Hướng dẫn sử dụng máy cắt vải đúng cách và hiệu quả
25.04.2022 5014 thanhphuongthaobctt
Sự phát triển ngày càng vượt bậc của ngành công nghiệp may mặc dẫn đến hàng loạt máy cắt vải ra đời. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mặc dù là công nhân may, nhưng không ít người vẫn còn lúng túng, chưa biết cách dùng thiết bị này đúng cách và an toàn. Vì thế, hãy theo dõi bài viết dưới đây của Vieclamnhamay.vn để hiểu rõ hơn về cách sử dụng máy cắt vải nhé.
Máy cắt vải là gì?
Máy cắt vải là thiết bị dùng để cắt một số lượng lớn vải để góp phần nâng cao năng suất lao động, nhằm thay thế cho những thao tác bằng thủ công, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả công việc.
Ngày nay, với phát triển ngày càng nhanh chóng của xã hội, máy cắt vải không còn là công cụ quá xa lạ trong ngành may mặc. Hiện tại, ở các doanh nghiệp/ xí nghiệp may quy mô vừa và lớn đều có ít nhất 1 máy cắt vải, phù hợp với nhu cầu sản xuất của mình.
Ai vận hành máy cắt vải?
Thông thường, người vận hành máy cắt vải là thợ cắt, có kinh nghiệm sử dụng thiết bị này nhiều năm. Trong quá trình điều khiển, họ cần mang theo đồ bảo hộ, bao tay và khẩu trang đầy đủ để đảm bảo an toàn lao động. Đặc biệt, công nhân phải có kỹ năng xử lý sự cố phát sinh hoặc nhanh chóng báo với cấp trên khi vấn đề đang xảy ra.
Tại sao phải sử dụng máy cắt vải?
Máy cắt vải mang lại nhiều lợi ích với quá trình hoàn thiện sản phẩm may mặc phải kể đến như sau:
- Tiết kiệm thời gian: Thay vì phải tốn nhiều thời gian để cắt vải, nhà máy xí nghiệp có thể rút ngắn lại quá trình này và hoàn thiện sản phẩm nhanh chóng.
- Gia tăng năng suất làm việc: Số lượng vải được cắt nhiều hơn so với quá trình làm thủ công. Vì thế, hiệu suất công việc nâng cao đáng kể.
- Giảm nhân công: Sử dụng máy cắt giúp giảm thiểu nhân công thực hiện công việc cắt vải.
- Tiết kiệm quỹ lương: Quá trình cắt vải rút ngắn về thời gian, nhân công nên doanh nghiệp/ xí nghiệp có thể tiết kiệm được quỹ lương đáng kể.
- Kích thước vải đảm bảo, tránh sai sót: Cắt vải bằng tay dễ cắt sai, thiếu vải. Trong khi đó, dùng máy cắt vải tạo ra sản phẩm đúng kích thước, hạn chế tối đa tình trạng lỗi phát sinh. (Trừ trường hợp người sử dụng điều khiển sai, máy bị lỗi).
Cách sử dụng máy cắt vải an toàn, hiệu quả nhất
Để vận hành máy cắt vải công nghiệp, công nhân may cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thiết bị này.
- Thông thường, bạn sẽ sử dụng tay thuận để cầm tay giật. Đa số, công nhân sẽ dùng tay phải để điều khiển máy cắt.
- Công nhân may nên cầm tay giật một cách nhẹ nhàng, không quá chặt, cũng không quá buông lỏng làm tốc độ không đều vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vải, bị nhàu nhĩ, nhiều nếp gấp, không đạt tiêu chuẩn,... Đặc biệt, bạn không nên quá mạnh tay hoặc giật vải trong lúc cắt.
- Trước khi vận hành máy cắt vải, bạn cần xác định được mẫu cần cắt, sơ đồ cắt vải. Sau đó, tiến hành quyết định số lượng, chất liệu vải cho mỗi lần cắt.
- Các loại vải mỏng như ren, lanh,... có thể sử dụng trong một lần cắt, nếu công suất của máy cắt công nghiệp cho phép. Với những loại vải len dạ, khuyến cáo nên dùng ít, để đảm bảo sự chính xác khi may mặc.
- Khi đưa máy cắt vải vào bàn, bạn dùng ngón trỏ của tay thuận bóp vào cần chân vịt, tay còn lại di chuyển chân vịt lên. Sau đó, bạn đưa máy cắt vào, khi dao tiếp xúc với bề mặt vải, thì bóp cần chân vịt cho nó thả xuống.
- Khi cắt đến những khu vực cổ, vòng nách,... bạn vừa vận hành máy cắt vừa dùng ngón trỏ để bóp cần điều khiển, giảm lực đè trên vải, để vải và sơ đồ không bị dồn nén lại.
- Sau mỗi lần cắt xong một chi tiết hay 1 đoạn, bạn phải mài dao cắt lại một lần nữa. Để mài, bạn nên ấn mạnh cần điều khiển mài dao.
>>> Tham khảo video cắt vải:
Những lưu ý khi sử dụng máy cắt vải công nghiệp
Để đảm bảo quá trình sử dụng máy cắt vải được liên tục, luân phiên và tạo ra số lượng vải tốt nhất, bạn cần lưu ý một số điểm như sau:
- Luôn luôn kiểm tra chất liệu vải, mẫu cắt để đảm bảo quá trình hoạt động của máy cắt được vận hành trơn tru, thuận lợi.
- Theo dõi nguồn điện đã đảm bảo chưa, nếu phát hiện sai sót, hỏng hóc cần báo ngay với quản lý để xử lý kịp thời.
- Công nhân sử dụng máy cắt cần phải mang bao tay bảo hộ và thuần thục quy trình hoạt động của máy.
- Cần phải biết cách khởi động máy và sử dụng thuần thục.
- Nếu không sử dụng, bạn cần rút nguồn điện ra để tiết kiệm điện và hạn chế phát sinh những sự cố bất ngờ.
- Dùng khăn mềm lau sạch tất cả bụi bám dính trên thân máy.
- Sau 3 - 5 lần cắt, bạn nên thực hiện mài dao bằng hệ thống mài tự động. Tuy nhiên, bạn cũng không nên mài quá thường xuyên vì sẽ gây ra tình trạng bào mòn, ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm.
- Bạn nên đặt máy cắt vải ở vị trí khô thoáng, tránh tình trạng ẩm ướt, rỉ sắt ảnh hưởng đến thời hạn sử dụng của máy.
- Tùy thuộc vào loại máy cắt vải mà bạn tùy chỉnh số lần mài dao phù hợp. Nếu thấy lưỡi dao không còn sắc bén, bạn nên tiến hành mài dao.
- Trước khi thực hiện mài dao, bạn cần gạt thanh chân vịt, để chạm đế, rồi ấn mạnh cần điều khiển mài dao trên đầu của máy cắt.
- Nếu bạn cắt vải chính thì có thể sử dụng loại dao cắt mới. Trường hợp cắt vải lót, bạn nên dùng dao cắt 3 - 4 bàn để vải không bị nhàu.
- Người điều khiển máy cắt cần đặt đế máy dưới giấy sơ đồ, để máy hoạt động êm ái, không làm vải nhăn nheo, xấu xí.
- Dây điện của máy cắt vải cần được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, tránh để trước đầu mũi dao, dễ gây đứt dây.
Nhìn chung, cách sử dụng máy cắt vải không khó. Tuy nhiên, bạn cần nhớ những lưu ý trên đây để đảm bảo quá trình vận hành không gặp bất kỳ sai sót hay sự cố, tai nạn ngoài ý muốn nào.
Phương Thảo