Tài xế Việt và những lầm tưởng về sử dụng đèn cảnh báo nguy hiểm
04.01.2019 1110 hongthuy95
Bạn đã từng một lần nào đi qua ngã tư và quen tay bật đèn cảnh báo nguy hiểm như một cách để thông báo đi thẳng chưa? Tôi đoán là Đã từng! Vậy bạn có biết đây không phải là đèn ưu tiên và việc bạn dùng nó đôi khi gây khó chịu cho người đi đường không? Để hiểu hơn về loại đèn này, Vieclamnhamay.vn xin liệt kê và phân tích những lầm tưởng khi sử dụng chúng để bạn được rõ và hạn chế hoặc ngưng sử dụng bừa bãi.
Đèn cảnh báo nguy hiểm là gì?
Đúng như tên gọi, đèn cảnh báo nguy hiểm (hazard warning) xuất hiện trên mặt điều khiển táp lô, được sử dụng trong các trường hợp cần cảnh báo nguy hiểm cho người và phương tiện khác đang cùng lưu thông trên đường mà xe gặp các vấn đề trục trặc, không đảm bảo an toàn phải dừng xe lại hay đậu sát đường; khi đó việc bật đèn sẽ giúp báo cho các lái xe khác biết xe bạn là mối nguy hiểm giao thông, nhắc nhở họ chú ý quan sát để đảm bảo an toàn.

Tài xế Việt thường sử dụng đèn cảnh báo nguy hiểm khi nào?
Do lầm tưởng hoặc suy diễn thành đèn ưu tiên – hoặc có khi nhìn thấy những tài già sử dụng, nhiều lái mới cũng học theo và hình thành thói quen sử dụng đèn cảnh báo nguy hiểm để qua điểm giao cắt, vòng xuyến hoặc vượt xe khác, nhất là đoạn qua ngã tư vì muốn báo đi thẳng. Việc bật đèn cảnh báo nguy hiểm có thể gây khó chịu cho người khác hoặc được chấp nhận rộng rãi tùy vào một số trường hợp cụ thể.
Hiện tại, không có điều luật nào quy định việc lái xe có hay không nên bật đèn cảnh báo nguy hiểm mỗi khi qua ngã tư nên dù bật hay không, lái xe cũng không vi phạm Luật dẫn đến bị phạt hành chính. Tuy nhiên, theo các tài già, hành động này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn khá cao do những lầm tưởng về hướng di chuyển tiếp theo của xe đang bật đèn cảnh báo. Cụ thể:
- Tại các ngã tư giao nhau, nếu xe bật đèn cảnh báo nguy hiểm với ý định thông báo việc đi thẳng nhưng với những xe đang ở bên phải (bên trái) của xe đó sẽ chỉ nhìn thấy tín hiệu đèn nháy ở đầu bên phải (bên trái) của xe, tức nghĩ xe đang xin rẽ phải (rẽ trái) khiến họ phán đoán và xử lý tình huống sai, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm.

Lái xe nên bật đèn cảnh báo nguy hiểm lúc nào thì hợp lý?
Trong 2 trường hợp sau đây, các tài già khuyên lái xe không nên sử dụng đèn cảnh báo nguy hiểm, mà nên:
- Khi qua ngã tư, nếu không bật xi nhan bên nào thì mặc định xe sẽ đi thẳng.
- Khi qua vòng xuyến cũng tương tự, bạn rẽ bên nào thì bật đèn bên đó – trường hợp đi thẳng qua vòng xuyến thì không yêu cầu bật xi nhan nhưng nên áp dụng quy tắc “vào trái, ra phải” (tức khi vào vòng xuyến thì xi nhan trái, ra khỏi vòng xuyến thì xi nhan phải) để an toàn hơn
Mặt khác, trong một số trường hợp, việc bật đèn cảnh báo nguy hiểm được khuyến cáo thực hiện và chấp nhận rộng rãi. Đó là khi trời mưa lớn, sương mù gây giảm tầm nhìn, xe di chuyển trong tình trạng nguy hiểm hay lùi xe nơi đông đúc, lúc trời tối, thậm chí khi xe bị hỏng trên đường. Tuy nhiên, chỉ áp dụng bật khi thực sự cần thiết, còn lại nên hạn chế tối đa bật loại đèn này. Nếu trời mưa và sương mù là bình thường, lái xe chỉ cần bật đèn gầm (đèn sương mù) hoặc đèn cốt là đủ.

Trên thực tế, việc bật đèn cảnh báo nguy hiểm phụ thuộc nhiều vào nhận thức của từng lái xe, từng tình huống giao thông cụ thể. Đừng để việc lạm dụng gây nên những tác dụng ngược làm người khác khó chịu hay tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Là một lái xe có tâm và có tầm, hãy điều khiển xe một cách văn minh!
Ms. Công nhân