Tăng lương tối thiểu đã đáp ứng được kỳ vọng của công nhân?
28.04.2016 2140 haiyen.tran37
Tăng lương luôn là vấn đề nóng của các doanh nghiệp và người lao động. Đặc biệt đối với những doanh nghiệp có hàng ngàn công nhân đang làm việc. Với các doanh nghiệp tăng lương cho công nhân là một bài toán cần được tính toán kỹ lưỡng bởi chỉ cần tăng một mức lương nhỏ cũng ảnh hưởng lớn đến ngân sách. Còn đối với công nhân họ chỉ mong mức lương ít ỏi của mình được tăng theo đúng quy định tăng lương tối thiểu cho dù chỉ thêm vài trăm ngàn đồng để trang trải chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.
Tăng lương tối thiểu là tăng gánh nặng cho doanh nghiệp ?
Theo khảo sát, các doanh nghiệp lớn đều trả cho người lao động với mức lương cao hơn lương tối thiểu. Ví dụ như các doanh nghiệp trong ngành dệt may trả cho công nhân từ 5-6 triệu đồng/ 1 tháng, ngành cơ khí là 7-8 triệu đồng/ 1 tháng, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì mức lương cho người lao động có thể trên 10 triệu đồng/ 1 tháng. Rõ ràng mức lương này đã cao hơn mức lương tối thiểu rất nhiều nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không đồng ý với các quyết định tăng lương tối thiểu hằng năm. Vì sao ?
Theo lý giải của bà Nguyễn Thị Thanh Dân - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh thì đa số các doanh nghiệp lớn trả cho người lao động mức lương cao hơn lương tối thiểu. Nhưng đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc tăng lương tối thiểu sẽ kéo theo tăng lương cơ bản cho người lao động. Từ đó các khoản chi phí như bảo hiểm, phụ cấp…cũng sẽ tăng theo. Với năng lực còn hạn chế thì những khoản tiền mà những doanh nghiệp này phải chi trả quả thực chiếm rất nhiều ngân sách và trở thành một gánh nặng không hề nhỏ. Vì vậy nhiều doanh nghiệp thường chọn cách tăng các chi phí phụ cấp cho công nhân thay vì tăng lương.
Tăng lương tối thiểu không thỏa mãn được sự kỳ vọng của công nhân.
Theo ông Lê Trọng Sang, Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016 nhưng trong cả nước đã có đến 50 cuộc đình công tập thể liên quan đến tiền lương. Trong đó 80 % những cuộc đình công tập thể này xẩy ra ở Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Điều này chứng tỏ nhiều doanh nghiệp tăng lương hoàn toàn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của công nhân.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng tháng lương, bảng lương chỉ để đối phó với các cơ quan chức năng. Còn thực tế doanh nghiệp vẫn trả lương cho công nhân theo cách riêng của họ. Có doanh nghiệp kiên quyết không tăng lương cho công nhân vì cho rằng họ đã trả mức lương cao hơn mức lương tối thiểu. Hoặc sau khi tăng lương doanh nghiệp lại đưa ra định mức sản phẩm cao hơn, công nhân phải vất vả để làm đủ sản lượng, như vậy tiền lương do vượt sản lượng quy định hàng tháng bị giảm đi. Thậm chí ở một số doanh nghiệp công nhân phải bù lương vì không đạt định mức sản lượng đề ra.
Một số doanh nghiệp sau khi tăng lương lại tăng các chi phí khác để trừ vào tiền lương của công nhân như tăng chi phí tiền ăn, trong khi chất lượng bữa ăn không hề thay đổi. Vì vậy thực tế dù lương tối thiểu có tăng nhưng công nhân không được hưởng lợi nhiều.
Tăng lương xứng đáng để công nhân an tâm làm việc.
Mức lương hiện tại của công nhân chỉ đáp ứng được 70% đến 80% cuộc sống tối thiểu. Vì vậy các doanh nghiệp cần có các chính sách tăng lương hợp lý để công nhân có thể yên tâm sản xuất, cống hiến nhiều hơn cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã làm rất tốt công tác tăng lương và các chính sách hỗ trợ có liên quan. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn đang trốn tránh, tìm cách cắt giảm các khoản lương cũng như chi phí phải trả cho công nhân. Để người lao động phải bức xúc và có những cuộc đình công, nghỉ việc tập thể.
Ms:smile