Cớ gì công nhân mất việc nhưng không muốn ký hợp đồng với công ty mới?
10.04.2023 580 hongthuy95
Tin hàng trăm nghìn lao động bị cắt giảm, thiếu việc làm ở khắp các tỉnh thành vốn tập trung đông khu công nghiệp lớn không còn quá ngỡ ngàng. Thế nhưng, điều khiến nhiều nhà tuyển dụng ngớ người chưa hiểu tại sao chính là: công nhân đi tìm việc và nhiệt tình làm việc nhưng lại không muốn hoặc trì hoãn chuyện ký hợp đồng với công ty mới. Cớ sao lại thế?
Gần nửa triệu lao động mất việc, nghỉ giãn việc
Đến hết Quý I/2023, cả nước có đến 149.000 lao động mất việc làm, 294.000 lao động nghỉ giãn việc do các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, tập trung nhiều ở ngành da giày, dệt may, chế biến gỗ; tại các tỉnh đông khu công nghiệp, khu chế xuất như: Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh và Bắc Giang. Các tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An, Bình Phước, Tp.HCM cũng ghi nhận số lượng không nhỏ lao động bị ảnh hưởng.
Mất việc làm, giảm thu nhập, đời sống NLĐ, nhất là LĐPT, lao động thu nhập thấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số tìm việc làm tạm để bám phố đợi; số vay mượn, dính tín dụng đen đến chật vật; số khác về quê… Tương lai không xa, các khu công nghiệp lớn sẽ lại thiếu nhân công, nạn khủng hoảng lao động sẽ lại xảy đến khi mà nơi cần việc thì thừa người còn nơi thừa việc lại thiếu người.
Công nhân chật vật sống và tìm việc làm mới
Cảnh công nhân thu nhập thấp không lạ. Với 7-10 triệu đồng mỗi tháng, đã tính tăng ca và các khoản phụ cấp, trong khi hàng chục khoản sinh hoạt thiết yếu phải chi. Chưa kể những khoản phát sinh bất ngờ như thăm hỏi đồng nghiệp, người thân bị ốm; bản thân hay con đau bệnh phải thuốc thang, bệnh viện; dự tiệc sinh nhật, thôi nôi, cưới hỏi bạn bè, đồng nghiệp; xe cộ hay đồ đạc hư phải sửa… Thế nên, chừng đó thu nhập dường như chỉ vừa đủ, thậm chí thiếu, thiếu nặng chứ lấy đâu ra dư mà tiết kiệm. Bằng chứng là hỏi 10 công nhân thì có đến 7,8 người cho hay nhiều tháng không có 1 đồng tích lũy.
Do vậy, tin mất việc làm khiến nhiều lao động hoang mang, chưa định hình những ngày tháng tiếp theo lấy tiền đâu để chi tiêu, sinh hoạt. Họ vì thế mà chạy vạy khắp nơi xin việc làm. “Làm tạm để có tiền trước đã, việc gì cũng làm, miễn không phạm pháp hay thế đường cùng phải vay nóng rồi bán nhà, bán xe trả lãi…” - anh Nam, công nhân mất việc cho hay.
Có việc là nhận việc nhưng không muốn ký hợp đồng với công ty mới
Nghe tin công ty A cắt giảm hơn 1.000 lao động nên công ty B đã cử đại diện xuống tận xưởng để tuyển dụng, vận động công nhân nhận việc ngay thay vì mất thời gian tìm kiếm công việc ngoài thị trường. Ấy thế nhưng, kết quả lại không như dự đoán.
Bởi, thay vì nhận được sự hồ hởi và nhiệt tình của đông đảo lao động mất việc, phần đa họ có lắng nghe, có đến phỏng vấn nhưng chỉ có vài chục người đến làm việc và thử việc; số còn lại không phản hồi hoặc có nhưng đề nghị được làm thời vụ ít nhất 3 tháng, sau đó mới ký hợp đồng chính thức.
Tại sao lại thế? Đúng ra những công nhân này phải ngay lập tức chớp lấy cơ hội việc làm đó mà làm việc và nhận lương đúng tháng sau, có tiền chi tiêu thường xuyên thay vì chật vật tìm việc và làm việc không quyền lợi, thu nhập không cao, chế độ và quyền lợi chính đáng bị trì hoãn nhận…
Hỏi ra mới biết, lý do những công nhân, lao động đó dù thu nhập thấp, cần việc làm ngay nhưng vẫn đề nghị được làm thời vụ, không hoặc chưa ký hợp đồng lao động với công ty mới là có cái khó nói của họ.
Đó là gì?
Họ muốn được nhận BHTN trước, do đã đủ số năm được trợ cấp. “Đóng BH đủ 12 tháng là đã đủ điều kiện làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp rồi. Vậy thì cứ xin nhận khoản này để chi tiêu trước đã. Rồi sau làm công ty khác lại đóng đủ 12 tháng nữa thay vì giờ làm công ty mới rồi đóng tiếp vài tháng nữa nó phí ra. Bởi đóng 3 năm thì cũng chỉ nhận được 3 tháng thất nghiệp như đóng 12 tháng. Sao phải chịu thiệt thế?” - một nữ công nhân bộc bạch.
“Không đóng bảo hiểm thì hàng tháng không phải mất 4,5 trăm nghìn. Số tiền này đủ ăn 10 ngày đến 2 tuần. Giai đoạn đang khó khăn, cứ ưu tiên có thêm tiền chi tiêu trước đã. Ngưng đóng bảo hiểm vài tháng cũng chả sao. Thêm nữa, tôi đang làm hồ sơ hưởng thất nghiệp, giờ mà ký hợp đồng với công ty mới lại không được nhận 1 khoản hơn 10 triệu đồng, tiếc lắm…” - anh C tiếp lời.
“Nghỉ làm công nhân nhà máy mới thấy, còn nhiều công việc làm thời vụ, casual trả lương theo ngày cao ngất ngưỡng. Tôi làm phụ hồ hơn 1 tháng nay, tiền công cả tháng làm đủ tận 12 triệu đồng. Đây là mức lương không tưởng nếu cứ làm công nhân may. Chưa kể, 15 ngày được trả lương 1 lần, lúc nào cũng có tiền chi tiêu. Vài bữa chắc nói vợ nghỉ làm chỗ mới sang làm phụ hồ chung để có thêm tiền để dư.” - anh D chia sẻ.
Đó là số ít lao động được hỏi lý do dù muốn tìm việc làm ngay nhưng lại không hoặc chưa muốn ký hợp đồng, đóng bảo hiểm với công ty mới. Cũng là tính toán chung của nhiều công nhân khác ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nước đi này có hợp lý? Phải chẳng lao động nghèo, vì thiếu hiểu biết, lại không được tuyên truyền và chia sẻ thông tin nên nghĩ cạn, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên hay bỏ qua những quyền lợi chính đáng và cần thiết về sau nếu làm việc có giao kết hợp đồng, tham gia BHXH liên tục qua các năm…?
Ms. Công nhân