Chuyện tình công nhân và bài học ý nghĩa về tình cảm gia đình
28.06.2017 3307 hongthuy95
Đó không chỉ là câu chuyện tình yêu đơn thuần, đó còn là tình người, tình bạn giữa chị Lan và chồng. “Ít tiền cũng được, chỉ cần vợ chồng tôn trọng nhau”. Câu nói của chị Lan khiến nhiều công nhân cảm thấy ấm áp như được sẻ chia...
Chuyện tình công nhân và bài học ý nghĩa
Câu chuyện nói về chị Lan, công nhân tại một công ty dệt may tại quận 5, tp.HCM, sau khi vinh dự nhận được danh hiệu “gia đình hạnh phúc bền vững” do Công đoàn tổ chức - nhắc về chồng, chị chia sẻ:
“Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng cơm lành canh ngọt hoặc không phải cứ nhà to cửa lớn, có thật nhiều tiền là hạnh phúc. Với tôi, tiền ít cũng được, chỉ cần vợ chồng tôn trọng nhau là đủ”.
Lời chia sẻ được nhiều công nhân tại đây cảm thấy ấm áp như được sẻ chia.
Chuyện tình công nhân đẹp
Chị Lan và chồng - anh Trần Quang Tý kết hôn năm 2003, đến nay đã có với nhau 1 đứa con gái. Là hai con người xa lạ gặp nhau, tìm hiểu và yêu nhau cũng do cái duyên cả. Chị là công nhân, anh làm bảo vệ, gia đình nhỏ sống trong khu nhà tập thể được công ty cung cấp. Nhờ vậy, anh chị chẳng cần lo chỗ che mưa, che nắng, số tiền lương tích góp được cũng đủ trang trải cuộc sống và cho con ăn học tốt hơn.
Nhận xét về chồng, chị nói: “Chồng tôi thật thà. Làm bao nhiêu tiền cũng đưa hết cho vợ giữ. Người ta bảo người miền Trung gia trưởng nhưng chồng tôi chỉ kỹ tính thôi. Vợ chồng có xung đột, không chỉ tôi im lặng mà anh ấy cũng im lặng cho cơn giận qua đi. Khi nào bình tĩnh lại thì sẽ nói chuyện. Gần 15 năm ở với nhau, vợ chồng có cãi nhau nhưng anh chưa bao giờ đánh tôi”.
Chính nhờ sự nhường nhịn, chịu thương, chịu khó mà gia đình nhỏ của chị Lan luôn tràn ngập hạnh phúc, tiếng cười. Với một nữ công nhân, hạnh phúc đơn giản chỉ là: có chỗ để ở, có cái để ăn, có chồng cảm thông, có con ngoan ngoãn, như vậy đã đủ lắm rồi.
Những mảnh ghép tìm thấy nhau
Sống với nghề công nhân, các cặp vợ chồng tại công ty nơi chị Lan làm việc đa phần đều khác quê. “Kẻ Nam - người Bắc” dẫn đến sự khác biệt về văn hóa, dễ xảy ra mâu thuẫn, cãi vã dẫn đến những điều không hay. Tuy nhiên, để gắn bó cả đời với nhau, đừng để cái tôi của mình quá lớn, nhường nhịn và giúp đỡ nhau đi qua những ngày giông tố rồi sẽ đến được cầu vồng.
Cùng nhận danh hiệu “gia đình hạnh phúc bền vững”, vợ chồng chị Yến - anh Vũ chia sẻ:
“Hai miền Nam - Bắc tất phải có những khác biệt. Đàn ông miền Tây ai cũng nhậu nhiều nhưng bù lại rất thật thà, yêu vợ, yêu con, không nề hà việc nhà. Biết tính chồng mình vừa có “chiêu” giữ chồng bớt nhậu nhưng cũng phải biết chiều để chồng không thấy bị gò bó”. Rồi: “Tôi nghĩ, quan trọng nhất là lúc mình lựa chọn người bạn đời có phù hợp với mình không. Khi cùng bước vào cuộc sống hôn nhân, hai bên phải hiểu, tôn trọng nhau. Muốn khơi gợi cái tốt, hạn chế cái xấu của người kia, trước hết bản thân mình phải tốt đã”.
Cảm thông và sẻ chia là 2 từ cần có trong mối quan hệ vợ chồng. Chỉ khi làm được điều này thì dù có khó khăn đến đâu, vất vả đến mấy, gia đình vẫn là mái ấm, là điểm dừng chân cuối cùng của mỗi người.
Ms. Công nhân