Năm tài chính là gì? Năm tài chính các quốc gia có giống nhau không?
29.10.2018 4118 bientap
Năm tài chính là thuật ngữ được sử dụng cực kỳ phổ biến trong lĩnh vực tài chính - kế toán, thế nhưng không phải học viên hay ứng viên tìm việc kế toán nào cũng hiểu được cặn kẽ “Năm tài chính là gì?”. Nếu bạn chưa chắc với câu trả lời của mình, hãy kiểm chứng cùng Vieclamnhamay.vn.

Tùy vào quy định tại mỗi doanh nghiệp - tổ chức sẽ quy định độ dài của năm tài chính phù hợp, đảm bảo lập báo cáo chính xác đồng thời không làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất - kinh doanh. Vậy năm tài chính là gì mà rắc rối đến thế?
►Năm tài chính là gì?
Năm tài chính (Fiscal year) còn được gọi là năm ngân sách, tài khóa - là khoảng thời gian tương đương một năm (52 - 53 tuần) được áp dụng trong công tác hạch toán ngân sách của một doanh nghiệp, tổ chức hay quốc gia. Về độ dài năm tài chính thường tương đương với năm dương lịch vì mỗi năm, các doanh nghiệp - tổ chức cần phải thực hiện việc lập báo cáo tài chính hay khai thuế một lần.
Năm tài chính có thể trùng hoặc lệch so với năm dương lịch áp dụng trên toàn thế giới, tùy theo quy định mỗi quốc gia. Sở dĩ có quốc gia chọn năm tài chính lệch với năm dương lịch là để tránh trường hợp công việc tổng kết tài chính phức tạp trùng với thời điểm kinh doanh bận rộn cuối năm cũng như thời điểm nghỉ lễ của nhân viên - làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác hạch toán kế toán. Và có thể độ dài năm tài chính của các doanh nghiệp cũng không giống nhau: có công ty mặc định năm tài chính dài 52 tuần, công ty khác thì chọn 53 tuần. Thế nhưng, hầu hết các doanh nghiệp - tổ chức đều chia năm tài chính thành 4 quý như năm dương lịch.
Bạn sẽ nghe nhiều đến thuật ngữ “năm tài chính” trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp; bản tin tài chính - kinh doanh, bản tin kinh tế trên các phương tiện thông tin đại chúng.

►Năm tài chính các quốc gia có giống nhau không?
Đa số các quốc gia sẽ sử dụng năm dương lịch chung để tính năm tài chính, thế nhưng một số nước khác áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch:
- Mỹ: Năm tài chính bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 hàng năm và kết thúc vào ngày 30 tháng 9 của năm kế tiếp. Với quốc gia này, năm tài chính còn được gọi là năm thuế.
- Úc: Năm tài chính bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 hàng năm và kết thúc vào ngày 30 tháng 6 của năm kế tiếp.
- Với Canada, Anh, Ấn Độ, Nhật bản, Hồng Kông: thời điểm tính năm tài chính bắt đầu từ ngày 1 tháng 4 hàng năm – đến ngày 31 tháng 3 năm sau là kết thúc.
- Với Đức, Pháp, Nga, Thụy Sĩ, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan: năm tài chính trùng với năm dương lịch.
Còn với Việt Nam, theo quy định thì năm tài chính là năm dương lịch bắt đầu từ ngày 01/01 và kết thúc vào ngày 31/12 hàng năm. Hoặc doanh nghiệp có đặc thù riêng về tổ chức - hoạt động có thể chọn kỳ kế toán năm lệch so với năm dương lịch chung nhưng phải được sự cho phép của Bộ Tài chính. Trong một số trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp có thể kéo dài năm tài chính hơn 12 tháng nhưng đảm bảo không quá 15 tháng.

►Chọn năm tài chính cho doanh nghiệp mới thành lập
Doanh nghiệp có thể chọn năm tài chính trùng với năm dương lịch chung hoặc đổi theo lịch riêng của doanh nghiệp, nhưng ngày đầu tiên của năm tài chính phải trùng với ngày đầu quý: 1/4, 1/7, 1/10.
Với doanh nghiệp mới thành lập, năm tài chính được xác định ngay trên hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Thế nhưng nếu doanh nghiệp muốn đổi tài khóa khác với cách đã chọn trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì năm tài chính đầu tiên tính từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho đến ngày thực hiện việc chuyển đổi.
Ví dụ trường hợp công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào ngày 15/9 nhưng muốn đăng ký lại khoảng thời gian năm tài chính tính từ ngày 1/10 đến 30/9 năm sau thì năm tài chính đầu tiên tính từ ngày thành lập là 15/9 đến ngày 30/9 năm tiếp theo.
Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm của doanh nghiệp chậm nhất là vào ngày thứ 90 – kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Nếu là dân trong ngành kế toán, bạn bắt buộc phải biết và nắm rõ “Năm tài chính là gì?” – hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Hãy thường xuyên theo dõi chuyên mục “Blog nghề” của Vieclamnhamay.vn bạn nhé.
Ms. Công nhân