Công nhân mỏ, nghề nguy hiểm nhưng cao quý!
19.09.2022 15413 haiyen.tran37
Vốn là nghề vất vả, điều kiện làm việc độc hại, nguy hiểm, thậm chí mạo hiểm cả tính mạng để kiếm thu nhập, nhưng sự đóng góp của thợ mỏ cho sự phát triển của xã hội là không hề nhỏ. Cùng Vieclamnhamay.vn tìm hiểu rõ hơn về nghề này ngay bên dưới nhé.
Thu nhập của công nhân/ thợ mỏ cao
Vì điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên mức thu nhập của công nhân/ thợ mỏ khá cao, khoảng từ 20 - 25 triệu đồng/ tháng. Tùy thuộc vào quy mô của nhà máy, xí nghiệp mà con số này sẽ thấp hay nhiều hơn. Nhìn chung, mức thu nhập của công nhân nghề này khá cao.
Từng làm lập trình trong suốt 8 năm ở TP. HCM, nhưng vì hoàn cảnh gia đình Nguyễn Hoàng Sinh đành phải lựa chọn về quê nhà Bắc Ninh làm công việc thợ mỏ. “Ngày xưa em làm lập trình lương tháng cũng 15 - 17 triệu đồng mỗi tháng nhưng chi tiêu trong gia đình em phải gánh vác. Còn giờ về quê nhà thì nếu làm thợ mỏ, lương em sẽ từ 20 - 25 triệu đồng mà có vợ cũng gách vác nên cũng đỡ hơn”.
Khó khăn, nguy hiểm trong nghề thợ mỏ
1. Thường xuyên tiếp xúc với môi trường làm việc độc hại
Nhiều người từng nói rằng “đường cùng mới chọn nghề thợ mỏ” đủ để biết công nhân ngành mỏ vất vả và nguy hiểm như thế nào. Hầu hết các mỏ than tại nước ta đều có kiến tạo phức tạp, công nghệ khai thác còn lạc hậu, chủ yếu là lao động thủ công.
Không chỉ làm việc trong những hầm sâu chật hẹp và tăm tối, người công nhân mỏ phải tiếp xúc thường xuyên với các chất độc hại như bụi than, đá, kim loại (cadimi, man gan,...), phóng xạ và các loại hơi khí độc CH4, CO, CO2, TNT,… Không chỉ vậy, tiếng ồn gây ra do nổ mìn, hoạt động của máy khoan trong hầm mỏ cũng vượt nhiều lần so với mức cho phép.
Vì vậy, tỷ lệ thợ mỏ bị mắc bệnh nghề nghiệp rất cao. Cụ thể, 8 - 23,6 % công nhân nghiền sàng than, khoan than, khoan đá bị mắc bệnh điếc nghề nghiệp, còn tỷ lệ viêm phế quản mạn tính của công nhân mỏ khoảng 19,3 %.
10 bệnh nghề nghiệp trong khai thác mỏ và cách phòng tránh công nhân nên biết
2. Nguy hiểm rình rập bất cứ lúc nào!
Công nhân mỏ không chỉ thường xuyên tiếp xúc với môi trường làm việc độc hại mà còn bị đe dọa tính mạng bất cứ lúc nào. Đã có rất nhiều vụ sập hầm lò chôn vùi hàng chục người thợ. Bởi vậy công việc của họ còn được gọi là “sống trong hầm mồ”.
Không chỉ sập hầm mới làm cho những người thợ mỏ phải bỏ mạng. Nếu trong hầm xảy ra hỏa hoạn hoặc nước dâng đột ngột cũng rất nguy hiểm cho những người thợ đang làm việc trong hầm.
Ngày 16 tháng 1 năm 2014, 6 người thợ mỏ của mỏ than Đồng Vông, Quảng Ninh đã bỏ mạng vì hầm lò đã bị bốc cháy trước đó nhưng không ai hay biết. Khi xuống hầm, các công nhân cảm thấy nhiệt độ của hầm nóng hơn bình thường nhưng không để ý. Đến khi phát hiện đám cháy, anh em cùng nhau bỏ chạy. Tuy nhiên do khói bụi quá nhiều khiến anh em công nhân không thở được, bị kiệt sức. 7 người công nhân xuống hầm chỉ còn một người sống sót do băng qua được đám cháy để sang vỉa hầm khác.
