Cuộc sống “không như mơ” bên trong nhà máy sản xuất iPhone
24.05.2017 7470 bientap
Ít ai biết rằng, để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm iPhone chất lượng nhất, những công nhân nhà máy sản xuất iPhone đã phải làm việc trong điều kiện hết sức nghiêm ngặt.
Dejian Zeng – một sinh viên cao học trường Đại học New York sau một thời gian làm việc tại nhà máy gia công iPhone Pegatron (Thượng Hải, Trung Quốc) đã có những chia sẻ về cuộc sống thực sự của những công nhân làm việc bên trong nhà máy này. Những tưởng quy trình tạo ra một sản phẩm danh tiếng sẽ có nhiều điều lý thú nhưng thực tế thì hoàn toàn trái ngược.
Ban đầu khi đến Pegatron, Dejian được phân công vào bộ phận FATP, phụ trách việc lắp ráp và kiểm tra các bộ phận. Mỗi dây chuyền sản xuất có hàng trăm khâu khác nhau, mỗi khâu sẽ phụ trách một công việc khác nhau. Các công nhân tại Pegatron phải làm việc theo ca 12 tiếng mỗi ngày, bao gồm cả thời gian ăn và nghỉ ngơi. Trong thời gian đó, khâu mà Dejian phụ trách chỉ là lắp 1 con vít vào mặt sau của điện thoại rồi chuyển sang khâu khác.
Sau 2 tiếng làm việc đầu tiên, các công nhân được nghỉ giải lao 10 phút, đa phần mọi người đều tranh thủ chợp mắt, tuy nhiên giấc ngủ quá ngắn nên rất khó chịu. Nếu công nhân nào muốn đi vệ sinh thì phải chạy vì nhà sinh cách rất xa khu làm việc. Sau 2 giờ làm việc tiếp theo, các công nhân được nghỉ 50 phút để ăn uống. Những ai ăn xong sớm có thể tranh thủ “ngủ ngồi” ở dãy ghế ở hành lang. Những ai nằm xuống, lặp lại nhiều lần sẽ bị phạt tiền.
Xem thêm: Có gì bên trong nhà máy sản xuất hàng gia dụng của Samsung tại TP.Hồ Chí Minh?
Công việc cứ thế tiếp tục cho đến hết giờ làm. Xong ca làm việc, các công nhân về ký túc xá nghỉ ngơi. Đó là “vòng sinh học” không chỉ riêng của Dejian mà là của hàng trăm nghìn lao động khác cần phải thích nghi khi làm việc tại đây. Công việc tuy đơn giản nhưng có thể cảm nhận được sự tẻ nhạt. Và đây là tình cảnh chung của lao động nhiều nước khác khi phải lao động chân tay để phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số.
Dejian chia sẻ: “Các công nhân làm việc ở đây thực tế là không có thời gian “sống” thực sự. Ngoài thời gian làm việc, thời gian còn lại chỉ đủ để ngủ nghỉ. Vào những giai đoạn cao điểm ra mắt sản phẩm mới thì các công nhân phải làm thêm giờ. Quả thực là vô cùng mệt mỏi.”
Bên cạnh đó, khi chuyển giao sản xuất giữa các dòng sản phẩm thì không khí làm việc vô cùng ngột ngạt. Thậm chí nhiều công nhân nữ phải đổi áo ngực vì máy kiểm tra kim loại. “Cảm giác ngày sản xuất sản phẩm thử nghiệm iPhone 7 hệt như tra tấn. Trong 12 giờ làm việc, công nhân chỉ được sờ vào 5 chiếc điện thoại, ngồi chờ đợi mà không được nói tiếng. Đợi 2 – 3 tiếng mới có sản phẩm tiếp theo để làm, lắp ráp xong lại chờ trong im lặng vài tiếng nữa. Các nhân viên Apple luôn giám sát mỗi sản phẩm được công nhân thao tác.”
Như vậy thì đằng sau vẻ sang trọng của những chiếc iPhone là một quá trình lao động mệt mỏi, làm việc trong điều kiện nghiêm ngặt và lương thấp của các công nhân làm việc trong các nhà máy gia công sản phẩm của Apple.
Từ thực tế công việc được chứng kiến, Dejian cho rằng ý kiến mang công việc sản xuất về Mỹ của Tổng thống Donald Trump là không khả thi. Các công nhân làm việc tại đây chỉ nhận được mức lương cơ bản 2300 nhân dân tệ (tương đương 400 USD) và đây không phải là mức lương mà người lao động tại Mỹ sẽ chấp nhận. Ngoài ra, chỉ chuyển hoạt động về Mỹ thì nhiều công đoạn sẽ do máy móc đảm nhiệm, vì thế nên sẽ không giải quyết được vấn đề việc làm, chưa tính đến các chi phí vận hành.
Xem thêm: Lao động Việt cần làm gì trước thách thức cách mạng công nghiệp 4.0?
Ms.Công nhân