Nên hay không thỏa thuận trả lương theo sản phẩm cho người lao động?
29.10.2024 26 hongthuy95
Nhiều người chỉ muốn được nhận lương cố định hàng tháng theo thỏa thuận trong khi số khác lại yêu cầu chi trả lương dựa trên tổng sản phẩm đạt chuẩn làm ra. Phía doanh nghiệp cũng cân đo đong đếm được - mất, lợi - hại giữa 2 hình thức trả lương này. Vậy nên hay không thỏa thuận trả lương theo sản phẩm cho người lao động? Cùng Vieclamnhamay.vn “mổ xẻ” vấn đề trước khi đưa ra câu trả lời cụ thể nhé!
Công việc nào được trả lương theo sản phẩm?
Không phải tất cả lĩnh vực, ngành nghề hay công việc nào cũng đều có thể quy định hoặc thoả thuận chi trả lương theo sản phẩm cho người lao động. Tuỳ thuộc vào đặc thù công việc cũng như sản phẩm sản xuất mà sẽ đa dạng các hình thức trả lương.
Thông thường, các ngành nghề sản xuất thủ công như may mặc, giày da hay chế biến lương thực thực phẩm, lắp ráp linh kiện điện tử… sẽ có thể có được nhiều hình thức trả lương, trong đó có trả lương theo sản phẩm. Tức là, nếu DN, NSDLĐ và NLĐ đồng ý thoả thuận trả - nhận lương theo sản lượng sản phẩm gia công được thì sẽ tiến hành chi trả lương theo sản phẩm cho NLĐ đó, dựa trên năng suất làm việc của họ.
Được - Mất gì khi trả/ nhận lương theo sản phẩm?
Khi quy định trả lương theo sản phẩm, cả DN, NSDLĐ và NLĐ đều nhận về những được - mất tương ứng. Cụ thể:
+ Đối với nhà máy, doanh nghiệp sản xuất
a/ Được gì?
- Kích thích công nhân tăng gia sản xuất, từ đó, đẩy nhanh tiến độ làm việc, gia tăng năng suất lao động, hoàn thành đúng hoặc sớm đơn hàng
- Khẳng định tính minh bạch và công bằng trong chi trả lương khi NLĐ làm được bao nhiêu thì được ghi nhận và chi trả công tương ứng theo thoả thuận
- Thúc đẩy sự tự chủ và tinh thần trách nhiệm trong công việc
- Tăng doanh thu và lợi nhuận cho DN
- Nâng cao uy tín và hình ảnh thương hiệu
- Nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường
- Khẳng định uy tín và chất lượng, từ đó, gia tăng đơn hàng
b/ Mất gì?
- Nguy cơ hàng lỗi do công nhân làm ẩu để tăng sản lượng, kéo theo chậm đơn hàng do trả lại chỉnh sửa cho đến mất uy tín thương hiệu, giảm năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường…
- Gia tăng áp lực về mức lương đối với lao động mới, non tay nghề
- Tạo áp lực chung về thu nhập cho NLĐ nếu DN bị giảm đơn hàng khiến họ bị giảm thu nhập do sản lượng làm ra giảm xuống, ảnh hưởng tâm lý dễ khiến họ nghỉ việc, đổi chỗ làm, từ đó có thể tạo ra thiếu hụt lao động khi đơn hàng tăng trở lại
+ Đối với người lao động
a/ Được gì?
- Kích thích NLĐ tăng năng suất làm việc để tăng thu nhập
- Khẳng định năng lực bản thân, tạo tiền đề cho sự thăng tiến
- Hình thành và duy trì tính kỷ luật, trách nhiệm trong công việc
- Giữ được việc do hiệu suất làm việc cao
b/ Mất gì?
- Nỗ lực làm việc liên tục và hết mình đến nỗi phải hạn chế cả thời gian đi vệ sinh hay uống nước, nghỉ ngơi dẫn đến các hệ luỵ sức khoẻ về lâu dài
- Áp lực tăng sản lượng ảnh hưởng đến tinh thần
- Làm việc ở cường độ cao dễ gây tai nạn lao động hay sự cố hỏng sản phẩm
- Nguy cơ đào thải cao, dù thâm niên lâu năm, bởi càng lớn tuổi năng suất ngày càng thua đội ngũ nhân sự trẻ
Nên hay không thỏa thuận trả lương theo sản phẩm?
Câu trả lời sẽ là tuỳ nơi, tuỳ người. Tức tuỳ thuộc vào điều kiện sản xuất - kinh doanh thực tế của DN, định hướng hoạt động của DN cùng với tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để linh hoạt đưa ra phương án trả lương phù hợp và tối ưu nhất.
Nếu trường hợp DN đề xuất trả lương theo sản phẩm nhưng không nhận được sự hưởng ứng hoàn toàn từ NLĐ mà vẫn muốn áp dụng thực tế thì hướng xử lý lý tưởng nhất sẽ là tiếp tục chi trả lương theo hình thức cũ (phổ biến nhất là trả lương theo thời gian làm việc) và thí điểm trả lương theo sản phẩm đối với những công nhân đồng ý để đánh giá hiệu quả thực tế rồi linh hoạt điều chỉnh dần.
Thường thì, đa số công nhân có tay nghề, làm việc lâu năm sẽ thích được trả lương theo sản phẩm. Bởi với năng lực của họ, làm việc năng suất và thuận lợi sẽ chắc chắn nhận được mức lương cao hơn so với lương cơ bản thoả thuânj trả theo thời gian hàng tháng.
Ms. Công nhân