Công nhân mong có “bệnh viện” thu nhỏ tại khu công nghiệp!
21.12.2022 467 hongthuy95
“Bệnh đi khám thì tốn kém mà xin nghỉ thì lại mất thêm ngày công trong khi trợ cấp ốm đau biết bao giờ mới được nhận. Giá mà công ty có phòng y tế, hỗ trợ công nhân những lúc ốm đau thì khỏe nhiều rồi…”
Nơi làm việc chứ nào phải bệnh viện
Hiện không nhiều công ty, xí nghiệp thật sự quan tâm đến sức khỏe người lao động. Trong khi luôn luôn hô hào khẩu hiệu chăm lo đời sống công nhân, nỗ lực nâng cao năng suất… thế nhưng người bệnh mệt lã hay tinh thần không phấn chấn thì lấy đâu ra sức và chí để tăng gia?
Hỏi qua một số nơi về lý do không đầu tư phòng y tế cho lao động thì đa số cho hay mỗi năm công ty đã chi một khoảng kinh phí khá cao cho việc khám sức khỏe định kỳ, hơn nữa không phải công nhân ngày nào cũng bệnh, việc trang bị phòng y tế là không cần thiết, chưa kể quá tốn kém, cả về cơ sở vật chất lẫn nhân lực…
“Công ty là nơi làm việc chứ nào phải bệnh viện. Nếu có bệnh, họ tự biết cách xử lý. Hoặc đi làm hoặc nghỉ. Lựa chọn nằm ở phía họ chứ có ai ép đâu…” - Quản đốc phân xưởng may A tại Bình Dương cho ý kiến.
Có bệnh nhưng ráng đi làm vì tiếc ngày công
Ngược lại với quan điểm này, một công nhân vừa tranh thủ giờ ăn cơm ca để uống thuốc rồi nghỉ ngơi một chút trước khi vào giờ làm, gương mặt hiện rõ sự mệt mỏi tâm sự: “Có ai đi làm công mà mong mình bị bệnh đâu chứ. Bệnh đi khám thì tốn kém mà xin nghỉ thì lại mất thêm ngày công trong khi trợ cấp ốm đau biết bao giờ mới được nhận. Giá mà công ty có phòng y tế, hỗ trợ công nhân những lúc ốm đau thì khỏe nhiều rồi”.
Thật vậy, đa số công nhân có bệnh sẽ tự mua thuốc ngoài để chữa hoặc để lì cho bệnh tự khỏi thay vì đi bệnh viện khám. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bệnh trở nặng hay ẩn chứa bệnh hiểm nghèo mà không hay biết. Để đến khi bệnh thì nguy mà chi phí điều trị lại cao ngất ngưỡng.
Cách đây không lâu, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận cấp cứu cho một nam công nhân may bị đột tử trên đường đi làm. Được biết, anh này bị cảm cúm lâu ngày nhưng sợ tốn tiền, lại tiếc ngày công nên cố. Kết quả bị té xỉu giữa đường, ngưng tim, ngưng thở, huyết áp không đo được. May mắn được người dân giúp đỡ kịp thời đưa vào bệnh viện nên được cứu sống. Đáng lo thay, chi phí điều trị mỗi ngày lên đến 7 triệu đồng. Cuộc sống công nhân vốn khốn khổ nay càng khốn khổ hơn.
Xây “bệnh viện” thu nhỏ trong khu công nghiệp có khả thi?
Thật ra, không phải công nhân không lo cho sức khỏe của mình. Tuy nhiên, thường bệnh nặng họ mới đi viện. Bởi chỉ đi bệnh viện mới được tính BHYT, khám giờ hành chính để giảm tiền. Nhưng khám theo diện này thì phải đi xa, lại còn xếp hàng đợi lâu nên phải xin nghỉ trọn một ngày làm. Như thế là rất phí. Còn khám ngoài giờ thì tiền đâu chịu nỗi.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, việc mở/ xây phòng y tế với đầy đủ trang thiết bị và vật tư, cả nhân lực phục vụ cho mục đích khám chữa bệnh giản đơn hay cấp cứu cho người lao động đúng là ý tưởng hay nhưng tính khả thi lại không quá cao. Bởi, chi phí có thể khá lớn, chưa kể công ty có thể sẽ trừ trực tiếp vào thu nhập của công nhân (mức tỷ lệ nhất định) chứ không hẳn chịu giảm lợi nhuận đi. Vậy nên, có hay không quyết định đầu tư một “bệnh viện” thu nhỏ trong khu công nghiệp cần được tính toán kỹ lưỡng.
Nhưng… sức khỏe công nhân vẫn nên được quan tâm là chính đáng. Thế phải làm gì đây?
Nếu được, công ty và chính quyền địa phương nên kết hợp với các bệnh viện hay trung tâm y tế, trạm y tế, thậm chí phòng khám tư gần đó để hỗ trợ người lao động về vấn đề y tế thiết yếu. Như khám chữa bệnh có áp dụng BHYT, khám cuối tuần hay ngày nghỉ định kỳ, khám ngoài giờ, khám tại nhà… tạo điều kiện tốt nhất với chi phí thấp nhất cho công nhân.
Ms. Công nhân