Thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng và 5 điều kế toán cần nắm rõ
12.12.2018 1237 bientap
Hoàn thuế giá trị gia tăng là việc ngân sách nhà nước hoàn trả lại số tiền thuế đã thu sai - thu quá quy định cho doanh nghiệp. Là ứng viên tìm việc kế toán, bạn cần phải nắm rõ thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng để áp dụng vào công việc khi cần thiết. Bài viết được Vieclamnhamay.vn chia sẻ sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu vấn đề này.

►Điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng
Doanh nghiệp là đối tượng được hoàn thuế GTGT phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Đã đăng ký kinh doanh.
- Là cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.
- Có giấy phép đầu tư (hành nghề)/ quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ quan đủ thẩm quyền.
- Sử dụng con dấu theo đúng quy định của pháp luật.
- Tuân thủ các quy định của pháp luật về việc lập - lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán.
- Sở hữu tài khoản tại ngân hàng lập theo mã số thuế của doanh nghiệp.
►Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng
Không phải với mặt hàng hay dự án được hoàn thuế Vat nào, kế toán cũng chuẩn bị bộ hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng giống nhau, mà sẽ có sự khác biệt về các thành phần giấy tờ:
+ Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu
Gồm:
- Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước mẫu số 01 được ban hành theo Thông tư 156/ 2013 của Bộ Tài chính.
- Hợp đồng gia công, mua bán, tờ khai hải quan, chứng từ thanh toán qua ngân hàng…
+ Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng dự án đầu tư
Gồm:
- Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước (mẫu số 01).
- Tờ khai thuế GTGT dành cho dự án đầu tư theo mẫu số 02/GTGT.
- Chứng từ hàng hóa - dịch vụ mua vào theo mẫu số 01 - 2/GTGT, bảng kê hóa đơn.

+ Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng với dự án ODA
+) Đối với chủ dự án và nhà thầu chính:
- Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách theo mẫu (mẫu số 01).
- Chứng từ hàng hóa - dịch vụ mua vào (mẫu số 01-1), bảng kê hóa đơn.
- Bản chụp có đóng dấu và chữ ký xác nhận Quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền về việc sử dụng vốn ODA không hoàn lại, vốn ODA vay ưu đãi được nhà nước cấp phát.
- Xác nhận của cơ quan chủ quản dự án ODA về hình thức vốn của dự án và việc không được ngân sách nhà nước cấp vốn đối ứng để trả thuế GTGT.
+) Đối với văn phòng đại diện nhà tài trợ dự án ODA:
- Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước (mẫu số 01).
- Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa - dịch vụ mua vào (mẫu 01-1).
- Bản chụp có xác nhận văn bản thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà tài trợ về việc thành lập văn phòng đại diện.
- Bản chụp có xác nhận về văn bản quyết định thành lập văn phòng đại diện của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài các trường hợp làm hồ sơ hoàn thuế phổ biến trên, còn có một số trường hợp hồ sơ khác như:
- Hoàn thuế Vat với đối tượng hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao.
- Hoàn thuế theo quy định Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần.
- Hoàn thuế với tổ chức - cá nhân người nước ngoài, tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ nhân đạo - viện trợ không hoàn lại của người nước ngoài mua hàng hóa - dịch vụ có đánh thuế GTGT sử dụng cho mục đích viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo.
- Hoàn thuế, phí nộp thừa với doanh nghiệp nộp thuế hợp nhất - sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, chấm dứt họa động.
- Hoàn thuế Vat với thiết bị - máy móc - phương tiện vận tải chuyên dụng thuộc dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng mà trong nước chưa sản xuất được, cần nhập khẩu - là tài sản cố định cho doanh nghiệp, phục vụ quy trình sản xuất.
Đây là những tình huống hoàn thuế ít phổ biến hơn, nếu thuộc các trường hợp này, kế toán thuế cần phải tìm hiểu hồ sơ liên quan. Và cũng tùy thuộc vào từng chi cục thuế của từng địa phương - sẽ yêu cầu thêm các loại giấy tờ khác nên tốt nhất trước khi làm hồ sơ hoàn thuế, kế toán nên liên hệ với chi cục thuế quản lý trực tiếp để chuẩn bị tất cả các loại giấy tờ cần thiết.

►Nộp hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng
Doanh nghiệp muốn nộp hồ sơ hoàn thuế GTGT có thể dùng 1 trong 2 cách sau:
- Gửi hồ sơ hoàn thuế điện tử bản mềm qua Cổng thông tin trực tuyến của Tổng cục thuế từ thời điểm cơ quan thuế chấp nhận giao dịch hoàn thuế điện tử.
- Nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính bản cứng hồ sơ hoàn thuế đến cơ quan quản lý thuế trực tiếp.
►Quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng
Bao gồm:
- Chuẩn bị hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng (tương ứng với từng trường hợp).
- Nộp hồ sơ hoàn thuế GTGT
- Xử lý yêu cầu hoàn thuế GTGT
►Thời hạn giải quyết việc hoàn thuế giá trị gia tăng
Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp, cơ quan quản lý thuế sẽ tiến hành thẩm định. Thời hạn hoàn thành việc thẩm định là 1 ngày (với trường hợp hoàn thuế trước - kiểm tra sau) và 3 ngày (kiểm tra trước - hoàn thuế sau).
Căn cứ kết quả được thẩm định và việc giám sát hồ sơ hoàn thuế, Cục trưởng Cục thuế sẽ xem xét ký ban hành Quyết định hoàn thuế cho doanh nghiệp. Thời hạn ban hành quyết định hoàn thuế không quá 6 ngày (hoàn thuế trước - kiểm tra sau) và 40 ngày (kiểm tra trước, hoàn thuế sau) - tính từ thời điểm nhận đủ hồ sơ hoàn thuế. Từ Quyết định hoàn thuế đó, Cục thuế ra Lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước. Sau đó, chậm nhất trong vòng 3 ngày kể từ khi nhận được Quyết định và Lệnh hoàn trả, Kho bạc Tỉnh/ Thành phố sẽ hoàn tiền thuế lại cho doanh nghiệp.
Với những thông tin về thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng được Vieclamnhamay.vn chia sẻ trong bài viết trên đây - hy vọng sẽ hữu ích với bạn.
Ms. Công nhân