Điểm mặt 3 kiểu ứng viên thường gặp khi đi tìm việc
29.01.2019 1298 hongthuy95
Bạn là ứng viên tìm việc hay nhà tuyển dụng tìm người? Bạn đã tham gia phỏng vấn được bao nhiêu lần? Những kiểu ứng viên bạn thường gặp ra sao?... Ở mỗi giai đoạn, mỗi đối tượng ứng viên sẽ có đặc điểm và mong muốn khác nhau; sự thay đổi sẽ càng rõ rệt theo số năm làm việc hay số lần đi phỏng vấn của họ. Bài viết hôm nay của Vieclamnhamay.vn sẽ cùng bạn điểm mặt 3 kiểu ứng viên thường gặp khi đi tìm việc…

Là ứng viên mới ra trường
Tâm lý chung của hầu hết sinh viên mới ra trường đều mong muốn, thậm chí khát khao tìm việc làm nhanh nhất có thể. Họ mang hồ sơ đi rải khắp nơi, tại các công ty có ngành nghề họ vừa tốt nghiệp, quy mô lớn nhỏ có đủ. Bởi đa phần sinh viên chỉ cần tìm được việc làm ngay đã, còn làm ở đâu không quan trọng. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, chỉ xin ở công ty, tập đoàn lớn trong khi bản thân chưa có kinh nghiệm hay kiến thức còn nhiều hạn chế.
Đến buổi phỏng vấn, ứng viên trong danh sách này đều tỏ rõ sự quyết tâm, khao khát được làm việc và cống hiến, thể hiện mình ở môi trường mới với sức trẻ và sự nhiệt huyết vô cùng lớn. Sẽ có những công ty chấp nhận tuyển sinh viên mới ra trường vào học việc đúng chuyên ngành, tổ chức đào tạo nghiệp vụ để trở thành nhân viên chính thức sau thời gian thử việc (nếu đạt) – nhưng cũng sẽ có những công ty tuy có tuyển nhưng sẽ bố trí ứng viên ở những vị trí khác, ít hoặc không liên quan đến chuyên ngành học. Quyết định đồng ý hay không là tùy mỗi ứng viên. Tuy nhiên, giai đoạn này, khi đi phỏng vấn, ứng viên không có nhiều sự lựa chọn, sự lựa chọn duy nhất là đi làm thôi.
Ngoài ra, tồn tại không ít ứng viên, dù đang thử việc hay làm việc tại công ty này nhưng vì một lý do nào đó (lương thấp, môi trường/ công việc không phù hợp, muốn trải nghiệm ở nơi mới hơn…) mà vẫn âm thầm nộp hồ sơ và đi phỏng vấn ở những công ty khác. “Đậu thì bay - không đậu thì ở lại”, chẳng mất mát gì. Cứ thế, họ thay đổi chỗ làm liên tục chỉ trong 1,2 năm sau ra trường. Đây là điều ngán ngẫm nhất mà không một nhà tuyển dụng nào hài lòng khi họ phải tốn thời gian, chi phí và công sức tuyển người và đào tạo nhưng rồi cũng mất người.

Là ứng viên đã có kinh nghiệm
Qua rồi cái thời cầm hồ sơ đi phỏng vấn nhưng không tự tin nổi vì thiếu kinh nghiệm. Đi làm được vài năm, thêm bao nhiêu tuổi cũng là thêm bấy nhiêu năm kinh nghiệm làm việc. Lúc này, tâm thế của người đi tìm việc chắc chắn sẽ khác với khi mới ra trường, rất nhiều thứ; trong đó, nổi bật nhất phải kể đến là sự tự tin cùng một số sự lựa chọn về nơi làm việc của mình:
+ Thu nhập cao và môi trường làm việc tốt: nếu tìm được một công việc thỏa mãn được cả 2 yếu tố này thì tuyệt vời, không có gì bàn cãi vì đó dường như là công việc trong mơ. Nhưng nếu chỉ được chọn 1 trong 2, bạn cần đong đếm quyền lợi mỗi bên để đưa ra sự lựa chọn phù hợp. Thu nhập cao sẽ cho bạn mức sống ổn định và thoải mái – môi trường tốt lại mang đến tâm thế làm việc vui vẻ, thân thiện và hòa đồng… ngoài ra, người sếp, đồng nghiệp và sự thăng tiến cũng quyết định đáng kể đến sự lựa chọn của bạn.
+ Cân đối thời gian giữa công việc và gia đình: điều này sẽ không quá quan trọng nếu bạn vẫn còn độc thân. Tuy nhiên, với những ai đã có gia đình, đặc thù công việc yêu cầu họ phải liên tục tăng ca hay đi công tác, khảo sát thị trường… khiến thời gian bên vợ con thường rất ít. Do đó, nhiều người quyết định chuyển việc. Họ cần công việc ổn định với quỹ thời gian đủ để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhưng vẫn được ở bên để chăm lo cho gia đình riêng của họ.

Là ứng viên chưa có kinh nghiệm, xin việc trái ngành
Kiểu ứng viên này cũng chiếm số lượng đáng kể trong các buổi phỏng vấn thời gian gần đây. Không nói đến những ứng viên là sinh viên mới ra trường; người chưa có kinh nghiệm, ở đây hoặc là lao động phổ thông, hoặc xin/ nhảy việc trái ngành. Bỏ qua những ứng viên hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu tuyển dụng; đa số những ứng viên xin việc trái ngành dù chưa có kinh nghiệm nhưng với những kỹ năng, kiến thức và ý thức trong công việc mà họ đã làm trước đó, ít nhiều cũng hỗ trợ cho vị trí họ đang ứng tuyển.
Do đó, dù chưa có kinh nghiệm và xin việc trái ngành nhưng một số ứng viên hoàn toàn có cơ hội ứng tuyển thành công nếu thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn phù hợp hoặc có tiềm năng – thích ứng nhanh – ham học hỏi – giỏi giao tiếp – có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng…

Bạn đang ở trường hợp nào trong 3 kiểu ứng viên mà Vieclamnhamay.vn vừa nêu?
Ms. Công nhân