Công nhân và nỗi ám ảnh “đẹp mặt” khi về quê ăn Tết
07.12.2024 3636 vi.vothanh
Không biết từ bao giờ, câu chuyện “Về quê ăn Tết” lại là nỗi ám ảnh của nhiều công nhân đến thế. Từ cơm áo gạo tiền đến phong tục lễ nghĩa, tất cả dường như khiến cái Tết trong lòng mỗi lao động phổ thông trở nên áp lực hơn rất nhiều.
Người ta bảo, “Tết là chuyện của muôn nhà, xuân chẳng phải của riêng ai”. Và với những người có thu nhập thấp, khoảng thời gian này thật sự là nỗi trăn trở bởi vô vàn câu chuyện “đẹp mặt” ngày xuân...
Chuyện quà cáp của người xa quê
Trước đây, ở miền Bắc thường có phong tục ai đi xa quê về phải có quà thăm hỏi người thân. Kha khá thì bánh trái các loại, khó khăn một chút cũng được gói trà nho nhỏ gọi là lấy thảo với ông bà, chú bác. Dù “của ít, lòng nhiều” nhưng vị chi tính ra cũng vài triệu, bởi họ hàng bốn bên nội ngoại đều đông đúc, ai cũng phải có một phần mới đủ lễ nghĩa. Ngày nay, phong tục này không còn phổ biến, nhưng một số nơi vẫn được giữ lại, nó trở thành nỗi ám ảnh của nhiều công nhân xa nhà.
Chị Hồng Liên, công nhân ở Tp. HCM tâm sự: “Phần mình sao vẫn được, nhưng sợ nhất bà con cứ thấy ai đi làm ở thành phố là nghĩ nhiều tiền, nhận quà nhưng so đo với người này người kia. Còn bố mẹ lúc nào cũng nhắc nhở, mong con cái có quà nhiều, quà to để nở mày nở mặt với họ hàng”.
Chuyện thờ cúng ông bà, tổ tiên
Nếu như quà cáp tùy vào lòng thành thì việc thờ cúng ông bà là trách nhiệm không thể chối bỏ. Làm ăn xa nhà, việc cúng kính ngày thường mình đều bỏ qua hết, vậy nên, Tết về nhất định phải dâng lên tổ tiên được hộp bánh, giỏ trái cây. Đi hết lần lượt bốn bên nội ngoại, nhè nhẹ tiêu ngốn hết cả triệu bạc. Số tiền đó, phải tăng ca, tích lũy từng tháng mới có được. Chẳng may bỏ qua nhà cô bác nào là y như cả năm bố mẹ sẽ bị trách mắng rằng “Con cháu bất hiếu”. Có người còn tâm sự: “Những ngày trước khi về quê, đêm nào tôi cũng trăn trở, không biết chi tiêu, mua sắm thế nào cho tiết kiệm nhưng vẫn phải đạo. Giá như, mọi người đừng đặt nặng chuyện hình thức thì có lẽ sẽ chẳng còn ai kiếm cớ không về quê ăn Tết”...
Chuyện lì xì - niềm vui của người này, nỗi ám ảnh của người kia
Ngày xưa, lì xì là để mừng tuổi, cầu chúc sức khỏe cho trẻ nhỏ, ông bà. Ngày nay, phong tục này dần trở nên biến tướng, như một thước đo giàu nghèo trong xã hội. Thực ra, trẻ con đôi khi không hiểu được hết ý nghĩa của tiền mừng tuổi, nhưng chính thái độ từ người lớn khiến chúng luôn so đo, xem xét phong bì nào nhiều nhất. Anh Danh, công nhân xa nhà đang sinh sống tại Đồng Nai chia sẻ: “Năm ngoái, tôi bỏ 20 ngàn trong bao lì xì cho đứa cháu, đến khi mở ra, nhìn thấy tờ xanh dương, nó bĩu môi bảo Bác đi làm mà mừng tuổi ít thế. Lúc ấy, tôi chỉ biết cười gượng và thực sự rất khó chịu trong lòng”.
Nhiều công nhân cho biết, về nhà ăn Tết với bố mẹ là việc không quá khó khăn. Nhưng để chuẩn bị hết được những khoản chi tiêu lặt vặt mới đáng lo nghĩ. Nói đến chuyện lì xì, ai cũng dở khóc dở cười vì có khi mỗi nhà đến vài ba đứa trẻ, đâu thể nhắm mắt “giả lơ” hoài...
Chuyện thăm hỏi đời tư ngày Tết
“Tết sẽ trọn vẹn biết mấy nếu đừng ai nhắc đến chuyện lương thưởng hay gia đình, con cái. Như: một tháng gửi về phụng dưỡng cho bố mẹ chừng nào - bao giờ lấy vợ/chồng - khi nào tính sinh con, cho ông bà có cháu bế bồng…? Dẫu biết rằng, người ta quan tâm, quý mến mới hỏi han nhưng có lẽ cần phải tế nhị một chút” - Chị Tâm, công nhân 25 tuổi làm việc tại Bình Dương tâm sự. Một người bạn cùng trọ với Tâm cũng cho hay: “Mình thực sự cảm thấy áp lực khi về quê dịp Tết. Mọi người có vẻ rất thích đề cập đến vấn đề lương thưởng, nhưng làm công nhân thì dư được bao nhiêu đồng đâu, cứ hỏi vặn vẹo phát bực. Chẳng biết họ giúp được gì không mà năm nào cũng nguyên một chủ đề”...
Thực tế, với người trẻ, họ không thích ai hỏi thăm đến những chuyện riêng tư, nhưng bố mẹ, người già, họ mong được nghe con cháu chia sẻ để an lòng. Nếu con cái làm ăn phát đạt, gia đình đuề huề thì được dịp khoe với bà con hàng xóm, nở mày nở mặt hơn... Bởi vậy mới có chuyện so đo, phân bì cùng lên thành phố lao động mà người này giàu, kẻ kia nghèo… Mãi rồi, Tết trở thành nỗi ám ảnh với những ai có thu nhập thấp.
Chẳng biết từ lúc nào, Tết không còn là niềm háo hức như lúc xưa. Và có một sự thật rằng rất nhiều người sợ Tết. Ai cũng muốn được đoàn tụ cùng gia đình nhưng áp lực tiền bạc, muôn vàn thủ tục, lễ nghĩa cho đẹp mặt, vừa lòng người lớn khiến họ sợ hơn là mong… Với công nhân, bao giờ mới hết khổ vì những cái Tết lắm trăn trở?
Vũ Vi