Nỗi buồn của công nhân và giải pháp cho bài toán gửi con đi đâu?
22.08.2022 11330 trangthunb93
Câu chuyện về những đứa trẻ bị bạo hành ở Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh được phơi bày khiến chúng ta một lần nữa không thể không xót xa. Nhưng người “đau nhất” chính là cha mẹ của những đứa trẻ.
Những nỗi… buồn hơn cả nỗi buồn
Xa quê tha hương cầu thực với nghề làm công nhân, những đứa trẻ cũng được sinh ra từ những xóm trọ nghèo. Cơm áo gạo tiền và vô vàn những nỗi lo không tên khiến nhiều công nhân chỉ có thể lựa chọn giải pháp gửi con ở những cơ sở giữ trẻ tự phát để đi làm kiếm sống.
Câu chuyện bạo hành được phơi bày, người điêu đứng nhất chính là bậc làm cha, làm mẹ của những đứa trẻ bị bạo hành. Dù hiện thực đã được đưa ra ánh sáng nhưng những công nhân này biết sẽ gửi con ở đâu khi những cơ sở này bị đóng cửa. Với đồng lương ít ỏi, công nhân làm sao để gửi con vào những cơ sở giữ trẻ uy tín hơn với chi phí gấp vài lần những cơ sở tự phát này. Làm công nhân xa quê, đúng là có những nỗi… buồn hơn nỗi buồn.
Nhiều công nhân lựa chọn gửi con về quê ngoại ngay khi vừa mới cai sữa hoặc để lũ trẻ rong chơi quanh xóm trọ trong khi bản thân liên tục tăng ca ở nhà máy. Một số khác quyết định không sinh con để đỡ phải chật vật chi tiêu. Hoặc đưa con đến những địa điểm giữ trẻ tự phát rồi trông chờ vào các bảo mẫu không bằng cấp chuyên môn, không tình yêu thương và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bé.
Thực tế, mỗi năm, hàng loạt hình ảnh về các cơ sở bảo mẫu kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh môi trường, ẩm thấp, dơ bẩn,... thường xuyên được báo chí phản ánh. Cách đây không lâu, một triển lãm ảnh đã chụp lại khoảnh khắc một đám trẻ hơn 18 tháng tuổi nằm ngủ la liệt trên mặt đất, ngổn ngang, bên cạnh là nước thải chảy xối xả, dơ bẩn, ẩm thấp. Và cũng không ít trường hợp thương tâm khi con ở xa cha mẹ, thiếu tình yêu thương, bị bạo hành, xâm hại tình dục hay vấn đề nguy hiểm khác.
Giải pháp nào cho bài toán gửi con của công nhân?
Giải pháp cho bài toán “Công nhân gửi con ở đâu khi đi làm?” đòi hỏi sự chung tay giúp đỡ của nhiều bên. Trong đó phải kể đến là việc xây dựng những cơ sở mầm non có đủ điều kiện cơ sở vật chất cho trẻ nhưng có sự trợ cấp về chi phí gửi con cho người lao động vừa yên tâm đi làm mà vừa đỡ được gánh nặng tài chính. Để thực hiện điều này, cần sự hỗ trợ của cấp chính quyền, mạnh thường quân, doanh nghiệp trên toàn quốc. Tuy nhiên, giải pháp này cần chiến lược lâu dài và thực hiện trong thời gian xuyên suốt nhiều năm.
Bên cạnh đó, một số giải pháp tạm thời khác mà các tổ chức đoàn hội, ban ngành của thành phố, tỉnh thành có thể thực hiện như: Xây dựng các mô hình hỗ trợ giữ trẻ ngay trong khu công nghiệp với chi phí thấp, gửi con sớm, đón con muộn, gửi con ngày thứ bảy, chủ nhật với giá rẻ, đào tạo chuyên môn cho những giáo viên chăm sóc trẻ, đầu tư cơ sở vật chất phát triển.
Cụ thể, vào năm 2011, Tỉnh ủy, UBND cùng Ban Lao động của tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai xây dựng mô hình giữ trẻ công lập ở ngay KCN Khai Quang, hỗ trợ công nhân mức chi phí giữ trẻ chỉ 700.000 nghìn đồng. Bên cạnh đó, còn đầu tư xây dựng các phòng vắt sữa mẹ, phòng dạy mẫu giáo,...
Hay một công ty ở quận Bình Thạnh, TP. HCM đã xây dựng nhà trẻ cho hơn 800 công nhân lao động. KCN Hiệp Phước cũng có nhà trẻ cho hơn 150 bé,... Đây đều là những dẫn chứng minh họa cho nỗ lực của các ban ngành, hội liên hiệp trên toàn quốc trong việc chung tay giải quyết bài toán “Công nhân giữ con ở đâu để đi làm?”.
Mong rằng trong tương lai những giải pháp này sẽ tiếp tục được nhân rộng trên khắp địa bàn của nước ta, để nhiều hơn những người lao động cảm thấy yên tâm mỗi khi bước vào ca làm.
Ms.Công nhân