Đã tìm ra giải pháp thu hút người lao động tham gia sản xuất năm 2022!

24.02.2022 13939 hongthuy95

Một khi mọi chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) được quan tâm và đẩy mạnh tối đa, khiến họ yên tâm tham gia sản xuất thì không người tìm việc nào từ bỏ cơ hội có việc và có tiền, ổn định cuộc sống, nhất là sau giai đoạn dịch bệnh khắc nghiệt và sau Tết nhiều chi tiêu. Khẳng định này được các diễn giả cùng chính NLĐ thống nhất nêu cao quan điểm và chú trọng giải quyết trong tọa đàm tìm kiếm giải pháp thu hút nguồn lao động sản xuất năm 2022 vừa được diễn ra hôm 22/02 vừa qua.

đã tìm ra giải pháp thu hút người lao động tham gia sản xuất năm 2022

Tọa đàm "Giải pháp nào cho nguồn lao động sản xuất năm 2022?" diễn ra lúc 9h sáng 22/2/2022

Xem lại toàn bộ buổi Tọa đàm: “Giải pháp nào cho nguồn lao động sản xuất năm 2022?”

-- * -- * -- * -- 

Tọa đàm: GIẢI PHÁP NÀO CHO NGUỒN LAO ĐỘNG SẢN XUẤT NĂM 2022?

+ Đơn vị tổ chức: Oxfam Việt Nam, Vieclamnhamay.vn, Báo Công thương

+ Hình thức tổ chức: Trực tiếp kết hợp trực tuyến

- Offline: tại Studio báo Công Thương - Tầng 10 - Tòa nhà Bộ Công Thương - 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội

- Online: livestream tại fanpage Báo Công thương, Báo Công thương điện tử, website Vieclamnhamay.vn, fanpage Đời Công nhân và Việc làm nhà máy, KCN của Vieclamnhamay.vn, fanpage của Oxfam tại Việt Nam.

+ Thời gian tổ chức: 9h sáng ngày 22/02/2022

+ Thời lượng: 2h15p

+ Khách mời:

- Đại diện cơ quan quản lý NN tại địa phương: Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương và Nghệ An

- Đại diện một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn hiện nay (Tập đoàn Dệt may Việt Nam - CP CP Dệt may Thành Công, VNS, Phương Linh)

- Đại diện Người lao động: TS. Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng, Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

- Đại diện Oxfam: bà Nguyễn Thu Hương

- Đại diện GIZ: bà Trần Thị Thu Trang

- Đại diện website Vieclamnhamay.vn: ông Lê Quốc Việt

+ Nội dung chính:

- Phân tích thực trạng tình hình sản xuất của doanh nghiệp và việc làm của người lao động sau giãn cách và sau Tết

- Tìm hiểu nhu cầu và nguyện vọng của người lao động để quay trở lại thành phố làm việc sau thời gian dài khủng hoảng vì dịch

- Đưa ra những kiến nghị, giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động lẫn việc làm, làm sao để thu hút nguồn nhân sự bổ sung nhanh nhất sau Tết

- Đặc biệt, chính người lao động sẽ được tương tác và trực tiếp đặt câu hỏi cho chuyên gia cũng như bày tỏ nguyện vọng, mong muốn về việc làm, chế độ đãi ngộ, phương án hỗ trợ… với doanh nghiệp

- …

​-- * -- * -- * --

Doanh nghiệp lẫn NLĐ khó khăn chồng chất vì dịch

Dịch Covid-19 đã và đang khiến thị trường lao động của Việt Nam đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng thấy khi tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên ở mức cao, kéo theo thu nhập của NLĐ bị sụt giảm mạnh. Mặt khác, nhiều ngành sản xuất, trung tâm công nghiệp lớn (nhất là các tỉnh thuộc khu vực phía Nam) phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Theo Tổng cục Thống kê, hơn 1,4 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp năm 2021, tăng 203,7 nghìn người so với năm 2020.

