Bí quyết lựa chọn ứng viên hiệu quả
05.03.2016 2963 zing1502
Các nhà tuyển dụng vẫn đau đầu khi phải tìm kiếm nguồn ứng viên phù hợp với vị trí công việc mà công ty mình hiện còn thiếu. Làm thế nào để giữa vô vàn hồ sơ, nhà tuyển dụng có thể lựa chọn ứng viên phù hợp và đáp ứng tốt công việc được giao? Dưới đây là một số lời khuyên giúp các nhà tuyển dụng có thể đánh giá và "chiêu mộ" được các ứng viên phù hợp nhất!
Chuẩn bị bảng đánh giá ứng viên
Bảng đánh giá ứng viên sẽ bao gồm các câu hỏi và một số tiêu chí đáp ứng cho công việc, phù hợp với yêu cầu của công ty bạn. Sau đó, người trực tiếp phỏng vấn chỉ cần ghi lại kết quả chi tiết vào trong mẫu đánh giá đó.
Bạn có thể tham khảo một số ví dụ về bảng đánh giá lựa chọn ứng viên như sau:
- Mức đánh giá cho từng nội dung: Vượt/Phù hợp/Cần nhiều hơn/Không đáp ứng.
- Các nội dung đánh giá: Bằng cấp; Kinh nghiệm làm việc; Kỹ năng cụ thể phù hợp với công việc; Kỹ năng giao tiếp (viết và nói); Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng quản lý thời gian; Kỹ năng giải quyết vấn đề; Động lực làm việc; Các kiến nghị đề xuất
- Đánh giá tóm tắt: cho phép nhận xét sau mỗi phần phỏng vấn.
Chuẩn bị bài đánh giá bổ sung
Hiện nay, rất nhiều công ty, doanh nghiệp thường sử dụng các bài kiểm tra, đánh giá nhiều tiêu chí khác nhau của ứng viên. Bạn có thể tham khảo các ví dụ sau:
- Trắc nghiệm tâm lý: Các câu hỏi trắc nghiệm là bí quyết lựa chọn ứng viên hiệu quả với các tiêu chí thái độ, năng lực, thói quen, tính cách ứng viên v.v.
- Các bài test chuyên môn: Thường được sử dụng dưới hình thức mô phỏng hay đóng vai và cho phép bạn quan sát các hành vi của ứng viên, so sánh với những yêu cầu trong công việc bạn mong muốn có ở người làm việc tại vị trí này. Các loại bài test này sẽ là lựa chọn hữu hiệu khi nhà tuyển dụng có Đặc biệt hữu ích khi các ứng viên có CV tương đồng nhau, những người chưa có kinh nghiệm, hay đòi hỏi một năng lực cụ thể nào đó.
- Đánh giá tổng thể: Ứng viên sẽ tham gia vào các bài tập cá nhân và bài tập nhóm, như phỏng vấn, kiểm tra tâm lý, các nhiệm vụ nhóm và thuyết trình, đôi khi quá trình này sẽ mất tới vài ngày.
Ghi lại chi tiết quá trình phỏng vấn
Có một số đợt phỏng vấn tập trung với số lượng ứng viên tham dự đông, người phỏng vấn sẽ khó lòng nhớ hết các chi tiết của buổi phỏng vấn. Làm thế nào để nhà tuyển dụng có thể tổng hợp lại chi tiết của buổi phỏng vấn? Cách đơn giản nhất là ghi lại quá trình phỏng vấn để có thể dễ dàng lựa chọn ứng viên theo tiêu chí mà mình mong muốn.
Hy vọng bài viết của chúng tôi sẽ trở thành cẩm nang hữu ích cho các nhà tuyển dụng lựa chọn ứng viên một cách hiệu quả. Đừng quên theo dõi bài viết trong chuyên mục thông tin cho nhà tuyển dụng nhé!