Gọi tên 02 phương thức sản xuất hiện có trong nhà máy, xí nghiệp
30.10.2024 139 hongthuy95
Mọi nhà máy, phân xưởng đều nỗ lực tìm kiếm và gia tăng đơn hàng để tăng gia sản xuất, tăng doanh thu và lợi nhuận. Người lao động vì thế cũng được hưởng lợi theo. Vậy các nhà máy, công ty hiện tổ chức sản xuất theo phương thức nào? Ưu – Nhược điểm của từng phương thức sản xuất ra sao? Cùng Vieclamnhamay.vn tìm hiểu chi tiết ngay sau đây nhé!
02 phương thức sản xuất hiện có trong nhà máy, xí nghiệp
Hiện tại, 2 phương thức sản xuất sau đây được cho là phổ biến nhất trong các nhà máy, xí nghiệp sản xuất các mặt hàng may mặc hay giày da tại Việt Nam:
+ Phương thức gia công theo đơn đặt hàng
Phương thức gia công theo đơn đặt hàng, hay còn gọi là gia công theo hợp đồng, là một hình thức sản xuất trong đó một doanh nghiệp sẽ nhận gia công sản phẩm hoặc linh kiện cho 1 khách hàng cụ thể dựa trên yêu cầu và thiết kế của khách hàng đó. Phương thức này thường được áp dụng trong các ngành công nghiệp như: dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử, chế biến thực phẩm…
Trong phương thức sản xuất này, doanh nghiệp sẽ thực hiện các công đoạn sản xuất - chế biến - lắp ráp hoặc gia công theo đúng thông số kỹ thuật, chất lượng và số lượng mà khách hàng đã đặt ra.
Đặc điểm chính của phương thức gia công theo đơn đặt hàng chính là:
- Tùy chỉnh sản phẩm: sản phẩm được sản xuất theo yêu cầu cụ thể của khách hàng.
- Hợp đồng rõ ràng: có hợp đồng giữa bên gia công và bên đặt hàng, quy định rõ ràng về chất lượng, số lượng, thời gian giao hàng và giá cả…
- Quy trình sản xuất linh hoạt: doanh nghiệp có thể điều chỉnh quy trình sản xuất để phù hợp với yêu cầu của từng đơn hàng.
+ Phương thức tự sản xuất
Phương thức tự sản xuất là hình thức sản xuất trong đó một doanh nghiệp sẽ tự mình thực hiện toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm hoàn
thiện mà không phụ thuộc vào bên thứ 3 hay nhà cung cấp gia công. Sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp tự sản xuất sẽ dùng để xuất khẩu hoặc phục vụ thị trường nội địa.
Các đặc điểm chính của phương thức tự sản xuất sẽ là:
- Kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất: doanh nghiệp có quyền kiểm soát hoàn toàn từ khâu thiết kế, sản xuất đến phân phối sản phẩm, giúp đảm bảo chất lượng và đồng nhất trong sản phẩm.
- Chủ động về nguyên liệu: doanh nghiệp có thể chủ động trong việc lựa chọn nguyên liệu, từ đó có thể tối ưu hóa chi phí và chất lượng sản phẩm.
- Tối ưu hóa quy trình sản xuất: doanh nghiệp có thể điều chỉnh quy trình sản xuất theo nhu cầu và yêu cầu của thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất.
- Đầu tư vào công nghệ và thiết bị: doanh nghiệp thường phải đầu tư vào máy móc, thiết bị và công nghệ để thực hiện sản xuất, điều này có thể yêu cầu một nguồn vốn lớn.
- Khả năng phát triển thương hiệu: khi tự sản xuất, doanh nghiệp có thể xây dựng và phát triển thương hiệu của riêng mình, tạo ra sự khác biệt trong thị trường.
Ưu - Nhược điểm của từng phương thức sản xuất là gì?