Tháng 7/2021, sóng dịch 4 bùng phát mạnh mẽ tại khu vực phía Nam dẫn đến cuộc khủng hoảng lao động và việc làm quy mô lớn nhất trong lịch sử. Tại các tỉnh, thành vốn luôn được xem là “miền đất hứa” để người lao động cả nước tìm đến mưu sinh, khởi nghiệp thì lúc đó lại là nơi ám ảnh, đầy nguy cơ mất việc lẫn mất sự sống khi hàng loạt công ty, nhà máy đóng cửa, toàn bộ người dân thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 “ai ở đâu ở yên đấy” hàng tháng liền nên khi được nới lỏng, hàng trăm nghìn người đã bằng mọi cách tháo chạy về quê tránh dịch. Để rồi nay, khi Covid cơ bản được kiểm soát, vaccine được bao phủ tối đa, hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trở lại trạng thái bình thường mới, chính quyền địa phương và lãnh đạo doanh nghiệp nỗ lực thu hút nhân lực hậu giãn cách thì… có người hào hứng quay trở lại ngay, người chần chừ vì lo sợ, cũng có người nhất quyết không. Chính điều này gây nên nhiều khó khăn và thách thức cho kế hoạch khôi phục sản xuất, tổ chức việc làm, ổn định đời sống và an sinh xã hội cho NLĐ nói chung trên cả nước sau đại dịch, cũng là sau Tết.

Là một trong những tỉnh, thành thu hút lực lượng lao động đông nhất cả nước, Bình Dương từng có hơn 1 triệu lao động có hợp đồng và 400.000-500.000 lao động tự do khác. Covid-19 bùng phát mạnh khiến các doanh nghiệp tại đây phải thực hiện “3 tại chỗ” nên hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, chỉ hoạt động cầm chừng; có cơ sở không đáp ứng điều kiện thì đóng cửa hẳn. Hết giãn cách, NLĐ bị khủng hoảng tâm lý nên bằng mọi cách tháo chạy. Thống kê nhanh từ Sở LĐLĐ tỉnh, có đến 100.000 NLĐ tại đây trở về quê tránh dịch những tháng cuối năm 2021 gây ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi bước vào phục hồi sản xuất và mở rộng đơn hàng hậu Covid.

Dệt may là nhóm ngành sử dụng lao động nhiều nhất nên dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất. Lần đầu tiên trong rất nhiều năm, hầu hết các doanh nghiệp báo thua lỗ vào quý III. Rõ nét nhất tại TP.HCM, Covid bắt đầu từ tháng 5 và nghiêm trọng nhất vào tháng 7 đến tháng 9 yêu cầu doanh nghiệp muốn sản xuất thì thực hiện “3 tại chỗ”. Những doanh nghiệp quy mô vài nghìn lao động như Dệt may Thành Công phải cắt giảm 50% nhân lực do quy định khiến đơn hàng chậm trễ cùng với đó là áp lực chi phí tăng cao cùng mối lo lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, sẽ không có cách nào tốt hơn là duy trì sản xuất cầm chừng như thế nên phải cố gắng, bằng không thì đóng cửa nhưng cũng phải chi trả lương cho NLĐ để giữ họ ở lại.

Ngược lại, tại Nghệ An, địa phương ghi nhận đón lượng công nhân lao động hồi hương đông nhất nước với khoảng 150.000 người, trong đó gần 90.000 cá nhân trong độ tuổi lao động khiến lãnh đạo chính quyền lẫn doanh nghiệp bối rối trong khâu an toàn phòng, chống dịch lẫn ổn định việc làm và an ninh trật tự, an sinh xã hội.

NLĐ và những mối lo chực chờ

Thực tế thì hầu hết NLĐ đều có nhu cầu được làm việc, nhất là giai đoạn sau Tết để bắt đầu lại một năm hy vọng sau thời gian dài khủng hoảng vì dịch, cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, khi những mối lo như sợ dịch bệnh bùng phát phải giãn cách lại, muốn ở gần gia đình hơn, thị trường lao động chưa ổn định, chế độ phúc lợi chưa cao, chính sách hỗ trợ NLĐ chưa thiết thực, có thể tìm việc gần nhà... Mặt khác, số ít công nhân bị mất việc làm do công ty cắt giảm nhân sự đã may mắn tìm được công việc mới tốt hơn, cho thấy sự ổn định hơn nên không thiết tha quay trở lại công việc cũ, ở công ty cũ nữa.

