9 Lưu ý vàng giúp công nhân chạy xe máy qua đường ngập nước an toàn
04.12.2020 913 hongthuy95
Nếu chẳng may đoạn đường từ chỗ làm về nhà của bạn ngập nước, bạn làm gì để bảo vệ chiếc xe của mình khỏi chết máy, hư hỏng nặng? Dù không cam đoan mang lại hiệu quả 100% như mong đợi nhưng với những lưu ý hữu ích sau đây, “phương tiện kiếm cơm” của bạn sẽ vẫn an toàn vượt qua trận “lụt”.

Đường về nhà gian nan hơn vì nước lớn, lụt sâu
Đa phần công nhân thuê trọ đều chọn những nơi xa trung tâm thành phố hoặc trong hẻm để giảm bớt tiền thuê, mức sống thấp hơn cũng giúp các khoản phí chi tiêu giảm đi đôi chút. Ngoài số ít nơi hỗ trợ chỗ ở hay phương tiện đi lại cho công nhân của doanh nghiệp mình thì còn lại người lao động đều phải tự túc di chuyển đến chỗ làm, chủ yếu bằng xe máy. Điều này làm tăng nguy cơ rủi ro vào mùa mưa lũ bởi đường xa, mưa lớn khiến nước có thể ngập sâu cản trở lưu thông, hỏng hóc phương tiện, thậm chí gây mất an toàn, thương vong cho người điều khiển.
Đi xe qua đường ngập nước nguy hiểm không?
Câu trả lời dĩ nhiên là CÓ. Bên cạnh những hư hỏng về xe thì rất nhiều vụ tai nạn ngoài ý muốn xảy đến với người đi đường, nhất là xe máy, phương tiện di chuyển chủ yếu tại Việt Nam. Có thể kể đến như:
- Xe đi vào hố ga, ổ gà, ổ voi, mép đường chưa xây dựng xong hoặc các vật nhọn, đá lớn trên đường nhưng không thể nhìn thấy do nước che khuất tầm nhìn => điều này có thể dẫn đến nguy cơ làm ngã xe, thủng bánh xe, sụt hố gây thương tích cho người, hư hỏng xe; tệ hơn có thể bị va chạm với các xe khác đang lưu thông trên đường.
- Xe đi vào đoạn đường nước ngập sâu có nguy cơ làm chết máy, hư động cơ => tình trạng này khiến xe không thể di chuyển được nữa, nhẹ thì kiểm tra và sửa chữa nhẹ, thay nhớt, vệ sinh; nặng thì thay động cơ, có khi vứt cả xe vì không thể sửa hoặc chi phí quá cao.
- Chưa kể, với những công nhân vùng ven, đi làm xa nhà, điều kiện đường sá không đảm bảo an toàn, có đi qua các đoạn trũng thấp hay gần sông suối, ao hồ thì khi mưa lớn, cộng với lượng nước từ đầu nguồn đổ về nên dòng chảy siết, xoáy; xe và người đi qua vô cùng nguy hiểm, có thể bị trôi đi hoặc trượt ngã, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản…
Nói như thế để thấy rằng, việc tham gia giao thông trong mùa mưa lũ là vô cùng nguy hiểm. Người dân, công nhân lao động cần hết sức lưu ý an toàn để tự bảo vệ mình, hạn chế tối đa những tình huống, tai nạn ngoài ý muốn.

