả
Cho đến hiện tại, phương án “3 tại chỗ” cho thấy tính hiệu quả của việc “sống chung với đại dịch”, khi đáp ứng được mục tiêu kép vừa an toàn trong phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế ổn định.
Dễ thấy, cách làm này giúp công nhân lao động an tâm hơn khi tham gia sản xuất, doanh nghiệp duy trì được nhịp sản xuất, kiểm soát được tiến độ hoàn thành đơn hàng trước tình trạng diễn biến dịch tại Bình Dương hay TP.HCM, nơi tập trung hàng triệu công nhân lao động với hàng chục nhà máy, khu công nghiệp quy mô, vẫn đang phức tạp, chưa được kiểm soát tốt. Nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch mạnh mẽ khi khu dân cư và nhà trọ công nhân đan xen, ở khoảng cách gần. Thử tưởng tượng, người lao động được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với Covid-19 trước khi vào ca và trước khi ra khỏi nhà máy nhưng bị lây nhiễm ngoài cộng đồng mà không hay biết, đến hôm sau lại tiếp xúc với hàng chục công nhân khác trên chuyền thì số ca nhiễm ghi nhận có thể tăng theo cấp số nhân.
Vậy nên, giải pháp “cách ly” công nhân bên trong nhà máy là cần thiết và hợp lý để đảm bảo an toàn. Họ sinh hoạt và làm việc tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, được test Covid-19 định kì, đảm bảo không để mầm bệnh vào bên trong nhà máy. Đồ dùng được người nhà tiếp tế phải qua thang trượt ở cổng và phun khử khuẩn trước khi chuyển đến người nhận.
Quy trình phòng dịch nghiêm ngặt và chặt chẽ tại các nhà máy giúp doanh nghiệp đảm bảo nhịp độ sản xuất, công nhân có công việc ổn định, cho thu nhập tốt, địa phương giảm bớt gánh nặng tuyên truyền và kiểm soát một lượng lớn công dân nâng cao ý thức phòng chống dịch.
Theo VnExpress