Chuyện xưa nay hiếm – Cựu thực tập sinh người Việt bất ngờ được thừa kế công ty Nhật
05.04.2019 1595 bientap
“Cha truyền con nối” là truyền thống điều hành của rất nhiều công ty nhỏ ở Nhật Bản lâu nay – thế nhưng, giao công ty lại cho một người không phải họ hàng đã là chuyện lạ - giao lại cho một người nước ngoài thì đúng là chuyện “xưa nay hiếm” ở đất nước mặt trời mọc.

Ông Yasutaka Nagao sở hữu công ty làm giấy đặt ở quận Nishi – thành phố Nagoya. Ông thành lập công ty Nagao Shiko vào năm 1969 – sau khi tốt nghiệp Đại học với mong muốn hồi sinh cơ ngơi của cha mình ngày xưa. Ban đầu, công ty nhận các đơn hàng làm loại giấy mỏng cho tã dùng 1 lần.
Nhưng khi các nhà sản xuất tã bắt đầu chuyển hướng hoạt động ra nước ngoài để tận dụng nguồn lao động giá rẻ - công ty giấy này chuyển hướng sang hợp tác với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm và sản xuất ô tô. Công ty của ông Nagao hiện đang kinh doanh tốt nhờ sản xuất màng đóng gói thực phẩm và màng nhiều lớp dùng cho pin xe hơi.
Vì con trai cả của ông Nagao làm việc ở nơi khác – không quan tâm đến chuyện thừa kế công ty nên khi bước qua tuổi 60 – ông Nagao bắt đầu cân nhắc đến việc tìm người kế nhiệm. Và quyết định cuối cùng được ông chủ người Nhật đưa ra là giao công ty lại cho anh Nguyễn Đức Trường – một nhân viên đã gắn bó với công ty hơn 10 năm.
Nguyễn Đức Trường đến Nhật làm việc như một thực tập sinh kỹ thuật vào năm 2005 và sở hữu giấy tờ thường trú sau khi kết hôn với 1 phụ nữ Nhật. Anh bắt đầu làm việc cho công ty của ông Nagao vào năm 2008.
Mặc dù ban đầu còn non yếu kinh nghiệm nhưng nhờ sự khéo léo và ham học hỏi – anh Trường tiến bộ rất nhanh và nhận được sự tin tưởng của ông chủ nhờ kết quả công việc tốt.

“Giờ đây tôi thấy nhẹ nhõm vì biết rõ người kế nhiệm mình là ai, thành tích công việc và tính cách là 2 yếu tố quan trọng để tôi đưa ra quyết định này.” – ông Nagao cho biết.
Khi biết được ý định của ông chủ - anh Trường bày tỏ: “Tôi cảm thấy áp lực nhưng rất vui vì ông chủ đã đặt niềm tin lớn vào mình. Tôi sẽ bảo vệ công ty bằng tất cả khả năng của mình.”
Ở Nhật, các công ty nhỏ thường sẽ áp dụng mô hình điều hành “cha truyền con nối” – thế nên chuyện giao lại công ty cho một người nước ngoài đúng là chuyện hiếm gặp. Trong bối cảnh nước Nhật ngày càng phụ thuộc nhiều vào lao động nước ngoài thì trường hợp này là một hướng đi mới tiên phong để giải quyết bài toán thiếu người thừa kế hiện nay.

Theo khảo sát của Tokyo Shoko Research, hiện có đến 95% doanh nghiệp quy mô vừa – nhỏ và siêu nhỏ ở Nhật chưa xác định được thế hệ lãnh đạo tiếp nối. Có hơn 63% công ty vừa và nhỏ thừa nhận không có người thừa kế hay chưa quyết định làm gì với người kế nhiệm. Và gần 20% doanh nghiệp cho biết những người lãnh đạo hiện tại là thế hệ cuối cùng của họ.
Ms. Công nhân