Nhà máy biến nước biển thành nước ngọt lớn nhất thế giới ở Israel
12.09.2016 3026 bientap
Cung cấp hơn 600.000 m3 nước sinh hoạt mỗi ngày, đáp ứng 20% tổng nước sinh hoạt cho cả nước, nhà máy Serok – miền Tây Israel trở thành nhà máy biến nước biển thành nước ngọt lớn nhất thế giới.
Quần thể nhà máy rộng 10 ha, nằm ở Sorek, tiếp giáp biển Địa Trung Hải.
Nhà máy Sorek do tập đoàn IDE Technologies xây dựng với chi phí 400 triệu USD và đi vào vận hành vào năm 2013. Avshalom Felber, CEO kiêm chủ tịch của IDE, cho biết tập đoàn này xây dựng nhiều nhà máy khử mặn ở 40 quốc gia trên thế giới. Ở Israel, họ xây dựng 5 nhà máy, cung cấp hơn 65% lượng nước sinh hoạt của Israel. Riêng Sorek, nhà máy khử mặn lớn nhất thế giới, cung cấp 20% nước sinh hoạt cho Israel với công nghệ lọc RO.
Quá trình biến nước biển thành nước uống được thực hiện qua 4 giai đoạn tại Sorek. Giai đoạn đầu tiên, nước biển hút từ biển được đưa vào bể chứa để lọc dầu, loại bỏ rác.
Mỗi ngày nhà máy Sorek hút 1,2 triệu m3 nước từ biển ở vị trí cách nhà máy khoảng 3 km, qua hai đường ống ngầm khổng lồ, có độ lớn tương tự như những đoạn đường ống trong ảnh.
Ở giai đoạn thứ hai, nước biển được đưa vào các bể lọc qua cát. Trong quá trình này, nước được cho thêm hóa chất để các phân tử nhỏ trôi nổi liên kết thành khối lớn hơn, khiến chúng bị tắc lại lớp cát lọc.
Cuối giai đoạn xử lý này nước được kiểm tra để xác định xem đã đủ sạch để đưa vào giai đoạn khử muối.
Giai đoạn khử muối được xem là xương sống của toàn bộ quá trình, khi nước chạy qua các màng lọc, nơi tách phân tử nước với phân tử muối.
Toàn bộ quá trình này khép kín và được điều khiển, theo dõi bằng máy tính.
Cuối quá trình này là một nửa nước được đi vào hệ thống nước uống của quốc gia, một nửa được trở lại biển. Nước muối được đưa trở lại biển qua một đường ống lớn tương đương như hai đường ống hút nước vào.
Nước sau khi được tách muối quá "sạch", không tốt cho sức khỏe, nên Cơ quan quản lý khử mặn của chính phủ Israel đã yêu cầu cho thêm các khoáng chất. Sản phẩm nước cuối cùng của nhà máy tương đương như nước khoáng.
Cơ quan quản lý khử mặn thiết lập hệ thống theo dõi nước liên tục qua mạng. Hệ thống tự động lấy mẫu và phân tích từng mẻ nước đã được lọc, trước khi đưa nước hòa vào hệ thống cung cấp quốc gia.
Ông Avshalom Felber cũng cho biết: “Áp suất cao sẽ lọc muối khỏi nước biển khi qua màng lọc, một bên sẽ cho ra nước ngọt, một bên sẽ cho ra nước muối. Nhà máy này sử dụng màng lọc lớn và hiện đại nhất trên thế giới, với kích thước 16 inch”. Chương trình khử muối và sự tiến bộ vượt bậc của Israel trong lĩnh vực này không những sẽ giúp đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch trong nước, mà còn có thể cung cấp nước bổ sung cho khu vực Bờ Tây khô hạn."
Hiện gần 1/3 lượng nước sạch của Israel đến từ chương trình khử muối. Con số này dự kiến sẽ vượt quá 40% trong năm tới và đạt 70% trong năm 2050.
Với tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa khô ở nước ta hiện nay, Tuyencongnhan.vn hy vọng tập đoàn IDE Technologies sẽ sớm xây dựng một nhà máy như thế tại Việt Nam.
Tuyencongnhan.vn tổng hợp