Nên hay không việc ứng viên bỏ việc chỉ sau 1 tuần thử việc?
21.02.2019 1282 hongthuy95
Bạn được nhận vào thử việc 1 tháng sau vòng phỏng vấn và cảm thấy hào hứng vì có được công việc mới? Tuy nhiên, bạn đột ngột muốn bỏ việc ngay sau đó vì cảm thấy mình không phù hợp với vị trí này chỉ sau 1 tuần thử việc? Bạn phân vân không biết nên hay không cho quyết định này? Cùng Vieclamnhamay.vn đi tìm hướng xử lý phù hợp nhé!

Nguyên do nào khiến ứng viên cảm thấy không phù hợp với công việc?
Dù đã trải qua các vòng phỏng vấn, được trao đổi trực tiếp với NTD về nhiệm vụ công việc và những chính sách, chế độ hiện có của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi bước vào môi trường làm việc thực tế, nhiều ứng viên tỏ ra bất ngờ, thậm chí bị “sốc văn hóa” khi phải đối diện và làm quen với rất nhiều vấn đề cho một vị trí công việc mới. Không ít trong số đó cảm thấy bị ngột và manh nha ý định từ bỏ, dù chỉ mới thử việc được vỏn vẹn 1 tuần đầu.
Vậy nguyên do vấn đề là gì?
Đó có thể là sự tự ti vì mình là “lính mới” nên cảm giác khó hòa nhập vẫn còn tồn tại trong tư tưởng gây khó khăn trong việc giao tiếp - tiếp thu - học hỏi công việc. Hoặc môi trường làm việc quá khắc nghiệt với hàng chục đầu việc mỗi ngày buộc bạn phải liên tục hoạt động không ngừng nghỉ ngay từ ngày đầu tiên trong khi bản thân lại chưa đủ linh hoạt để đáp ứng. Cũng có khi do văn hóa công ty quá hà khắc, đồng nghiệp không thân thiện hay đơn giản chỉ vì bạn đột nhiên không thích đi làm, không thích làm tại đây hoặc bất kỳ lý do nào khác xuất hiện trong suy nghĩ của bạn làm nảy sinh ý nghĩ bỏ việc sau 1 tuần thử việc.

Chính suy nghĩ “đầu không xuôi thì đuôi không lọt” hay “chia tay sớm bớt đau khổ”, “dừng lại sớm để khỏi lãng phí thời gian”… là con dao hai lưỡi chặt đứt nhiều cơ hội việc làm ổn định của bạn, vì biết đâu, nếu cố gắng thêm một chút nữa, bạn sẽ nhận ra, công ty này thực sự là “bến đỗ” phù hợp mà mình đang tìm kiếm. Đừng để những ấn tượng ban đầu không tốt, có thể do nhầm lẫn, về công ty khiến bạn tự đánh mất cơ hội của chính mình.
Nên hay không việc ứng viên bỏ việc chỉ sau 1 tuần thử việc?
Mọi quyết định tùy thuộc ở bạn. Tuy nhiên, để khỏi phải hối tiếc vì bỏ qua một công việc tốt tại một công ty tốt, Vieclamnhamay.vn sẽ “mách nước” cho bạn 1 hướng đi cụ thể để tự trả lời cho câu hỏi “nên hay không việc ứng viên bỏ việc chỉ sau 1 tuần thử việc?”
#1. Tự rà soát nguyên nhân vấn đề
Hãy bình tĩnh ngồi lại và tự mình rà soát các nguyên nhân khiến bạn xuất hiện ý định bỏ việc. Đặt ra các câu hỏi rồi tự trả lời một cách trung thực nhất rằng: Bạn có thấy lạc lõng? Quá tải thông tin và khối lượng công việc? Khác biệt về văn hóa công ty? Công việc thực tế không như mô tả khi phỏng vấn? hay bất kỳ điều gì khác nữa khiến bạn cảm thấy không hài lòng và muốn từ bỏ. Liệt kê tất cả ra giấy và tuần tự trả lời cho từng khúc mắt với bản thân để xác định chính xác đâu là nguyên nhân khiến bạn muốn bỏ việc chỉ sau 1 tuần thử việc. Biết đâu, mọi nguyên nhân đều đơn phương xuất phát từ phía bạn, bởi sự lo lắng và thiếu tự tin của bản thân khiến bạn chưa thực sự hòa nhập vào môi trường doanh nghiệp.
#2. Chủ động trao đổi với sếp
Hãy chủ động liên hệ với bộ phận nhân sự hoặc người sếp quản lý trực tiếp của bạn để sắp xếp một buổi gặp mặt và trao đổi thẳng thắn cảm giác, khúc mắt trong bạn cũng như nguyên do vì sao bạn muốn từ bỏ thay vì đột ngột gửi một email thông báo nghỉ việc, thậm chí im lặng rời đi mà không để lại bất cứ dấu vết gì về sự tồn tại của bạn trong một tuần qua. Hãy đưa ra những đề nghị được hỗ trợ, tạo điều kiện hòa nhập với sếp và bạn sẽ được đáp ứng nếu điều đó hợp lý. Biết đâu, chỉ một cuộc trò chuyện thôi nhưng cục diện sau đó lại thay đổi, rằng bạn thấy mình hoàn toàn có thể trở thành thành viên của công ty nếu thực sự “mở lòng” và cố gắng. Hoặc nếu không, bạn có thể ra đi cũng không muộn, khi đó, bạn hoàn toàn không để lại “vết xấu” nào trong mắt NTD vì sự thành thật và biết dừng lại đúng lúc của mình.

