Cấm công nhân đi làm bằng xe máy!
20.07.2021 1274 hongthuy95
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh yêu cầu Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoặc bố trí cho người lao động ăn - ở - sản xuất ngay tại chỗ làm; hoặc phải tổ chức đưa đón công nhân theo phương châm cùng làm - cùng đi và nghỉ cùng nơi… Tổ chức nào không thỏa mãn được phải tạm dừng sản xuất.

Hoặc đáp ứng “3 tại chỗ”, hoặc đưa đón công nhân đi làm
Nằm trong kế hoạch, phương án phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành nhiều văn bản quy định cụ thể về quản lý, giám sát, điều phối hoạt động sản xuất của đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hiện “mở cửa” trên địa bàn.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sắp xếp, bố trí cho công nhân ăn - ở - làm việc tại chỗ, cách ly với các tác nhân bên ngoài nhà máy. Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 50% cơ sở sản xuất đã bố trí cho công nhân ở lại chỗ làm sau tan ca. Được biết, Bà Rịa - Vũng Tàu có 400 doanh nghiệp, với khoảng 64.000 công nhân.
Trường hợp không đủ cơ sở vật chất để triển khai phương án “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phải tổ chức cho xe ôtô đưa đón người lao động, đảm bảo cùng làm - đi cùng - nghỉ cùng nơi. Lưu ý bố trí ngồi giãn cách, tỷ lệ lấp đầy không quá 50% số ghế của xe và không quá 20 người 1 xe. Theo đó, sáng 19/7, không ít công nhân chạy xe máy đi làm đã bị lực lượng chức năng chặn lại và yêu cầu “quay xe” vì “thành phố không cho phép người lao động sử dụng xe 2 bánh hay đi bộ đi làm trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16”.
Số còn lại không đáp ứng được 2 quy định trên thì phải tạm dừng sản xuất.

Dễ quản lý nhưng khó cho doanh nghiệp
Nếu việc doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” vừa đáp ứng an toàn trong phòng dịch, vừa đảm bảo duy trì sản xuất, hoàn thành đơn hàng, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cộng đồng từ người đi đường, người thân hay khu nhà trọ… Thì chuyện đưa đón công nhân đến nhà xưởng bằng ô tô, cấm đi làm tự do bằng xe máy hay đi bộ đảm bảo tập trung công nhân lại cùng 1 chỗ, để cùng đến công xưởng và cùng về nơi lưu trú trên cùng 1 tuyến đường, thay vì tự do đi lại và ghé/ tạt vào những địa điểm phức tạp.
Quy định này phân tích ra có vẻ hợp lý, giúp cơ quan chức năng dễ điều tra - quản lý lịch trình di chuyển của người lao động, thuận tiện trong truy vết người tiếp xúc gần nếu chẳng may xuất hiện ca (nghi) nhiễm. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng nó làm khó doanh nghiệp. Bởi, nhiều công ty có lượng công nhân rất đông, lên đến hàng nghìn người, trong khi quy định ngồi giãn cách, số lượng ghế lấp đầy, số người trên xe lại hạn chế đến 50% nên không dễ trong thời gian ngắn trang bị đủ xe và nguồn lực (lái xe, điều phối, giám sát…) để đưa đón người. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cũng gặp khó vì yếu kinh phí, thiếu nhân lực.
“Doanh nghiệp phải đồng hành, chia sẻ cùng tỉnh trong công tác phòng, chống dịch. Tỉnh biết quy định này ít nhiều gây khó khăn cho người lao động và doanh nghiệp, song nếu thả lỏng, để công nhân đi lại tự do, không kiểm soát chặt thì nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ rất cao. Bởi, chỉ cần một ca F0 trong khu công nghiệp thôi thì thiệt hại là vô cùng lớn” - Trưởng ban Quản lý Các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay.
Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên hồi 28/6. Đến sáng 20/7, tỉnh này có 219 ca.

Hiện quy định này nhận được 2 luồng ý kiến trái chiều: kẻ phản đối - người đồng tình. Còn bạn? Chia sẻ thật tình cùng Vieclamnhamay.vn nhé!
(Theo VnExpress)