Những lưu ý an toàn khi chạy xe máy qua đường ngập nước
Dưới đây là một số tips hữu ích được nhiều người áp dụng thực tế khi di chuyển bằng xe máy gặp phải những đoạn đường ngập sâu:
- Nếu được, hãy tìm đường khác an toàn hơn để đi, dù có hơi xa và ngoằn nghèo hơn đoạn đường ngập nước
- Trường hợp bắt buộc phải chạy qua, hãy đảm bảo đó là “đường quen”, tức bạn hiểu rõ địa hình, điều kiện mặt đường, vị trí sắp đặt các nắp cống, trụ cây xanh, bục dắt xe, ổ gà, tảng đá… nếu có để cẩn thận tránh khi gặp phải
- Quan sát tình trạng những xe chạy qua đoạn ngập nước phía trước để đánh giá tình hình. Không chạy qua khi nước ngập sâu ống xả nếu là xe tay ga; xe số thì có thể chạy được khi đường ngập sâu hơn nhưng không quá yên xe
- Chọn điểm cao nhất trên đường để chạy, thường là vị trí chính giữa, nhằm giảm mực sâu của mực nước ngập, giảm nguy cơ nước tràn vào ống hút gió gây chết máy, hỏng động cơ
- Quan sát tình hình trước khi vượt đường ngập, đảm bảo các xe di chuyển trên một làn hoặc dòng để đảm bảo an toàn
- Chạy chậm, đi số thấp và giữ đều tay ga. Tuyệt đối không thốc ga hay phanh bất ngờ vì như thế sẽ đẩy nước tràn vào sâu bên trong gây hỏng hóc động cơ, chết máy
- Giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước và các xe xung quanh (nếu có)
- Không di chuyển gần hoặc song song với các phương tiện lớn hơn như xe hơi, xe buýt, xe tải vì khi những xe đó chạy qua với tốc độ cao có thể tạo ra các con sóng nước lớn đánh vào xe máy gây chao đảo, ngã xe, đẩy nước vào sâu trong đường ống gây hỏng hóc, chết máy
- Trường hợp không tự tin, hãy tắt máy và dắt bộ qua hoặc đợi nước rút bớt rồi mới chạy xe qua.
Xử lý thế nào khi xe chết máy?
Như đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, xe chết máy (hay bị tình trạng thủy kích) khi chạy qua đoạn đường ngập nước là sự cố xấu nhất mà không ai mong muốn. Bởi điều này khiến người lái không thể di chuyển được nữa, làm trễ giờ làm, giờ đón con, chuẩn bị bữa tối hay trễ hẹn; tốn thời gian chờ đợi; chi phí sửa chữa… Tuy nhiên, dù đã cẩn thận áp dụng những lưu ý chạy xe máy qua đường ngập nước an toàn vừa chia sẻ trên đây thì khả năng xe chết máy vẫn có thể xảy đến. Khi đó xử lý thế nào?
- Nhanh chóng tắt máy, rút chìa khóa rồi đẩy xe đến vị trí cao hơn và an toàn
- Tuyệt đối không cố khởi động lại máy vì như thế chỉ khiến tình trạng hư hỏng trầm trọng hơn
- Liên hệ với người thân hoặc gọi cứu hộ đến đưa xe về gara, nơi sửa chữa uy tín để kiểm tra và sửa chữa
- Nếu là xe số, có thể tháo bugi ra và lau khô, dốc sạch nước ra khỏi ống xả; nổ máy, rồ ga để giải phóng hết nước ra khỏi động cơ, bên trong ống xả, làm nóng máy để xe hoạt động trở lại (nếu được). Trường hợp không thì có thể hệ thống điện trên xe bị ẩm, hư do nước vào, lúc này cần vệ sinh và xịt khô, thay dầu động cơ cho xe.
- Nếu là xe tay ga cũng cần được lau sạch bugi, thay dầu mới ở khoang máy và xịt khô hệ thống điện
- Ngoài ra, cần vệ sinh xe sạch sẽ dù bị chết máy hay không ngay khi đi qua các đoạn đường ngập nước, nhất là bugi, hệ thống điện, động cơ máy, phanh… đảm bảo nước mưa không làm ẩm và ăn mòn các thiết bị, làm giảm tuổi thọ hoặc gây hỏng hóc về sau.

Thời tiết là điều khó dự báo chính xác trong khi công việc cần di chuyển đi nơi này, nơi khác nhiều khi bắt buộc. Để đảm bảo an toàn và không gặp phải tai nạn hay hỏng hóc gì dẫn đến tốn chi phí, nguy hại tính mạng, công nhân lao động cần đặc biệt lưu ý khi điều khiển xe lưu thông trên đường. Hy vọng những chia sẻ trên đây là hữu ích!
Ms. Công nhân