Về quyết định rời thành phố hồi hương trong thời điểm dịch bùng phát mạnh, nhiều lao động cho hay đó là tình thế bất đắc dĩ, cũng thừa hiểu sẽ khó khăn khi tìm sinh kế mới ở quê nhà, nơi vốn chẳng biết làm gì để sống, chứ chưa nói đến hy vọng làm giàu. Tuy nhiên, chính vì lo sợ dịch bệnh, cộng thêm không có tích lũy trong quá trình làm việc nên không thể trụ thêm nữa, các đợt hỗ trợ từ chính quyền và các nhà hảo tâm cũng thưa hơn do dịch kéo dài, rồi đau nhất là những ai mất người thân, cả bất cập về lương và thu nhập do 2 năm rồi không tăng lương tối thiểu vùng, không tăng lương cơ bản, cũng không được tăng ca trong khi chi phí sinh hoạt vẫn đội giá, thêm nhiều chi phí phát sinh mới như phòng ngừa dịch bệnh hay mua kit test Covid… Một cuộc khảo sát nhanh tại khu nhà trọ công nhân ở Bình Dương ghi nhận: trên 50% người lao động tằn tiện chi tiêu những ngày chống dịch; họ giảm thịt cá, có bữa chỉ ăn mì tôm hay gộp bữa ăn để tiết kiệm. Những điều này tạo tâm lý chán nản, bất lực cho NLĐ khiến họ bằng mọi giá phải về quê, rời bỏ “miền đất hứa”.

Như vậy, chỉ khi giải quyết được những mối lo chực chờ này, doanh nghiệp mới có thể thu hút được NLĐ trở lại làm việc, bằng những giải pháp và chính sách chi tiết, thiết thực và kịp thời.

Hầu hết doanh nghiệp đều tuyển dụng lớn sau Tết

Nếu năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là thiếu hụt đơn hàng và tiếp cận nguồn vaccine hay bối rối khi triển khai “3 tại chỗ” để hoàn thành các đơn hàng dở dang thì sang năm 2022, những vấn đề này đã được gỡ bỏ, thay vào đó là mối nguy thiếu hụt nguồn lao động, cùng với nhiều chi phí phát sinh tăng cao để tổ chức lại và mở rộng quy mô sản xuất.

Sau Tết vốn là thời điểm tuyển dụng với quy mô lớn của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên cả nước. Giai đoạn sau nghỉ Tết năm 2022, số lượng tuyển càng gia tăng khi trước đó tình trạng thiếu hụt lao động sau dịch tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất - cung ứng đã manh nha xuất hiện tại một số doanh nghiệp.

Ghi nhận tại Bình Dương, 100% doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sau Tết, với 95% số lao động trở lại làm việc. Tuy nhiên, tỉnh này vẫn cần tuyển mới 40.000 lao động cho hoạt động sản xuất của quý I và dự kiến tuyển 90.000 lao động cho cả năm ở các nhóm ngành nổi bật như gỗ, nội thất, da giày, dệt may, thực phẩm, đồ điện tử... Lực lượng này một mặt để bổ sung vào số lao động bị sụt giảm do dịch, mặt khác bổ sung mới cho dây chuyền sản xuất, hoàn thành đơn hàng mới để mở rộng quy mô.

Các địa phương khác ở khu vực phía Nam, điển hình như TP.HCM, Đồng Nai cũng ráo riết đưa ra kế hoạch tuyển dụng và thu hút nguồn lao động cho sản xuất năm 2022.

đã tìm ra giải pháp thu hút người lao động tham gia sản xuất năm 2022

Vieclamnhamay.vn hỗ trợ doanh nghiệp tuyển người và NLĐ tìm việc xuyên suốt mùa dịch

Chênh lệch nhu cầu việc làm - lao động giữa các địa phương

Nhu cầu tìm việc của NLĐ luôn có, lực lượng lao động cũ nghỉ tạm do công ty giảm quy mô sản xuất nay quay trở lại hay người tìm việc mới đều được nhận vào. Tuy nhiên, số lượng lao động được tuyển vẫn là chưa đủ cho số lượng lao động cần. Ghi nhận rõ nét tại các doanh nghiệp thuộc khu vực phía Nam. Nguyên nhân có thể do:

