PCI là gì? 3 điều doanh nghiệp cần biết về PCI
29.08.2022 8927 digitalmarketing
Hiện nay, các doanh nghiệp thường khá quan tâm đến “PCI” trước khi quyết định đầu tư vào một địa phương nào đó. Vậy bạn có biết “PCI là gì?”. Hãy cùng Vieclamnhamay.vn tìm hiểu điều này.
PCI là gì?
PCI - Provincial Competitiveness Index là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chỉ số này phản ánh chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của mỗi tỉnh, thành phố trong thời gian 1 năm.
Bắt đầu từ năm 2006, tất cả các tỉnh, thành phố của nước ta đều được đưa vào bảng xếp hạng chỉ số PCI.
Tìm hiểu thêm: CPI là gì? Những điều cần biết về CPI
Từ năm 2013, chỉ số PCI của mỗi một tỉnh thành sẽ được đánh giá dựa trên 10 tiêu chí sau:
- Doanh nghiệp bỏ ra mức chi phí thấp để gia nhập thị trường.
- Các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với đất đai để kinh doanh và có được mặt bằng kinh doanh ổn định.
- Doanh nghiệp bỏ ra ít thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính và phục vụ cho công tác thanh kiểm tra.
- Tính công khai, minh bạch trong môi trường kinh doanh và các doanh nghiệp được tiếp cận công bằng với các thông tin hoặc các văn bản pháp luật cần cho kinh doanh.
- Doanh nghiệp chỉ cần chi ra một mức tối thiểu cho các chi phí không chính thức.
- Khả năng cạnh tranh bình đẳng.
- Có các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
- Hệ thống tư pháp, pháp luật giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp công bằng, hiệu quả.
- Chính sách về đào tạo và hỗ trợ lao động có hiệu quả.
- Lãnh đạo tỉnh, thành phố tiên phong, năng động.
Cách tính chỉ số PCI
Chỉ số PCI được tính dựa trên quy trình như sau:
- Thu thập tài liệu từ các nguồn khác nhau đã được công bố từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau.
- Dựa trên 10 chỉ số và tính toán trên thang 10 điểm.
- Gán các trọng số và tính chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh tổng hợp gồm điểm trung bình, có trọng số 10, chỉ số thành phần trên thang điểm là 100.
Những tác động của PCI
Mỗi năm, dựa trên 10 tiêu chí đánh giá, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ đưa ra bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của 63 tỉnh thành phố của nước ta. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng là đơn vị đã 3 lần liên tiếp (2013, 2014, 2015) đứng đầu cả nước về chỉ số PCI.
Một số ảnh hưởng của chỉ số PCI đối với sự phát triển của doanh nghiệp địa phương phải kể đến như sau:
- Khuyến khích lãnh đạo của các địa phương đưa ra những chính sách mới, hỗ trợ cải thiện chất lượng công tác bằng thang điểm cụ thể.
- Giảm bớt sự quan tâm đến các lĩnh vực khác như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, quy mô, nguồn nhân lực,... để tập trung vào việc xác định các hoạt động phát triển kinh tế.
- Dễ dàng phản ánh quá trình kinh doanh của các địa phương một cách khách quan thông qua những chỉ số cụ thể.
- Đưa ra ưu, nhược điểm của quá trình quản lý kinh tế chính quyền địa phương các tỉnh, thành,...
- Chỉ số hỗ trợ xác định chính quyền thực hiện tốt công việc quản lý điều hành và làm khuôn mẫu cho những địa phương khác noi theo.
Chỉ số PCI được xem như là một bản mô tả khá đầy đủ về môi trường kinh doanh của mỗi một địa phương. Các nhà đầu tư tư nhân xem đây là một kênh thông tin quan trọng để đánh giá về địa điểm dự định đầu tư đó: môi trường đầu tư như thế nào, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ra sao,…
Cũng thông qua bảng xếp hạng chỉ số PCI, các tỉnh, thành có vị trí thấp sẽ có động lực thực hiện các cải cách cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư và đưa địa phương phát triển.
Những năm đầu tiên công bố bảng xếp hạng PCI, nhiều địa phương phản đối về chỉ số này nhưng đến nay, PCI đã được thừa nhận và được sử dụng phổ biến trong đánh giá môi trường đầu tư. Theo thống kê từ VCCI, có hơn 40 địa phương đã căn cứ vào kết quả đánh giá PCI để đưa ra các chương trình hành động, quyết định, chỉ thị… để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng điều hành kinh tế địa phương.
Ms.Công nhân