9 quyền lợi cần biết của lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi
20.01.2021 3673 vi.vothanh
MỤC LỤC
- Tại sao cần có "đặc quyền" cho LĐ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi?
- Lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi có những quyền lợi gì?
- + Được nghỉ ít nhất 6 tháng theo chế độ thai sản
- + Được nghỉ 1 giờ/ ngày hưởng nguyên lương
- + Được từ chối không tăng ca, làm đêm
- + Được chuyển sang làm công việc nhẹ và an toàn hơn
- + Không bị sa thải hoặc chấm dứt hợp đồng lao động
- + Được tạm hoãn xử lý kỷ luật lao động
- + Được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới
- + Được nghỉ tối đa 20 ngày để chăm con ốm
- + Được hưởng trợ cấp theo chế độ khi con ốm
Nhiều doanh nghiệp "rởm" vịn vào cớ lao động nữ ít hiểu biết về luật, lại có con nhỏ nên thường xuyên nghỉ việc đột xuất, lơ đãng trong công việc, sức khỏe không đảm bảo.. rồi đuổi việc họ. Tuy nhiên, pháp luật quy định rõ những quyền lợi mà một lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi sở hữu, như một cách thực tế để bảo vệ họ. Cùng Vieclamnhamay.vn tìm hiểu chi tiết nhé.

Tại sao cần có "đặc quyền" cho LĐ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi?
Ai rồi cũng sẽ có con và trải qua giai đoạn khó khăn lúc chăm con, nhất là trong khoảng 12 tháng đầu tiên. Nhiều lao động nữ thấp cổ bé họng, lại ít hiểu biết về luật vẫn luôn lo sợ bị mất việc trong thời điểm "nhạy cảm" đó. Lý do thường gặp nhất là bởi con còn nhỏ, dễ bị ốm vặt mà như thế thì họ phải nghỉ làm ở nhà chăm con. Hay thức đêm nhiều khiến sức khỏe không đảm bảo lúc làm ca, thiếu tập trung trong công việc vì con bệnh... Dẫu biết như thế sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất lao động cũng như tình hình phân chia công việc, xếp ca/ kíp cho tổ, nhóm. Tuy nhiên, không thể cứ lấy đó làm cái cớ để đuổi việc họ được. Bởi, ngoài trách nhiệm chăm lo cho con cái, nhiều người còn phải làm việc cật lực để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vậy nên, ngoài cái lý, còn phải xét thêm cái tình. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam cũng quy định nhiều quyền lợi dành riêng cho lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, làm cơ sở để doanh nghiệp cân nhắc áp dụng cho phù hợp.
Lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi có những quyền lợi gì?
9 quyền lợi cơ bản dưới đây được áp dụng đối với lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, như một cách thực tế để bảo vệ họ:
+ Được nghỉ ít nhất 6 tháng theo chế độ thai sản
Theo quy định, lao động nữ sẽ được nghỉ thai sản 6 tháng tính từ trước và sau khi sinh con; được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ sẽ được nghỉ thêm 1 tháng nữa. Khi hết thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ có thể thỏa thuận với NSDLĐ để được nghỉ không hưởng lương thêm một thời gian nữa nếu có nhu cầu và lý do chính đáng.
+ Được nghỉ 1 giờ/ ngày hưởng nguyên lương
Quy định này tạo điều kiện giúp lao động nữ có thêm thời gian để chăm con, từ cho con ti (bú), vắt và trữ sữa, kể cả nghỉ ngơi. Đặc biệt, dù làm việc ít hơn thời gian quy định trong 1 ca nhưng vẫn được hưởng đủ lương theo thỏa thuận trên hợp đồng.
Thời điểm nghỉ có thể linh hoạt theo thỏa thuận giữa 2 bên, đảm bảo giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, cũng như nhu cầu, nguyện vọng của lao động nữ. Thông thường, thời điểm được bố trí nghỉ sẽ là 60 phút vào đầu hoặc cuối ca làm. Tức là, lao động nữ hoặc sẽ vào ca trễ hơn 1 tiếng, hoặc sẽ kết ca sớm hơn 1 tiếng so với quy định chung.
Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu được nghỉ, muốn được làm việc theo ca bình thường và được sự đồng ý của người sử dụng lao động (NSDLĐ) thì ngoài tiền lương được hưởng theo thỏa thuận, họ còn được trả thêm tiền theo công việc đã làm trong thời gian được nghỉ.
+ Được từ chối không tăng ca, làm đêm
Theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 137 cho phép lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi không phải làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm hay đi công tác xa nếu họ không đồng ý vì điều kiện thực tế và khả năng không cho phép, do phải dành thời gian chăm con.