Vào ngày 25, 26 tháng 8 năm 2015, trời Quảng Ninh liên tục đổ những cơn mưa lớn. Để cứu mỏ than Đông Dương, hàng chục anh em công nhân mỏ ở đây phải làm việc liên tục. 6 máy bơm nước liên tục làm việc nhưng vẫn không thể bơm kịp lượng nước mưa chảy vào mỏ. Khi đang trực máy bơm, một hầm mỏ bất ngờ bị nước dâng đột ngột, 13 người thợ mỏ thoát chết trong gang tấc.
3. Công nhân mỏ có kinh nghiệm ít ỏi
Không chỉ nguy hiểm luôn rình rập mà nghề thợ mỏ rất vất vả, cực nhọc. Khi đất nước vừa bước vào thời kỳ xây dựng sau chiến tranh, trở thành công nhân mỏ là ước mơ của nhiều người. Nhưng đến nay số lượng thợ mỏ giảm sút nghiêm trọng. Theo thống kê năm 2014, mỗi năm có khoảng 3.500 đến 4.000 thợ mỏ bỏ nghề. Vì số lượng tuyển dụng và công nhân bỏ nghề ngang nhau nên ngày càng thiếu những người thợ mỏ có kinh nghiệm. Trong khi ngoài vấn đề sức khỏe, kinh nghiệm là một yếu tố rất quan trọng trong việc khai thác mỏ.
Mặc dù được trả mức lương cao hơn so với công nhân ở những ngành nghề khác. Bên cạnh đó, họ còn được đào tạo nghề và ăn ở miễn phí. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngành than vẫn gặp khăn trong quá trình tuyển dụng. Một số doanh nghiệp phải lên tận các vùng núi Tây Bắc để tìm kiếm nhân tài.
Giải pháp giữ chân công nhân mỏ gắn bó với nghề
Hàng năm, vô số công nhân mỏ bỏ việc vì vất vả, môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm. Đây cũng là nguyên nhân các doanh nghiệp ngành mỏ khó tuyển dụng được công nhân.
Vì thế, để công nhân an tâm làm việc, các doanh nghiệp cần chăm sóc, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, đáp ứng đủ quy chuẩn về hầm lò, quy định an toàn lao động trong khai thác. Thường xuyên thực hiện hoạt động vệ sinh hầm lò, hạn chế sự độc hại trong môi trường làm việc công nhân. Cần tập huấn cách xử lý những trường hợp nguy cấp cho những công nhân lao động để họ nâng cao khả năng bảo vệ an toàn cho bản thân và đồng nghiệp khi xảy ra sự cố.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần quan tâm đến đời sống công nhân, chi trả các khoản trợ cấp độc hại đầy đủ, đảm bảo quyền lợi nhiều hơn để tạo động lực làm việc cho công nhân.
“Chất lượng cuộc sống của công nhân chúng tôi đã được cải thiện hơn trước. Mặc dù chỉ mới vào nghề mấy tháng nhưng thu nhập của tôi đã 10 triệu đồng/ tháng. Cơm trưa và tăng ca công ty đều lo hết. Ngoài ra, công nhân chúng tôi còn được sắp xếp chỗ ở riêng, đầy đủ tiện nghi. Vì vậy, tôi rất yên tâm làm việc và mỗi tháng có tiền gửi về cho gia đình”, bạn Hồ A Sún, 25 tuổi công nhân lò ở Bắc Ninh tâm sự.
Bên cạnh đó, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã triển khai những hoạt động, nhằm tạo điều kiện tuyên truyền, mở rộng hoạt động tuyển dụng đến công nhân vùng cao, điều kiện kinh tế khó khăn, vất vả. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư máy móc, hệ thống trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ thợ mỏ làm việc hiệu quả, hạn chế phát sinh tai nạn. Đồng thời cải thiện điều kiện đi lại, hệ thống thông gió, điều kiện vật chất lò.
Là nghề vất vả và nguy hiểm, nhưng nếu không có những người công nhân chăm chỉ, bản lĩnh này, làm sao chúng ta có thể khai thác được tài nguyên quý giá, phục vụ cho nền công nghiệp và đời sống của con người? Bởi vậy, tuy không sang trọng, nhàn hạ nhưng thợ mỏ là một nghề cao quý. Vì vậy, cần lắm sự đóng góp của nhiều người lao động cho sự phát triển của ngành mỏ nói riêng và đất nước ta nói chung.
Xem thêm: 90% công nhân một nhà máy ở Bình Dương đã mất việc vì robot
Ms. Công nhân