- NLĐ có nhu cầu thay đổi công việc và môi trường làm việc

- NLĐ chưa có nhu cầu tìm việc, chưa có tâm lý muốn tìm việc sau Tết

- NLĐ còn đang trong thời gian hưởng BHTN nên muốn tiếp tục hưởng đến hết rồi mới tìm việc mới

- Cạnh tranh giữa việc thu hút lao động giữa các nhà máy cùng ngành nghề, thậm chí giữa các ngành nghề và các địa phương

- NLĐ muốn tìm việc tại địa phương dù lương thấp hơn nhưng chi phí chi tiêu hàng tháng giảm, trong khi nếu trở lại thành phố thì các chi phí sinh hoạt chắc chắn sẽ cao hơn, cộng thêm lo sợ dịch bệnh bùng phát

Ngược lại, tại Nghệ An, dù là địa phương đón số lượng lớn lao động ngoại tỉnh hồi hương nhưng tình hình lao động - việc làm vẫn không cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Bởi, hầu hết NLĐ trở về đều có trình độ thấp, chỉ phù hợp với các công việc giản đơn trong khi tỷ lệ cạnh tranh với lực lượng lao động sẵn có trước đó khá cao. Chưa kể, sự ồ ạt này còn tạo nên nhiều khó khăn và áp lực lớn cho chính quyền địa phương trong công tác tổ chức đón, cách ly và đưa NLĐ trở về với gia đình an toàn - quản lý công nhân về sinh hoạt tại địa phương đảm bảo an ninh trật tự và an toàn chống dịch - giải quyết việc làm và an sinh xã hội cho NLĐ…

Giải pháp nào thu hút nguồn lao động sản xuất năm 2022?

Hỗ trợ tối đa cho NLĐ về các chính sách lương thưởng, phúc lợi trong công việc lẫn giúp đỡ trong đời sống về các vấn đề ăn - ở - sinh hoạt - đi lại tối thiểu để họ yên tâm tham gia sản xuất là giải pháp hữu hiệu và tức thời được các diễn giả đề cập và nhấn mạnh xuyên suốt tọa đàm. Bởi lẽ, tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến quyết định tìm việc và năng lượng, hiệu suất sản xuất của họ. Tinh thần có vững, sức lao động có khỏe thì mới có thể đạt chất lượng công việc cao, sẵn sàng cho những ngày tháng tăng gia sản xuất, bù đắp lại những sụt giảm nghiêm trọng trong thời điểm chịu ảnh hưởng của dịch, từ đó mà mức lương và thu nhập cũng được tăng lên đáng kể, tạo tích lũy, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt.

Ngoài ra, cả chính quyền địa phương lẫn doanh nghiệp cần tạo điều kiện để NLĐ được đào tạo nghề, học nghề bài bản, chuẩn bị sẵn sàng cho nhu cầu của cuộc cách mạng 4.0 khi mà những công việc giản đơn có thể bị robot thay thế trong tương lai không xa. Bên cạnh đó là sự thích ứng linh hoạt với tình hình sản xuất của doanh nghiệp cũng như nhu cầu việc làm của NLĐ bằng cách thay đổi sản phẩm sản xuất khi cần hay mở rộng cơ sở sản xuất tại các địa phương tiềm năng, nơi NLĐ hồi hương đông vào làm việc…

Với các tỉnh, thành hiện thiếu hụt lao động cần có kế hoạch thu hút và hỗ trợ đón NLĐ trở lại làm việc - liên hệ với địa phương khác hỗ trợ tuyên truyền và đưa đón NLĐ hồi hương quay trở lại thành phố sau Tết - hỗ trợ tiêm vaccine và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo an toàn trong sản xuất - tổ chức các hội nghị kết nối các hiệp hội, cơ quan, doanh nghiệp và NLĐ trong vấn đề tuyển dụng và việc làm - thông tin chính xác và thường xuyên tình hình thị trường lao động trên nhiều kênh tiếp cận để kết nối doanh nghiệp với NLĐ - thực hiện tốt Nghị quyết 68 cùng với những chính sách, gói hỗ trợ thiết thực cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch…

