9 Việc kế toán tiền lương cần làm khi doanh nghiệp mới thành lập
04.10.2018 1037 bientap
MỤC LỤC
Bạn là kế toán tiền lương hay là ứng viên đang tìm việc kế toán? Vậy bạn có biết với doanh nghiệp mới thành lập, cần thực hiện những công tác nào liên quan đến mảng lao động tiền lương? Nếu bạn chưa chắc với câu trả lời của mình, hãy tham khảo bài viết sau của Vieclamnhamay.vn.
Với doanh nghiệp mới thành lập, kế toán tiền lương cần thực hiện những việc gì?
► Các việc Kế toán tiền lương cần thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập doanh nghiệp
#1 Khai trình việc sử dụng lao động lần đầu
Sau khi thành lập doanh nghiệp, việc đầu tiên nhân viên kế toán cần thực hiện là khai trình việc sử dụng lao động lần đầu với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Huyện/ Thị xã – nơi đặt Trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Với doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp thì phải khai trình với Sở LĐ TB&XH của Tỉnh. Số lượng lao động khai trình lần đầu không bao gồm người đang thử việc.
#2 Thông báo số lao động đang làm việc tại doanh nghiệp lần đầu
Nhân viên đảm trách công tác kế toán tiền lương thực hiện việc gửi thông báo ban đầu về tổng số lượng người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp cho Trung tâm dịch vụ việc làm – nơi doanh nghiệp đang đặt trụ sở.
#3 Lập sổ quản lý lao động
Lập sổ quản lý lao động, ghi chép đầy đủ các thông tin liên quan về người lao động khi hợp đồng lao động chính thức có hiệu lực và thực hiện việc cập nhật thông tin khi có sự thay đổi.
Khi có sự thay đổi thông tin của người lao động, kế toán tiền lương phải cập nhật vào sổ quản lý lao động
► Các việc cần thực hiện khi doanh nghiệp mới đi vào hoạt động – sử dụng lao động
#4 Xây dựng thang bảng lương
Thang lương là tiền đề để doanh nghiệp triển khai thực hiện các công tác như: tuyển dụng – sử dụng lao động, ký kết hợp đồng – trả lương cho người lao động. Thang bảng lương phải được công bố công khai để người lao động được biết.
Về cách xây dựng thang bảng lương mới nhất, Vieclamnhamay.vn đã chia sẻ khá cụ thể trong bài viết trước đó, bạn có thể kích vào link để xem chi tiết.
#5 Xây dựng – công bố thỏa ước lao động tập thể
Thỏa ước lao động tập thể chính là văn bản thỏa thuận các điều kiện lao động – quyền lợi – nghĩa vụ giữa đơn vị sử dụng lao động và tập thể người lao động trong mối quan hệ lao động. Nhân viên kế toán tiền lương cũng tham qua vào quá trình xây dựng, công bố thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp.
#6 Xây dựng nội quy lao động
Với doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên thì bắt buộc phải xây dựng nội quy lao động. Trong thời hạn 10 ngày tính từ ngày ban hành nội quy, nhân viên kế toán phải chuẩn bị và nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký Nội quy lao động với Sở Lao động – Thương binh & Xã hội – nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hoạt động.
Doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên bắt buộc phải có nội quy lao động
#7 Ký kết hợp đồng lao động
Nhân viên kế toán tiền lương cũng tham gia vào quá trình xây dựng hợp đồng - ký kết hợp đồng với từng người lao động làm việc cho doanh nghiệp. Với hợp đồng lao động trên 3 tháng, doanh nghiệp và người lao động - mỗi bên sẽ giữ 1 bản.
#8 Đăng ký cấp mã số thuế thu nhập cá nhân
Với đối tượng người lao động thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân, đã ủy quyền cho doanh nghiệp đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân thay thì nhân viên kế toán tiền lương sẽ đảm nhận công tác này. Bạn có thể thực hiện việc đăng ký trực tuyến thông qua phần mềm mã số thuế.
#9 Đăng ký tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc cho người lao động
Nhân viên kế toán tiền lương thực hiện việc đăng ký tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng, gồm bảo hiểm y tế và các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…
Trên đây là 9 việc kế toán tiền lương cần làm khi doanh nghiệp mới thành lập. Hy vọng những thông tin được chia sẻ trong bài viết này sẽ hữu ích cho bạn. Nếu bạn quan tâm đến chủ đề “Kế toán”, hãy thường xuyên theo dõi các bài viết của Vieclamnhamay.vn.
Ms. Công nhân