Công nhân đang thử việc có được hưởng lương ngày lễ không? Mức lương hưởng bao nhiêu?
20.05.2022 3267 hongthuy95
Nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu hiểu biết về Luật của công nhân, LĐPT để trục lợi. Điển hình là nạn ép công, chi trả lương không đúng quy định, xảy ra thường xuyên với lao động đang thử việc. Công nhân đang thử việc có được hưởng ngày lễ không là thắc mắc chung của nhiều người? Câu trả lời là gì? Cùng Vieclamnhamay.vn tìm hiểu nhé!
Ví dụ điển hình
“Tôi đang trong thời gian thử việc tại xí nghiệp A, thời gian thử việc là 1 tháng, bắt đầu từ ngày 1/4/2022 đến hết 30/4/2022, sau đó mới căn cứ đánh giá chất lượng công việc để xem xét có ký hợp đồng chính thức hay không từ tháng 5/2022. Theo luật thì tháng 4 có ngày lễ mà NLĐ được nghỉ có hưởng lương nhưng phía công ty lại trừ tiền công ngày này với lý do đang thử việc thì chưa được hưởng những quyền lợi về ngày nghỉ phép hay nghỉ lễ có hưởng lương như công nhân chính thức.
Tôi muốn biết là công ty phản hồi như vậy là đúng hay sai?” - trường hợp của chị Lan, công nhân may của một xí nghiệp ở Bình Dương thắc mắc.
Ngày nghỉ lễ có được tính vào thời gian thử việc hay không?
Luật cho phép DN, NSDLĐ và NLĐ tự thỏa thuận về thời gian thử việc phù hợp với đặc thù công việc đang đảm nhận. Tuy nhiên, có giới hạn thời gian thử việc tối đa cho từng loại công việc. Cụ thể:
Như vậy, có thể thấy, trừ trường hợp thử việc tối đa 6 ngày làm việc thì các công việc còn đặc thù liên quan đều áp dụng thời gian thử việc tính theo ngày bình thường, có bao gồm ngày nghỉ hàng tuần và ngày lễ, Tết trong tháng/ năm. Khi đó, ngày nghỉ lễ, Tết theo quy định sẽ được tính vào thời gian thử việc của hầu hết công việc mà NLĐ đang đảm nhận.
Công nhân đang thử việc có được hưởng lương ngày lễ?
Theo luật, NLĐ được nghỉ làm và hưởng nguyên lương vào 11 ngày lễ, Tết trong năm, đó là:
- Nghỉ 1 ngày Tết Dương lịch 1/1
- Nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch
- Nghỉ 1 ngày Chiến thắng Giải phóng miền Nam 30/4
- Nghỉ 1 ngày Quốc tế lao động 1/5
- Nghỉ 2 ngày Quốc Khánh
- Nghỉ 1 ngày Giỗ tổ Hùng Vương
Như vậy, dù chỉ là công nhân, lao động đang thử việc nhưng trong thời gian thử việc thỏa thuận có ngày nghỉ lễ, Tết được nghỉ làm và hưởng nguyên lương theo quy định thì NLĐ vẫn được tính và trả đủ lương của ngày làm việc bình thường, như đã thỏa thuận.
Quay lại với ví dụ ở đầu bài, việc công ty không tính lương ngày lễ 30/4 cho chị Lan là sai luật.
Mức lương ngày lễ cho công nhân thử việc bao nhiêu?
Luật không quy định mức tiền lương cụ thể mà DN, NSDLĐ phải trả cho NLĐ trong thời gian thử việc, hai bên sẽ tự thỏa thuận cho phù hợp với đặc tính và khối lượng công việc; song không được thấp hơn 85% mức lương của công việc đó khi ký hợp đồng chính thức.
Ví dụ: mức lương khi ký hợp đồng của chị Lan là 7 triệu đồng/tháng thì mức lương thử việc ít nhất phải là: 7 triệu x 85% = 5.950.000đ
Công nhân không được trả lương ngày lễ, Tết khi thử việc có đòi được không?
DN, NSDLĐ không tính đúng và trả đủ lương ngày nghỉ lễ, tết cho NLĐ đang thử việc là vi phạm luật, sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt từ 10-20 triệu đồng/người nếu là cá nhân vi phạm và từ 20-40 triệu đồng/người nếu là tổ chức vi phạm.
Công nhân, lao động bị thiệt thòi có thể làm đơn đề nghị phòng nhân sự của công ty xem xét giải quyết, thanh toán đúng và đủ tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết khi đang thử việc hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của tổ chức công đoàn, Sở LĐ-TB&XH nơi DN đang sản xuất kinh doanh. Trường hợp có hành vi vi phạm, phía thanh tra lao động sẽ tiến hành xử phạt hành chính với mức phạt tương ứng, đồng thời yêu cầu DN, NSDLĐ thanh toán đầy đủ lương và quyền lợi cho NLĐ thử việc.
Lương và chế độ là mối quan tâm của mọi lao động khi tìm việc và làm việc. Luật nghiêm cấm DN, NSDLĐ lợi dụng sự thiếu hiểu biết về luật của NLĐ để trục lợi, ép công, cắt giảm quyền lợi chính đáng của họ. Điển hình như thỏa thuận chi trả lương ngày lễ, Tết khi đang thử việc. Hy vọng những thông tin chi tiết trên đây là hữu ích, giúp công nhân, lao động có thêm kiến thức Luật thực tế để đòi quyền lợi, tránh thiệt thân.
(Theo Thư viện Pháp luật)