Lãnh đạo công ty Đài Loan ở Hải Phòng bỏ trốn, người lao động biết kêu ai?
29.08.2019 1322 vi.vothanh
Mới đây, việc lãnh đạo Công ty TNHH KaiYang Việt Nam (vốn Đài Loan) tại Hải Phòng bỏ trốn khiến hơn 2.000 công nhân rơi vào hoàn cảnh mất việc, bị nợ lương chưa thanh toán... Điêu đứng vì chủ doanh nghiệp bỏ trốn, người lao động biết kêu ai ?
Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, hàng ngàn công nhân biểu tình đòi quyền lợi
7h sáng ngày 12/08, nhiều công nhân đến công ty TNHH KaiYang Việt Nam để làm việc thì tá hỏa khi thấy doanh nghiệp này đóng cửa, niêm phong ngừng hoạt động và được hẹn trở lại làm việc vào ngày 20/08. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất được một tuần thì mọi người nhận thông báo cho tất cả công nhân nghỉ việc. Thời điểm này KaiYang vẫn chưa thanh toán hết tiền lương tháng 7 và BHXH từ năm 2019.
Đứng trước sự việc này, ngày 28/08, hàng ngàn công nhân đã kéo đến Công ty KaiYang để biểu tình đòi quyền lợi. Trước mắt, chính quyền thành phố Hải Phòng phối hợp tạo điều kiện cho Kaiyang giải quyết xuất khẩu các lô hàng để có tiền trả lương cho đội ngũ công nhân.
Hiện tại người lao động chỉ mong muốn nhận nốt tiền lương tháng 7 và nhanh chóng chốt sổ bảo hiểm để có thể xin việc nơi khác. Họ không hi vọng được làm việc trở lại vì doanh nghiệp đã 2 lần bỏ rơi công nhân.
Người lao động biết kêu ai khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn?
Thực tế cho thấy việc chủ doanh nghiệp biến mất không còn xa lạ ở Việt Nam. Năm 2018, vụ bỏ trốn của chủ Công ty TNHH KL Texwell Vina tại tỉnh Đồng Nai vào dịp cận tết Nguyên Đán cũng khiến hàng ngàn công nhân điêu đứng.
Hiện nay, quy định về “Chủ doanh nghiệp bỏ trốn” trong pháp luật hiện hành nói chung và Luật Doanh nghiệp nói riêng gần như đang bị “bỏ ngỏ”. Vẫn chưa có các chế định cụ thể đối với trường hợp này.
Theo Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính Quyết định vào ngày 23 tháng 2 năm 2009 về việc “Hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế” có một số nội dung liên quan như sau:
-
Đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định cho người lao động bị mất việc làm thì được Nhà nước cho vay để thanh toán.
-
Đối với người lao động bị mất việc làm tại doanh nghiệp có chủ đầu tư bỏ trốn thì sẽ được hưởng những quyền lợi sau: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ ứng ngân sách địa phương trả cho người lao động có trong danh sách công ty theo đúng khoản còn nợ. Số tiền đó được hoàn trả từ nguồn thu khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Trường hợp nguồn xử lý tài sản không đủ thì báo cáo các cấp chính quyền cao hơn để xem xét, quyết định.
Như vậy, trong thời điểm hiện tại nếu KaiYang không đủ chi trả thì người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ thanh toán tiền lương và các khoản liên quan theo một số quy định cụ thể.
Tuy nhiên, các điều khoản và chính sách trên đây nội dung vẫn còn sơ sài, nhiều vướng mắc. Chưa có một quy định cụ thể trong mọi trường hợp để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trên thực tế cho thấy họ vẫn là người chịu thiệt sau khi doanh nghiệp bỏ trốn hoặc thậm chí là tuyên bố phá sản. Số tiền mà công nhân nhận lại chưa chắc đã đủ toàn bộ vì còn vướng mắc nhiều vấn đề liên quan đến giấy tờ, pháp lý.
Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của người lao động?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản. Phần đông, các doanh nghiệp này gặp khó khăn trong kinh doanh, thất thế trong cạnh tranh với nhiều đối thủ khác. Thậm chí một số công ty có chủ đích không lành mạnh, lợi dụng kẽ hở của pháp luật Việt Nam, lừa gạt khiến công nhân chịu nhiều thiệt thòi.
Vì vậy, người lao động cần tìm hiểu kỹ và nên chọn những doanh nghiệp uy tín, có chính sách trả lương minh bạch, rõ ràng. Hoặc có thể hỏi thêm từ những người đi trước để biết rõ hơn quyền lợi của mình.
Để chủ động bảo vệ quyền lợi cá nhân, người lao động có thể tự kiểm tra doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng cho mình hay chưa thông qua mã số được cấp. Và trong quá trình làm việc, nếu nhận thấy dấu hiệu trễ nãi lương liên tục thì cần xem xét vấn đề, tìm hiểu lý do. Thậm chí nhanh chóng nghỉ việc khi mọi chuyện chưa đi quá xa, tránh bị nợ lương chồng lương.
Điều lưu ý là người lao động tuyệt đối không nên có động thái biểu tình đập phá công xưởng khi thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng. Bởi dù có chuyện gì xảy ra thì người lao động vẫn nhận thiệt thòi về phần mình. Nếu rơi vào hoàn cảnh đó, cần bình tĩnh liên hệ với Công đoàn và báo cáo chính quyền địa phương. Hơn ai hết, công nhân phải biết trang bị những kiến thức cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho chính mình một cách tốt nhất.
Việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn luôn tiềm tàng nhiều nguy cơ hệ lụy đối với người lao động và xã hội. Vì vậy cần có những quy chế, pháp luật rõ ràng giúp công nhân lao động an tâm sản xuất, bởi đây là lực lượng lao động quan trọng của xã hội đưa đất nước ta phát triển từng ngày.
Có thể bạn quan tâm: Tuyencongnhan.vn mở mới dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho DN - NLĐ nhà máy, xí nghiệp
Ms.Công nhân