“Mái nhà chung” của công nhân người Khmer
22.09.2017 2499 bientap
“Mái nhà chung” là từ mà hơn 300 công nhân người Khmer đang trọ tại khu nhà của ông Lương Ngọc Nhẹ (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) dùng để miêu tả về nơi an cư của mình. Nơi đây không chỉ là nơi để trọ đơn thuần mà còn có cả “nhà hàng” miễn phí để tổ chức sinh nhật, liên hoan, đám cưới; siêu thị mini; đội tự quả an ninh trật tự; khu thờ tự tín ngưỡng riêng…
Khu nhà trọ của ông Nhẹ hiện có 140 phòng với hơn 300 công nhân người Khmer đang sinh sống. Nơi đây được ví chẳng khác nào một ngôi làng thu nhỏ.
Năm 2009, ông Nhẹ đầu tư xây dựng khu nhà trọ đầu tiên với khoảng hơn 20 phòng. Thời điểm ấy, mặc dù đang làm Phó Quản đốc tại một doanh nghiệp sản xuất với mức lương khá ổn định, công việc cũng khá bận rộn nhưng nhận thấy nhu cầu thuê trọ của công nhân tăng cao, sau đó, ông Nhẹ quyết định mở rộng thêm diện tích khu nhà trọ của mình để tạo thêm nơi ở cho nhiều lao động.
Khu nhà trọ mới được hoàn thiện nhanh chóng kín phòng ở khi nhiều công nhân người Khmer rủ thêm anh chị em ở quê An Giang lên Đồng Nai để làm việc. “Tâm nguyện được hiện thực hóa”, ông Nhẹ quyết định nghỉ việc để chuyên tâm chăm lo, quản lý cho khu nhà trọ của mình.
“Kinh doanh nhà trọ với tôi không phải là việc xây nhà trọ ra rồi đến tháng lấy tiền mà phải làm thế nào để công nhân được sống thoải mái, an toàn, tiện lợi và luôn an tâm gắn bó với mình. Vì thế tôi đã dồn vào đó cả tấm lòng và tâm huyết.”
Nhận thấy nhu cầu tín ngưỡng của anh chị em công nhân người Khmer, ông Nhẹ đã tạo điều kiện để mọi người làm nơi thờ cúng tín ngưỡng riêng. Cứ mỗi tối, mọi người lại tập trung về đây để tụng kinh niệm Phật. “Tín ngưỡng này là một trong những đặc trưng của văn hóa Khmer, việc được tụng kinh mỗi tối khiến chúng tôi trút bỏ những âu lo, muộn phiền của cuộc sống và cảm thấy tâm hồn mình thoải mái hơn. Khu trọ chủ yếu là người dân tộc mình, có cùng những thói quen sinh hoạt, được chú chủ trọ thấu hiểu và luôn tạo điều kiện như thế nên chúng tôi ai cũng thấy thoải mái và xác định sẽ ở đây lâu dài.” – anh Châu Sâm Rol – công nhân đang trọ ở đây 6 năm chia sẻ.
Bạn muốn xem thêm: “Lạ đời” công ty chỉ tuyển phụ nữ nông thôn tuổi 35 – 40 làm công nhân, ưu tiên nhận sinh viên mới ra trường làm kỹ sư
Khi người thân của những công nhân đang tạm trú trong xóm trọ muốn mở hàng bán các món điểm tâm sáng để phục vụ nhu cầu ăn sáng của công nhân, ông Nhẹ cũng nhiệt tình ủng hộ và luôn nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh chung.
Khu trọ của ông Nhẹ còn có hẳn một siêu thị mini bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của công nhân. Điều đặc biệt là siêu thị này cho “thiếu nợ”, cần thì công nhân đến lấy về dùng đến khi nào có lương thanh toán mới thanh toán sau.
Bên cạnh đó, ông chủ nhà trọ cũng dành một khoảng không gian lớn để làm “nhà hàng” miễn phí cho công nhân tổ chức tiệc, sinh hoạt chung với sức chứa lên đến 35 bàn. Không gian này được ông lợp tôn che chắn cẩn thận, lắp đầy đủ quạt điện, bóng đèn và có cả sân khấu. “Khu này có thể xây thêm cả chục phòng nữa nhưng tôi không muốn có thêm ít tiền mà anh chị em trọ ở đây không có nơi sinh hoạt, vui chơi, giải trí chung. Từ khi xây trọ đến nay, “nhà hàng” này đã tổ chức hàng chục đám cưới, sinh nhật, liên hoan. Nhiều đôi cũng nên duyên từ những bữa tiệc như thế.”
Sự chăm lo cho công nhân không dừng lại ở đó. Ông Nhẹ còn luôn chú trọng đến công tác phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự. Ông chủ động trang bị 25 bình chữa cháy mini chia đều các khu vực và hướng dẫn cho công nhân cách sử dụng. Mặc dù xóm trọ có đến hơn 300 người nhưng ông đều “quen mặt, biết tên”, quản lý thông tin cá nhân từng thành viên trong xóm trọ. Ông Nhẹ còn thành lập Đội tự quản an ninh trật tự để tuần tra hàng đêm, đảm bảo an toàn – an ninh tại xóm trọ. Cũng chính vì sự chăm lo này mà “Tôi ở đây 8 năm chưa từng xảy ra vụ mất trộm này. Xe máy để cả đêm ngoài phòng cũng không sao cả.” – chị Neang Mao cho biết.
Thiết nghĩ, chính những “mái nhà chung” khiến công nhân “an cư” như thế này sẽ giúp người lao động yên tâm “lạc nghiệp”…
Xem thêm: 7 lý do giúp Bình Dương xây được nhà ở xã hội giá 100 triệu cho công nhân
Ms.Công nhân
(Theo Người lao động)