Đừng ép nhân viên “bán mạng” cho công ty !
08.05.2016 2711 haiyen.tran37
Đã từng có một vị sếp đặt câu hỏi “Tại sao anh, chị cứ suốt ngày than mệt và xin nghỉ vậy ? Tôi làm việc12 tiếng một ngày có bao giờ than mệt đâu?”. Làm chỉ huy không hề dễ dàng. Không phải ai cũng thành công ở những vị trí quản lý bởi họ chưa biết cách thu phục lòng người, chỉ biết “ khai thác” mà chưa chú trọng “vun trồng”.
Sếp muốn nhân viên đặt công việc là trên hết !
Sếp đi làm 12 tiếng một ngày, bất kể ngày nghỉ, ngày lễ. Sếp vẫn chăm chỉ và bền bỉ như thế. Sếp yêu cầu nhân viên của mình cũng phải làm được như vậy. Mỗi khi nhân viên đau ốm hay có việc riêng cần phải nghỉ thì sếp cau có khó chịu. Sếp nói “ Từ khi vào công ty tôi chưa nghỉ việc ngày nào mà sao các anh, chị có nhiều lý do để nghỉ thế?”
Vậy là dù nhân viên có mệt mỏi đến mấy vẫn cố gắng đi làm, trừ khi vạn bất đắc dĩ phải nghỉ thì đương nhiên sẽ nhận lại được thái độ khó chịu từ sếp. Cho dù theo quy định của Bộ lao động họ vẫn còn rất nhiều ngày phép, ngày nghỉ lễ nhưng họ không dám nghỉ. Dường như họ không còn thời gian bên gia đình một cách đúng nghĩa. Bản thân họ cũng tự hỏi “ Không biết mình đi làm để làm gì ?”
Nhân viên kiệt sức, mất dần nhiệt huyết với công việc !
Khi mới vào công ty anh nhân viên nọ rất vui mừng. Bởi anh tìm được một công việc đúng chuyên ngành, đúng sở thích của mình. Anh đi làm sớm nhất và trở về nhà muộn nhất. Nhưng chỉ qua hơn một năm anh bắt đầu chán nản. Bởi sếp của anh chỉ muốn nhân viên làm việc đến độ “bán mạng” cho công ty.
Sếp quên rằng nhân viên cũng có gia đình, cũng có nhu cầu vui chơi giải trí, cũng có lúc mệt mỏi, đau ốm. Anh không còn nhiệt huyết với công việc. Mỗi lần đến văn phòng là anh cảm thấy căng thẳng bởi áp lực quá lớn. Cuối cùng anh cũng phải nộp đơn xin thôi việc để tìm kiếm một môi trường làm việc dễ thở hơn.
Đây là điển hình cho việc sếp chỉ biết “khai thác” mà không chú trọng “vun trồng”. Sức lực và nhiệt huyết làm việc của nhân viên đã ngày càng cạn kiệt khi sếp ép họ phải làm việc không ngừng nghỉ.
Công việc cũng chỉ là một phần trong cuộc sống của mỗi người. Nhiều người làm việc vì đam mê, vì chí hướng. Cũng có người làm việc đơn giản chỉ vì cơm áo gạo tiền. Điều quan trọng nhất mà họ hướng tới vẫn là muốn có một cuộc sống vui vẻ và ý nghĩa hơn. Khi đâm đầu vào công việc mà không còn chút niềm vui, không còn thời gian tận hưởng những điều tốt đẹp khác. Dĩ nhiên họ sẽ nhanh chóng chán nản muốn bỏ việc.
Đừng yêu cầu nhân viên đặt công việc là trên hết. Đừng ép họ phải dành hết thời gian cho công ty. Sếp coi công ty là tất cả không có nghĩa là nhân viên cũng như vậy. Không phải bỗng dưng mà có những quy định về ngày nghỉ, ngày lễ. Người ta cần được nghỉ ngơi, cần được tận hưởng mới có thể tái tạo sức lao động.
Tại sao có những công ty chi hàng tỷ đồng mỗi năm để chăm lo cho nhân viên ? Bởi lãnh đạo công ty biết rằng chỉ khi chăm sóc cho nhân viên thật tốt họ mới nhận lại được sự cống hiến mà họ đang mong đợi. Không thể chỉ muốn nhận lại mà không muốn cho đi. Lương chỉ là một hình thức “mua – bán” sức lao động có thỏa thuận. Chứ không phải doanh nghiệp đang ban ơn cho nhân viên. Và khi doanh nghiệp muốn được nhiều hơn từ nhân viên của mình thì rõ ràng là họ phải chi trả những khoản xứng đáng hơn nữa.
Ms: Smile