Công nhân sống thử: Những cái kết đắng lòng
05.09.2022 2438 ungvien
Câu chuyện công nhân sống thử trước hôn nhân đã không còn là chuyện lạ lẫm. Những công nhân trẻ sống xa nhà, khi khó khăn, cô đơn rất cần có người động viên, sẻ chia nên họ góp gạo “thổi cơm chung”. Và vấn đề công nhân sống thử đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt lợi ích của việc sống chung là các kịch bản đắng lòng cho những công nhân nữ như phá thai nhiều lần, một mình sinh con, bất đắc dĩ phải bỏ rơi con cái ở chùa, bệnh viện, gửi con cho gia đình ở quê,...
Sống thử là chuyện bình thường
Tại nhiều khu nhà trọ ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) có không ít các cặp đôi đang sống thử. Cuộc sống sinh hoạt của họ hệt như những cặp vợ chồng trẻ, cùng nhau đi làm, dọn dẹp phòng trọ, đi chợ nấu ăn và cùng ngủ chung trên một chiếc giường.
Bà Mùa – chủ một khu nhà trọ ở KCN Bắc Thăng Long cho biết: “Ngày xưa, người ta yêu nhau dễ gì được nắm tay nhưng tụi thanh niên bây giờ suy nghĩ thoáng thật, thích thì yêu, thích thì ở chung, thích thì ngủ, chẳng giữ gìn gì cả. Đã từng có nhiều trường hợp công nhân sinh con rồi vứt ở ven đường hay vườn nhà dân.”
Chị Th – một công nhân cho biết: “Tụi em ở cùng quê, cũng có tình cảm với nhau nên ghép lại ở chung cho đỡ tốn. Mọi chi phí sinh hoạt đều được “Campuchia” sòng phẳng. Hiện công việc của hai đứa vẫn chưa ổn định nên không dám tính đến chuyện hôn nhân. Em là con gái cũng phải tính đến chuyện tương lai nhưng hoàn cảnh bây giờ thì không thể khác được.”
Yêu nhau gần 3 năm, 4 tháng trở lại đây, chị M và anh T – làm công nhân tại khu chế xuất Linh Trung II (Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) cũng dọn về sống chung với nhau. Cả hai đã có ý định ra tết sẽ tổ chức đám cưới nên về ở chung với nhau cho tiết kiệm. Mỗi ngày đi làm, chị M dậy sớm hơn 30 phút để chuẩn bị bữa sáng cho cả hai, anh T thì pha trà để cả hai cùng mang đi làm. Chị M chia sẻ: “Những ngày đầu sống chung có hơi bỡ ngỡ, nhưng tụi em yêu nhau thì cũng phải thay đổi bản thân để phù hợp với cả hai. Sau khi trừ ra các khoản chi tiêu, cả hai đều tự nguyện góp phần tiền lương còn lại vào một tài khoản chung để dành tiền tổ chức đám cưới.”.
Về phần mình, anh T cũng bộc bạch: “Khi quyết định dọn về ở chung, tụi em cũng ngại bạn bè trong xóm trọ, em luôn có cảm giác mọi người bàn tán sau lưng mình. Thế nên tụi em quyết tâm đã sống thử thì phải sống cho hạnh phúc, tốt hay xấu do do chính mình quyết định. Tụi em đã xác định tính đến chuyện tương lai nên dù có chuyện gì cũng sẽ cùng nhau vượt qua.”
Chuyện lợi, hại từ việc sống thử thì ai cũng thấy nhưng nhiều công nhân vẫn vui vẻ chấp nhận. Dù muốn hay không, dù ác cảm hay đồng thuận thì đây vẫn là một câu chuyện thực tế diễn ra hàng ngày ở các khu trọ công nhân.
Những cái kết đắng lòng
Những tưởng sẽ tiết kiệm chi phí, tìm được một người gánh vác chuyện kinh tế, thế nhưng, chị N. T. T. (26 tuổi, quê Tiền Giang) đành phải lựa chọn quyết định đi phá thai 2 lần sau khi sống thử với người yêu.
Lần đầu tiên, chị T. vì nghe theo lời ngon ngọt của người yêu phân tích về mặt lợi của việc sống chung, chị ưng bụng đi theo. Thời gian đầu, bạn trai T. sống rất nghiêm túc, từ bỏ các thói quen và luôn quan tâm, săn sóc chị T. Nhưng sau khi nghe T. nói có thai 3 tháng, anh ta đã biến mất tăm.
Vì hoàn cảnh khó khăn, lo sợ gia đình phát hiện từ mặt, chị T. quyết định phá thai. Sau đó, chị lại cặp với một người đàn ông khác. Mặc dù đã sử dụng thuốc tránh thai, nhưng vì đi làm về mệt, nhiều hôm chị quên và lỡ kế hoạch. Lúc báo tin có thai, người đàn ông này lại thuyết phục chị phá thai. Thế là, vì sợ người yêu ruồng bỏ, chị phá thai lần nữa.
