Ghi nhớ 08 Tiêu chuẩn An toàn lao động trong nhà xưởng
23.10.2024 183 hongthuy95
An toàn lao động là quy định hàng đầu buộc doanh nghiệp lẫn người lao động phải tuân thủ để đảm bảo môi trường làm việc an toàn và thân thiện, góp phần tối ưu hiệu suất công việc. Vậy tiêu chuẩn an toàn lao động trong nhà xưởng chi tiết thế nào? Cùng Vieclamnhamay.vn tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Tiêu chuẩn an toàn lao động là gì?
Tiêu chuẩn an toàn lao động (ATLĐ) là các quy định làm căn cứ thực hiện và đánh giá mức độ ATLĐ trong quá trình lao động. Các tiêu chuẩn này có thể khác nhau giữa các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh do đối tượng lao động, trình độ lao động, môi trường làm việc và trình độ công nghệ tại mỗi nơi.
Tiêu chuẩn ATLĐ có thể do chính phủ và cơ quan quản lý ngành ban hành, cũng có thể do cơ sở, đơn vị sản xuất kinh doanh quy định cụ thể. Nó thường bao gồm các quy định bắt buộc về trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động, được tập huấn về các quy định, tiêu chuẩn an toàn theo quy định.
Mục đích của các tiêu chuẩn ATLĐ là đảm bảo sự đồng bộ và toàn diện trong thực hiện và tuân thủ với các chế tài đủ mạnh. Các chủ đầu tư, người sử dụng lao động, nhà sản xuất và người lao động phải có trách nhiệm thực hiện các tiêu chuẩn ATLĐ đã được đề ra.
Tiêu chuẩn ATLĐ trong nhà xưởng
Bao gồm hàng loạt các tiêu chuẩn an toàn cụ thể trong từng lĩnh vực công việc trong nhà xưởng yêu cầu cả NSDLĐ và NLĐ cùng biết để tự tạo ra môi trường làm việc an toàn và hiệu quả:
a/ An toàn hóa chất
- Thực hiện các biện pháp về tổ chức và quản lý theo quy định
- Thực hiện các giải pháp kỹ thuật an toàn hóa chất
- Tổ chức tuyên truyền, huấn luyện định kỳ hoặc đột suất
- Kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nội quy, quy chế an toàn của cơ sở
- Thưởng những cá nhân có thành tích và phạt những đối tượng vi phạm
- Khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động
- Tổng kết, rút kinh nghiệm, vạch kế hoạch hành động giảm thiểu rủi ro hóa chất.
b/ An toàn phòng chống cháy nổ
- Tổ chức bộ máy, xây dựng nội quy, quy chế quy định nhiệm vụ, chức trách cụ thể cho từng bộ phận, cá nhân
- Xây dựng và triển khai thực hiện các phương án phòng chống cháy nổ
+ Xây dựng phương án phòng chống cháy nổ
+ Định kỳ mở các lớp huấn luyện nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng chống cháy nổ
+ Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nội quy, quy chế làm việc an toàn và phòng chống cháy nổ
+ Định kỳ tiến hành tập dợt báo động, thực tập chữa cháy, cấp cứu cho người lao động
- Thực hiện chữa cháy - nổ khi xảy ra sự cố cháy nổ, đảm bảo đúng quy trình và tiêu chuẩn an toàn.
c/ An toàn điện
- Doanh nghiệp phải thực hiện quy phạm an toàn điện hạ áp và các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn liên quan
- Phân chia các vị trí làm việc trong doanh nghiệp theo mức độ nguy hiểm về điện để áp dụng các biện pháp an toàn điện thích hợp
- Có sơ đồ mạng điện, danh mục thiết bị điện với các thông số để tính toán, kiểm tra hay lắp đặt các dụng cụ bảo vệ từng thiết bị điện
- Mọi thiết bị phải bảo đảm đầy đủ nhãn mác của nhà chế tạo, sản xuất để phục vụ tính toán kiểm tra việc bảo vệ
- Có người quản lý kỹ thuật điện, có văn bản giao nhiệm vụ cụ thể. Người quản lý kỹ thuật điện phải am hiểu các văn bản quy định của nhà nước về kỹ thuật an toàn điện, am hiểu các giải pháp an toàn điện
- Bố trí số lượng thợ điện cần thiết, có đủ văn bằng, chứng chỉ về đào tạo, có sức khỏe tốt, có kiến thức chuyên môn và tay nghề để thực hiện lắp đặt, sửa chữa điện. Vận hành an toàn các thiết bị điện có trong doanh nghiệp, thành thạo cấp cứu người bị điện giật
- Thực hiện kiểm tra an toàn điện trong doanh nghiệp. Các công trình điện phải được tiến hành kiểm tra nghiệm thu trước khi đưa vào vận hành, kiểm tra định kỳ để phát hiện trước sự cố và kiểm tra đột xuất khi có sự cố