#3. Thử “câu giờ”
Hãy thử ở lại thêm một thời gian nữa (có thể là 2 tuần hoặc nhiều nhất 1 tháng) nếu cảm thấy mọi thứ vẫn còn trong tầm kiểm soát và công ty cũng đang lắng nghe và hỗ trợ bạn hòa nhập với văn hóa doanh nghiệp. Là một nhân viên mới, bạn cần thời gian để làm quen với môi trường mới, cho bản thân thêm một cơ hội để khám phá tường tận sự phù hợp của bản thân với vị trí công việc đang đảm nhận tại công ty. Sau đó, tùy thuộc vào diễn biến tiếp theo để đưa ra quyết định chính xác sau cùng. Sẽ thật tuyệt nếu bạn may mắn tìm thấy được cảm hứng và nhiệt huyết trong công việc. Còn nếu ngược lại, bạn vẫn tin rằng mình không có lý do để tiếp tục ở lại thì xem như những ngày vừa qua, bạn đã tạo điều kiện thuận lợi để công ty có đủ thời gian tuyển chọn lại một người mới phù hợp hơn. Dĩ nhiên, bạn hoàn toàn có thể ra đi trong vui vẻ vì sự chuyên nghiệp của mình.
#4. Không phạm phải sai lầm lần nữa
Nếu như đã đọc qua bài viết này, đừng để tình trạng tương tự xảy đến trong những lần thử việc tiếp theo. Tìm hiểu thật kỹ mọi thông tin về công ty, văn hóa doanh nghiệp, yêu cầu công việc, điều kiện và môi trường làm việc, xác định kỳ vọng của bản thân, mức độ đáp ứng của doanh nghiệp cũng như chuẩn bị tâm lý thoải mái trước khi bắt đầu thời gian thử việc; phải chắc chắn bạn không choáng ngợp hoặc quá tự ti ở môi trường làm việc mới.

Sẽ không có nơi làm việc nào hoàn hảo tuyệt đối, cũng không có ứng viên hay công việc gì luôn luôn vừa khớp nhau. Rất nhiều ứng viên là sinh viên mới ra trường hay người nhảy việc trái ngành vẫn có thể hòa nhập và hoàn thành tốt công việc được giao vì họ biết cố gắng thay đổi để phù hợp với công việc mới. Họ làm được, tại sao bạn lại không? Suy nghĩ và tính toán được - mất thật kỹ trước khi ra bất kỳ quyết định quan trọng nào để không phải hối tiếc về sau. Đừng để những cảm nhận chủ quan trong 7 ngày thử việc làm đánh mất đi cơ hội được làm việc trong một công ty tốt.
Ms. Công nhân