+ Được chuyển sang làm công việc nhẹ và an toàn hơn
Nếu lao động nữ đang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay nghề, công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai, có thông báo cho NSDLĐ được biết thì sẽ được chuyển sang làm công việc nhẹ và an toàn hơn; hoặc sẽ được giảm bớt 1 giờ làm việc mỗi ngày hưởng nguyên lương cho đến hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Ngoài ra, phía DN phải cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ của công việc thuộc danh mục cần lưu tâm theo quy định, đồng thời, phải đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho họ nếu đồng ý làm việc trong môi trường đó.
Danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và 5 chế độ liên quan cần biết
+ Không bị sa thải hoặc chấm dứt hợp đồng lao động
Doanh nghiệp (DN), NSDLĐ không được phép lấy lý do lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi để sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với họ. Trường hợp cắt hợp đồng chỉ được áp dụng khi chủ doanh nghiệp mất tích, chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc tổ chức đó chấm dứt hoạt động.
+ Được tạm hoãn xử lý kỷ luật lao động
Bên cạnh quy định về giờ giấc làm việc, chế độ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi còn có thêm quyền lợi cho lao động nữ là: Nếu vi phạm kỷ luật trong thời gian này thì không được phép xử lý kỷ luật dưới bất cứ hình thức nào, hoặc được phép tạm hoãn xử lý kỷ luật tính từ thời điểm hiện hành đến khi con đủ 1 tuổi.
+ Được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới
Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì sẽ được ưu tiên giao kết hợp đồng mới, với đầy đủ quyền và lợi ích như trước khi nghỉ thai sản. Trường hợp công việc cũ không còn phù hợp hoặc đã đủ người thì NSDLĐ phải bố trí việc làm mới phù hợp với mức lương và chế độ không được thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản và mức lương tối thiểu vùng.
+ Được nghỉ tối đa 20 ngày để chăm con ốm
Những lao động nữ tham gia đóng BHXH bắt buộc, có con nhỏ dưới 7 tuổi bị ốm đau phải nghỉ việc để chăm, được cơ sở khám chữa bệnh đủ thẩm quyền xác nhận thì được nghỉ tối đa 20 ngày làm việc/ năm/ mỗi con không kể ngày nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ, Tết.

+ Được hưởng trợ cấp theo chế độ khi con ốm
Liên quan đến số ngày nghỉ khi có con dưới 7 tuổi bị đau ốm, lao động nữ sẽ được hưởng chế độ tương ứng. Mức hưởng được tính theo công thức:
Tiền trợ cấp = 75% x Mức tiền lương tính đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ : 24 x Số ngày nghỉ.
(* Lưu ý: "số ngày nghỉ" không được vượt quá số ngày nghỉ tối đa theo quy định)
Để được hưởng chế độ chăm con ốm, lao động nữ cần chuẩn bị hồ sơ với đầy đủ giấy tờ liên quan gồm:
- Giấy xuất viện (bản chính hoặc bản sao) của con đối với trường hợp nhập viện
- Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (bản chính) của NLĐ
- Giấy khám, chữa bệnh dịch bằng tiếng Việt nếu khám, chữa bệnh ở nước ngoài
- “Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ thai sản, ốm đau, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe” của BHXH Việt Nam do doanh nghiệp cấp (bản chính).
NSDLĐ nhận đủ giấy tờ từ NLĐ trong vòng 45 ngày kể từ khi họ quay trở lại làm việc và nộp về cơ quan BHXH cấp quận/ huyện để được giải quyết.
Trên đây là toàn bộ chế độ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi đối với lao động nữ. Quy định này vừa giúp họ yên tâm làm việc, có thời gian và nhận đủ quyền lợi khi chăm sóc con nhỏ.
Như vậy, cùng với chế độ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ còn có thêm nhiều quyền lợi đặc biệt khác ở chế độ thai sản hay nghỉ khi hành kinh...
Ms. Công Nhân