- Tiến hành huấn luyện chung về an toàn điện cho tất cả công nhân trong doanh nghiệp. Riêng thợ điện phải được huấn luyện hàng năm theo những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; sau huấn luyện có kiểm tra trình độ và hiểu biết, tay nghề để làm nghề hiệu quả
- Mọi sự cố và tai nạn điện phải kịp thời khắc phục và điều tra, thống kê, báo cáo. Nếu có tai nạn lao động thì phải tiến hành kiểm tra, báo cáo theo quy định
- Có trạm y tế, trong đó có cấp cứu người bị tai nạn điện
- Công nhân liên quan được doanh nghiệp cấp thẻ an toàn theo mẫu của Bộ LĐTB&XH
d/ An toàn cơ khí, thiết bị
- Doanh nghiệp có nhân viên phụ trách về cơ khí, hiểu biết về cơ khí, đảm bảo an toàn về cơ khí
- Có trạm y tế kịp thời xử lý khi xảy ra tai nạn liên quan đến cơ khí. Tổ chức điều tra, lập biên bản, đưa ra các giải pháp khắc phục sau tai nạn
- Doanh nghiệp chỉ mua các thiết bị sản xuất có đầy đủ hướng dẫn lắp đặt, vận hành để đảm bảo an toàn
- Bố trí máy móc phải đảm bảo thuận tiện cho quy trình sản xuất, có không gian di chuyển, vận chuyển nguyên phụ liệu…; đồng thời dễ dàng thao tác kiểm tra, sửa chữa, thay thế khi có sự cố
- Thiết bị sản xuất phải an toàn trong vận chuyển, lắp ráp, vận hành, sửa chữa
- Thiết bị sản xuất trong khi vận hành bình thường cũng như đang có sự cố không phát sinh các chất độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép
- Các bộ phận có yếu tố nguy hiểm như: bộ phận mạng điện, bộ phận chuyển động… phải có vật dụng, đồ dùng che chắn
- Thiết bị sản xuất không được có góc nhọn, cạnh sắt, bề mặt gồ ghề có thể gây thương tích cho người lao động
- Ghế ngồi làm việc có độ cao chuẩn, độ êm dễ chịu thuận tiện cho thao tác công việc
- Phần kim loại của thiết bị sản xuất phải được nối đất bảo vệ
- Khi thiết bị sản xuất làm việc có tỏa ra bụi hay các chất độc hại cần có giải pháp xử lý an toàn, phù hợp với tiêu chuẩn vệ sinh và bảo vệ môi trường
- Bộ phận điều khiển trên máy phải thuận tiện, dễ nhìn, dễ thao tác, lực thao tác không quá tiêu chuẩn cho phép
- Các phương tiện bảo vệ lắp đặt trên máy phải đảm bảo thao tác thuận tiện, không hạn chế tác dụng của các phương tiện khác
- Sử dụng các tín hiệu âm thanh, ánh sáng, màu sắc khi cần cảnh báo
- Người lao động tuân thủ các quy định đề ra để đảm bảo an toàn cơ khi trong lao động.
e/ An toàn nhà xưởng
- Nền nhà xưởng phải bằng, cao ráo, không trơn trượt, không sinh bụi, dễ cọ rửa. Có thể trải thảm để chống trơn trượt. Nếu có môi trường xâm thực thì nền phải lát bằng các vật liệu chịu hóa chất
- Mặt bằng nhà xưởng phải gọn gàng, ngăn nắp, có khu vực để nguyên phụ liệu, vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm, phế thải; có vạch kẽ rõ ràng để phân biệt lối đi, vận chuyển
- Những khu vực nguy hiểm về cơ khí, nồi hơi, thiết bị áp lực, nguy cơ cháy nổ, chỗ để phương tiện chữa cháy… phải có biển báo chỉ dẫn, biển báo an toàn tương ứng cũng như có chiếu sáng đầy đủ
- Đường đi lại cho xe cơ giới phải đủ rộng, hẹp nhất cũng phải bằng chiều rộng của loại xe lớn nhất, cộng với 1,4m
- Bậc thang lên xuống phải lát các vật liệu nhám chống trơn trượt, có biển báo và chiếu sáng đầy đủ
- Nên có nhà cầu để công nhân đi từ nhà này sang nhà kia khi cần, tránh phải đi ra ngoài trời nắng hay mưa vừa bất tiện, lại nguy hiểm
- Các khu vực có tỏa hơi khí độc, chất kích thích phải được ngăn chia riêng và thực hiện các giải pháp thu gom, xử lý thích hợp, tránh để hỏa hoạn hay chất độc lan tỏa sang khu vực khác
f/ An toàn xếp dỡ vận chuyển
- Dùng các thiết bị, máy móc nâng đỡ phù hợp khi xếp dỡ để đảm bảo an toàn và hiệu quả
- Nếu mang vác xếp dỡ thủ công trong khoảng 60m thì trọng tải mang vác tối đa không quá 10kg với nữ và 16kg với nam lao động trong độ tuổi từ 16-18 tuổi; không quá 30kg với lao động từ 18 tuổi trở lên
- Khi nghiêng phải nghiêng cùng vai, cùng nâng hạ
- Các chất độc hại, ăn mòn phải dùng cán hay đòn khiêng hoặc xe để đưa đi, cấm vác, cõng nguy hiểm
- Vận chuyển bình khí nén phải nhẹ nhàng, tránh va chạm mạnh, không để rơi, bể vỡ
- Lao động có tay hay quần áo dính dầu mỡ không được di chuyển các thiết bị, đồ dùng chứa oxy, khí nén.
