Kỹ sư xin làm công nhân, do năng lực yếu kém hay bởi tại cơ chế
18.03.2016 5644 haiyen.tran37
Câu chuyện kỹ sư, cử nhân phải dấu bằng đại học khiến nhiều người lắc đầu ngán ngẩm. Người tiếc cho công sức theo học đại học, người bảo tại cơ chế “ không tiền, không việc”, người cho rằng đào tạo quá nhiều…Có rất nhiều lý do được nêu ra, đâu mới là lý do thực sự ?
Đào tạo quá nhiều, định hướng nghề nghiệp chưa tốt ?
Thực tế trong những năm trở lại đây có quá nhiều trường đại học đào tạo cả ngàn kỹ sư, cử nhân mỗi năm mà lại không đảm bảo được chất lượng đầu ra. Mặc dù bộ giáo dục đang nỗ lực để thanh lọc lại chất lượng đào tạo bậc đại học của Việt Nam, nhưng hiệu quả chưa cao. Vì vậy dường như tấm bằng kỹ sư của Việt Nam đang ngày càng “mất giá”.
Hiện tượng nhiều ứng viên cầm bằng kỹ sư nhưng không trả lời được câu hỏi nào của nhà phỏng vấn không hiếm. Đầu vào một số trường đại học chỉ bằng điểm sàn, đầu ra lại không đảm bảo được chất lượng. Vì vậy một số nhà tuyển dụng chỉ thoáng thấy bằng cử nhân được một số trường đại học cấp là đã từ chối ứng viên.
Đào tạo tràn lan, kém chuyên nghiệp, không tạo cơ hội cho sinh viên cọ xát thực tế, nâng cao khả năng thực hành cũng là một lý do lớn khiến cho sinh viên ra trường không có đủ năng lực làm việc. Bị nhà tuyển dụng từ chối nhiều lần, họ từ bỏ tấm bằng đại học của mình.
Một nguyên nhân quan trọng nữa đó là các bạn sinh viên chưa được định hướng nghề nghiệp tốt ở bậc phổ thông. Các bạn thường nghe người quen, anh chị, bạn bè truyền miệng mà chưa thực sự hiểu nghề nghiệp của mình cần làm những gì, nhu cầu tuyển dụng ra sao. Đa số đều là những nhận định cảm tính của bản thân các bạn và gia đình. Vì vậy khi ra trường phát hiện ra công việc không phù hợp, nhu cầu tuyển dụng thấp thì các bạn bị mất định hướng, chán nản, không thích nghi được với môi trường làm việc thực tế. Vì vậy cần có một định hướng rõ ràng hơn cho phụ huynh cũng như các em đang ở các bậc học phổ thông.
Muốn có một chỗ làm việc ấm êm !
Đấy là tư tưởng của rất nhiều sinh viên ngay khi bước chân vào giảng đường đại học. Họ luôn có tư tưởng ra trường, cầm bằng đại học và về quê…chờ xin việc. Đương nhiên không có nhà tuyển dụng nào tự đưa công việc đến với họ nếu họ không phải là những sinh viên xuất sắc trong học tập và có khả năng làm việc tốt. Họ chỉ trông chờ vào gia đình nhắm vào chỗ làm việc ấm êm với một số “vốn” cũng không nhỏ. Và dường như lượng sinh viên, kỹ sư có tư tưởng này không hề ít, thậm chí là rất nhiều.
Một phần của tư tưởng này là do các bậc phụ huynh hướng cho con mình từ khi còn ở bậc phổ thông. Dẫn đến việc các bạn khi học đại học thì rất thụ động, thiếu cố gắng và không sẵn sàng cho môi trường làm việc cạnh tranh khốc liệt, đầy khó khăn và thử thách ở bên ngoài. Thậm chí nhiều gia đình không có nhiều năng lực tài chính và mối quan hệ không quá lớn vẫn muốn tìm cho con em một công việc nhẹ nhàng.
Nhưng vị trí cần tuyển dụng thì ít mà số người “ngấp nghé” thì lại quá đông. Nên có rất nhiều kỹ sư vẫn ôm bằng chờ việc. Càng chờ thì họ càng trở nên thụ động và không còn đủ nhanh nhạy, không có đủ kỹ năng để cạnh tranh với các ứng viên khác khi xin việc ở các công ty, doanh nghiệp tư nhân lớn nhỏ. Kết quả, họ dấu bằng kỹ sử để xin vào làm công nhân, nơi doanh nghiệp chỉ yêu cầu sức khỏe, cần cù mà không cần bằng cấp.
Năng lực không đủ để thuyết phục nhà tuyển dụng !
Đây mới là nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều kỹ sư phải dấu bằng cử nhân xin việc. Họ đã rải hồ sơ khắp nơi nhưng vẫn không được nhà tuyển dụng nào tiếp nhận. Nhưng họ lại không dám nhìn vào thực tế là năng lực của mình chưa đủ để tự hoàn thiện, rèn luyện bản thân. Họ thường đổi lỗi tại cơ chế, tại số không may hay tại vì nhà trường đào tạo quá nhiều…Vì vậy một số phụ huynh bây giờ ngại cho con em theo học đại học vì lý do “ học xong cũng đi làm công nhân” . Các doanh nghiệp vẫn rộng cửa chào đón nhân tài. Các bạn tân kỹ sư, sinh viên khối ngành kỹ thuật chỉ cần tự tin và không ngừng trau dồi khả năng của bản thân chắc chắn sẽ không rơi vào tình trạng thất nghiệp.