Với các tỉnh, thành đón lượng người hồi hương lớn dẫn đến khả năng dư thừa nguồn lao động thì cần có chính sách giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao đời sống cho NLĐ. Tại Nghệ An, LĐLĐ tỉnh đã tiến hành rà soát, thống kê theo nhóm đối với NLĐ trở về về nhu cầu và mong muốn việc làm của họ - tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cần thiết và phù hợp cho NLĐ - giao TTDVVL làm đầu mối với các địa phương, trên cơ sở thống kê nhu cầu của từng đối tượng NLĐ để hỗ trợ thiết thực và kịp thời, bằng cách chia nhỏ các đối tượng như nhóm NLĐ muốn trở lại thành phố làm việc, nhóm NLĐ muốn làm việc tại địa phương, nhóm NLĐ muốn kinh doanh, phát triển kinh tế tại địa phương, nhóm NLĐ muốn nâng cao trình độ, nhóm NLĐ muốn XKLĐ… Phấn đấu 100% lao động từ địa phương khác trở về có nhu cầu học nghề, tìm việc làm sẽ được hỗ trợ, giải quyết, sớm ổn định đời sống và an sinh xã hội…

đã tìm ra giải pháp thu hút người lao động tham gia sản xuất năm 2022

Đảm bảo chế độ phúc lợi, an sinh xã hội và an toàn sức khỏe cho NLĐ là giải pháp đúng đắn và kịp thời nhất thu hút họ vào DN làm việc

 

Rõ ràng, Covid tuy gây ra nhiều hệ lụy cho tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm, đời sống của NLĐ nhưng mặt khác, nó cũng là phép thử cho các cơ sở trong khả năng thích ứng và đối phó với đại dịch: chỉ những ai chủ động và bình tĩnh, sáng tạo mới có thể trụ lại và phục hồi; bằng không sẽ bị đào thải. Thêm vào đó là nhận ra giá trị có tính sống còn của nguồn lao động, từ đó quan tâm hơn đến nhu cầu và nguyện vọng của NLĐ, tìm giải pháp thiết thực và kịp thời giữ chân lao động cũ được việc và thu hút lao động mới tiềm năng, bổ sung vào lực lượng lao động bị sụt giảm do dịch, đồng thời đáp ứng nhu cầu sản xuất cho các đơn hàng mới, sớm ổn định và mở rộng quy mô sản xuất trong tương lai.

Ms. Công nhân

(Thông tin và số liệu chi tiết được lấy từ

Tọa đàm: Giải pháp nào cho nguồn lao động sản xuất năm 2022?)

4.7 (37 đánh giá)
Đã tìm ra giải pháp thu hút người lao động tham gia sản xuất năm 2022! Đã tìm ra giải pháp thu hút người lao động tham gia sản xuất năm 2022!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chi tiết quá trình chuẩn bị và phân công triển khai sản xuất trong phân xưởng

Chi tiết quá trình chuẩn bị và phân công triển khai sản xuất trong phân xưở...

Một đơn hàng nhận từ đối tác sẽ được phân xưởng lên kế hoạch và triển khai sản xuất chi tiết. Theo đó, từng bộ phận, vị trí sẽ tiến hành thực hiện nhi...

18.11.2024 170

Gọi tên 02 phương thức sản xuất hiện có trong nhà máy, xí nghiệp

Gọi tên 02 phương thức sản xuất hiện có trong nhà máy, xí nghiệp

Mọi nhà máy, phân xưởng đều nỗ lực tìm kiếm và gia tăng đơn hàng để tăng gia sản xuất, tăng doanh thu và lợi nhuận. Người lao động vì thế cũng được hư...

30.10.2024 139

Nên hay không thỏa thuận trả lương theo sản phẩm cho người lao động?

Nên hay không thỏa thuận trả lương theo sản phẩm cho người lao động?

Nhiều người chỉ muốn được nhận lương cố định hàng tháng theo thỏa thuận trong khi số khác lại yêu cầu chi trả lương dựa trên tổng sản phẩm đạt chuẩn l...

29.10.2024 143

Chiến lược giảm thuế và 08 giải pháp hữu hiệu cho doanh nghiệp

Chiến lược giảm thuế và 08 giải pháp hữu hiệu cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp nào cũng muốn tối ưu mức thuế phải đóng theo quy định. Chiến lược giảm thuế vì thế mà cần thiết và cực kỳ quan trọng. Vậy chiến lược giảm...

26.09.2024 186