Đáng buồn hơn, nhiều công nhân nữ phải làm mẹ đơn thân và gánh gồng khoản chi phí nuôi con một mình chỉ vì sống thử. Dù chỉ mới 22 tuổi, nhưng chị T. V. H. đã làm mẹ của đứa con gái 3 tuổi. Chị kể, cũng vì nghe theo lời anh người yêu góp gạo, tiết kiệm chi phí nên đã đồng ý sống chung. Nhưng vì không có kế hoạch nên lỡ dính bầu.
Người yêu H. lúc đầu bàn bạc với cô sinh con ra để có cái nhờ cậy. Thế nhưng sau khi sinh con, chi phí phát sinh, H. nghỉ thai sản 6 tháng, anh người yêu ráng gánh gồng được 1 năm thì biến mất tăm, để lại cô gái một mình nuôi con cùng những khoản chi phí không tên khác.
Nạo phá thai gia tăng
“Không chỉ ở TP. HCM mà ở Đồng Nai, Bình Dương, sau thời gian sống thử với công nhân nam, nhiều cô gái bị các anh yêu cầu phá thai hoặc bị bỏ rơi. Trường hợp thai quá lớn, sinh con ra phải bỏ ở bệnh viện, chùa hay thậm chí gửi về quê nhà cho gia đình chăm sóc trong điều kiện khốn khó”, một bác sĩ tại bệnh viện TP. HCM cho biết.
Tình trạng nạo phá thai ở các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP. HCM đang có xu hướng tăng cao. Một trong số lý do phổ biến vẫn là do chưa chuẩn bị đầy đủ kiến thức về sinh sản, nguy cơ mắc bệnh qua đường sinh dục,...
“Mỗi tháng có trung bình khoảng 60 nữ công nhân đến phá thai. Nhiều người phá thai đến 3 - 4 lần, nhưng chủ yếu đi một mình, chứ không có chồng hay người yêu đi cùng”, quản lý phòng khám tại Bình Dương chia sẻ.
Cứ mỗi năm, các bệnh viện lớn ở TP. HCM lại tiếp nhận hàng nghìn ca nạo phá thai của công nhân từ các tỉnh thành khác đến. Nguyên nhân lớn nhất khiến cho các cô gái rơi vào tình trạng này, theo ý kiến của bác sĩ thuộc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, là do cuộc sống xa nhà, thiếu sự quản lý của gia đình, lương thấp nên dễ sa ngã.
Đừng sống thử chỉ vì muốn chia tiền phòng
Sống thử trước hôn nhân không có màu hồng như nhiều người vẫn nghĩ. Không những đối diện với định kiến xã hội, công nhân còn phải đứng trước nhiều vấn đề bất cập khác nhau. Chẳng hạn như có thai ngoài ý muốn, bị lạm dụng tình dục, bạo hành,... mà không có người giúp đỡ. Bên cạnh đó, công nhân phải tập làm quen với những khuyết điểm mà ngày thường đối phương giấu đi. Không phải lúc nào cũng sẽ nấu ăn chung mà đôi khi có những bữa có gì ăn nấy vì quá đói. Hoặc đôi khi ở chung nhà nhưng không phải lúc nào cũng kè kè ở bên nhau.
Sống thử với nhau, cần nhiều hơn tình yêu giữa hai người mà còn là sự hỗ trợ nhau về mặt kinh tế. Đặc biệt, có đôi lúc một trong hai sẽ phải gánh kinh tế cho cả gia đình. Thậm chí, đôi khi phát sinh chi phí và tranh cãi với nhau.
Đặc biệt, về vấn đề tình dục, không thể nào tránh khỏi trong quá trình sống thử của công nhân. Thế nhưng, thực tế thì không có biện pháp tránh thai nào hiệu quả 100% cả. Dù sử dụng bao cao su, tỷ lệ tránh thai tối ưu vẫn chỉ 98%. Tức là nguy cơ có thai ngoài ý muốn khi sống thử với nhau vẫn cao.
Đặc biệt, nếu bạn vẫn chưa thể trả lời câu hỏi sau đây thì đừng nên quan hệ tình dục: “Hai bạn sẽ làm gì nếu có thai? Cùng nhau phá thai, nuôi con hay một người sẽ bỏ đi còn 1 người thì ở lại?”. Nếu chỉ vì nghe theo những lời ngọt ngào của người yêu mà vội vàng trao thân, công nhân nữ sẽ phải gặp những cái kết đắng lòng mà sau này dù có hối cũng không kịp nữa.
Hơn nữa, sau khi chia tay, phụ nữ luôn là người thiệt thòi nhất. Rất nhiều gia đình phản đối kết hôn với những cô gái đã từng sống thử với người khác là câu chuyện không hiếm.
Ms.Công nhân
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)