g/ An toàn nồi hơi và thiết bị áp lực
- Doanh nghiệp lập sổ theo dõi, quản lý nồi hơi, bình chịu áp lực, bảo dưỡng, tu sửa, kiểm tra vận hành, khám xét, khám nghiệm theo quy định
- Xây dựng lịch bảo dưỡng, tu sửa phù hợp với hướng dẫn của nhà chế tạo và chế độ vận hành thực tế của nồi hơi và bình chịu áp lực
- Xây dựng nội quy và quy trình vận hành an toàn cho từng nồi hơi và bình chịu áp lực cụ thể
- Có bảng tóm tắt quy trình vận hành và xử lý sự cố treo tại nơi đặt nồi hơi và bình chịu áp lực
- Có quyết định phân công lao động có năng lực và trách nhiệm để quản lý nồi hơi và bình chịu áp lực
- Tổ chức huấn luyện và sát hạch người đã nghỉ vận hành qua 12 tháng
- Làm thủ tục kiểm định, đăng ký theo quy định của Bộ LĐTB&XH
- Nồi hơi và bình chịu áp lực phải có đủ hồ sơ xuất xưởng của nhà chế tạo khi kiểm định, đăng ký. Hồ sơ đăng ký và lý lịch máy theo mẫu quy định bằng tiếng Việt
- Thời hạn kiểm định của nồi hơi và bình chịu áp lực theo quy định của các tiêu chuẩn liên quan
- Thời hạn khám xét nồi hơi không quá 2 năm/lần, bình chịu áp lực không quá 3 năm/lần hoặc theo kiến nghị của cơ quan kiểm tra. Thời hạn kiểm định 1 năm/lần.
h/ Phương tiện bảo vệ cá nhân
- Mua và cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân (BVCN) phải theo bản danh mục trang bị phương tiện BVCN của Bộ LĐTB&XH
- Cấp phát lại cho người lao động khi phương tiện BVCN bị hư hỏng nhưng không vì lỗi chủ quan của họ
- Không phát tiền hoặc trao tiền cho người lao động thay cho việc cấp phát trực tiếp phương tiện BVCN
- Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nhu cầu của từng loại nghề hoặc công việc để quy định chất lượng phương tiện BVCN và tham khảo ý kiến của tổ chức công đoàn cơ sở để định ra thời gian sử dụng phù hợp
- Định kỳ hàng năm mở lớp tập huấn kỹ năng và bảo quản đúng phương tiện BVCN cho người lao động
- Tổ chức đánh giá, kiểm tra chất lượng phương tiện BVCN có công dụng đặc biệt: khẩu trang, mặt nạ lọc hơi khí độc, găng tay và ủng cách điện, găng chống dung môi hữu cơ, dây an toàn…
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, độn đốc việc sử dụng phương tiện BVCN và đánh giá sự phù hợp cũng như hiệu quả của chúng
- Tổ chức bảo dưỡng cho các phương tiện BVCN có công dụng đặc biệt, phức tạp: quần áo chống cháy, mặt nạ lọc hơi khí độc…
- Bố trí nơi cất giữ phương tiện BVCN một cách thuận lợi và an toàn theo chỉ dẫn hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất, nhà cung ứng
- Lập các biểu, bảng theo dõi thích hợp và lưu giữ chúng cẩn thận để quản lý chặt chẽ các quy định kể trên.
Trên đây là chi tiết các tiêu chuẩn an toàn lao động trong nhà xưởng được Vieclamnhamay.vn tổng hợp và chia sẻ đến bạn. Việc nỗ lực tạo ra môi trường làm việc an toàn mang lại nhiều lợi ích cho cả người lao động lẫn doanh nghiệp, đảm bảo sản xuất hiệu quả, lao động an toàn.
Ms. Công nhân