Mỗi phương thức sản xuất sẽ có ưu và nhược điểm khác nhau. Cụ thể:
+ Với phương thức sản xuất theo đơn đặt hàng
Ưu điểm của phương thức này chính là doanh nghiệp không phải bỏ vốn và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tiết kiệm chi phí sản xuất và tối ưu hóa quy trình sản xuất, đồng thời đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của thị trường, giải quyết hết số lượng sản phẩm, hàng hóa sản xuất được…
Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức này chính là doanh nghiệp chỉ thu được lợi nhuận từ tiền công may và thường không quá cao. Chưa kể chịu sự thụ động trong việc triển khai sản xuất, chỉ làm việc khi tìm kiếm được đơn hàng nên tình hình sản xuất đôi khi không được liên tục và dễ bị đứt quãng do thiếu đơn hàng mới. Khi đó, công nhân thiếu việc làm, không được tăng ca sẽ bị giảm thu nhập, nản chí dễ nghỉ việc khiến doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng nhân sự khi có đơn hàng nhiều trở lại…
+ Với phương pháp tự sản xuất
Phương thức tự sản xuất giúp doanh nghiệp chủ động trong việc sản xuất và tối ưu hóa quy trình, tự do trong phát triển mẫu mã và số lượng hàng hóa, dễ dàng tạo ra sản phẩm độc quyền cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường một cách linh hoạt hơnt; từ đó tăng độ tiềm năng để gia tăng doanh thu và định hình thương hiệu.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức này là thường chỉ được áp dụng trong các doanh nghiệp lớn hoặc những doanh nghiệp có khả năng tài chính và kỹ thuật để đầu tư vào dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải tự bỏ vốn ra mua nguyên phụ liệu, tự tìm kiếm khách hàng và đơn hàng để tiêu thụ sản phẩm nên cần có nhiều mối quan hệ cũng như tiêu tốn chi phí cho việc PR thương hiệu…
Phương thức sản xuất nào tối ưu nhất?
Sẽ không có một câu trả lời chính xác và chắc chắn nào cho câu hỏi: Phương thức sản xuất nào trong 2 phương thức trên tối ưu hơn hoặc tối ưu nhất? Thay vào đó, việc chọn lựa phương thức sản xuất phù hợp sẽ phụ thuộc vào:
- Quy mô doanh nghiệp, quy mô sản xuất: doanh nghiệp lớn có thể có khả năng tự sản xuất hiệu quả hơn, trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tìm thấy lợi ích cao hơn trong việc gia công theo đơn đặt hàng hoặc hợp tác với các nhà cung cấp khác.
- Mặt hàng sản xuất: các sản phẩm khác nhau có thể yêu cầu các phương thức sản xuất khác nhau. Ví dụ: sản phẩm hàng loạt có thể phù hợp hơn với phương thức tự sản xuất, trong khi sản phẩm tùy chỉnh có thể phù hợp hơn với phương thức gia công theo đơn đặt hàng.
- Tiềm lực tài chính: doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh có thể tự sản xuất để tối đa lợi nhuận, trong khi doanh nghiệp có vốn đầu tư khiêm tốn hơn có thể tìm kiếm đơn hàng rồi mới triển khai sản xuất để đảm bảo tính an toàn.
- Thời gian và tốc độ hoàn thành: nếu doanh nghiệp cần sản phẩm nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu thị trường thì phương thức tự sản xuất có thể là lựa chọn tốt nhất để đảm bảo tính nhanh chóng và linh hoạt.
- Nhu cầu thị trường: sự thay đổi trong nhu cầu của thị trường ít nhiều ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương thức sản xuất tối ưu. Doanh nghiệp cần linh hoạt điều chỉnh phương thức sản xuất phù hợp để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Tóm lại, phương thức sản xuất tối ưu nhất sẽ phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể của từng doanh nghiệp, ngành nghề - lĩnh vực kinh doanh, loại sản phẩm sản xuất cùng các yếu tố thị trường, kinh tế, kỹ thuật khác… Doanh nghiệp cần phân tích kỹ lưỡng để chọn lựa phương thức sản xuất phù hợp nhất với mục tiêu và chiến lược kinh doanh của mình.
Ms. Công nhân