Lời kể của lao động trở về từ “Địa ngục trần gian”
15.04.2017 4553 bientap
“Sống lay lắt, khổ nhục” là những từ mà chị Nguyễn Thị Thanh (xóm 4, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, Nghệ An) dùng để miêu tả về cuộc sống trong 4 tháng xuất khẩu lao động tại Ả rập Saudi.
Ảnh nguồn Internet
Đến giờ phút được đoàn tụ bên gia đình, người thân, chị Thanh vẫn không thể giấu hết được vẻ bàng hoàng, sợ sệt.
Đầu tháng 12/2016, chị Thanh nhận được một lời đề nghị đi xuất khẩu lao động tại Ả rập Saudi từ một người đàn ông tên Hưng ở cùng quê. Theo lời giới thiệu của người này, chị Thanh đến văn phòng đại diện của Công ty CP Đầu tư và hợp tác quốc tế Nam Việt tại TP. Vinh, Nghệ An để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động.
Rất nhanh chóng, đến ngày 7/12/2016, chị Thanh đã chính thức ký kết hợp đồng đi xuất khẩu lao động với công ty này. 20 ngày sau, chị Thanh đã chính thức xuất cảnh sang làm việc tại Ả rập Saudi với công việc giúp việc gia đình. Nhưng kể từ đây, chị Thanh phải trải qua những ngày tháng sống lay lắt, tủi nhục và bị vắt kiệt sức lao động từ sáng sớm cho đến đêm khuya.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Chị Thanh kể: “Khi sang đến nơi, tôi được một người nhận về nhà làm giúp việc gia đình và chăm sóc một người gia. 3 ngày đầu tiên, mỗi ngày họ chỉ cho tôi ăn 2 chiếc bánh mì, không cho ăn cơm, tôi đói quá nên phải nhặt “cơm thừa canh cặn” để ăn. Chủ nhà còn không cho tôi tắm, lại còn liên tục chửi bới. Mỗi ngày tôi phải làm việc quần quật từ 14 – 16 tiếng, đến 2 – 3 sáng mới được đi ngủ… Tôi và nhiều chị em làm việc tại đây nhiều tháng trời vẫn không được gọi điện thoại về nhà. Ngoài việc phải lao động cực khổ, nhiều chị em trẻ còn bị chủ nhà sàm sỡ, nếu không chiều ý họ sẽ bị nhốt vào phòng kín, không cho ăn cơm.”
Xem thêm: Tỉnh táo với giấc mơ xuất khẩu lao động
Không thể chịu đựng nổi cảnh tượng này, chị Thanh và một số lao động người Việt tại đây đã phải “kêu cứu” với người môi giới của Công ty Nam Việt tại Ả rập Saudi, tuy nhiên điều họ nhận được chỉ là sự thờ ơ. May mắn sau đó, chị Thanh đã liên lạc được với người chồng ở quê. “Nghe vợ kể tôi xót quá, phải chạy vạy khắp nơi để vay 33 triệu nộp cho công ty Nam Việt để vợ tôi được về nước” – chồng chị Thanh cho biết.
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Sáng cũng là một người may mắn thoát được kiếp “địa ngục trần gian”. Chị kể, khi vừa sang đến nơi, chị bị chủ nhà tịch thu điện thoại, tư trang và tất cả số tiền mang theo bên người. Chị được chủ nhà sắp xếp cho một chỗ ngủ cạnh nhà vệ sinh và phải ăn thức ăn thừa. Mỗi ngày, chị bị chủ nhà đánh thức từ 5 giờ sáng và phải làm việc liên tục 16 tiếng. Chị xin chủ nhà gọi điện thoại về nhà nhưng không được. Sau một thời gian, do làm việc quá sức cộng với việc nhiều lần bị chủ nhà đánh đập nên chị họ ra máu. Chủ nhà cho rằng chị bị lao phổi nên nhốt vào một phòng riêng. Chủ nhà còn không trả tiền lương vì họ nói rằng đã mua chị từ công ty môi giới với giá 200 triệu đồng.
Ảnh nguồn Internet
Nhờ khoản tiền còn cất giấu được ở trong người khi mới sang, chị Sáng đã lén nhờ một tài xế taxi mua giúp 1 cái điện thoại và sim để gọi về con gái ở quê cầu cứu. Sau khi nhận được điện thoại của mẹ, con gái chị - Ngô Thị Ngọc Dung đã liên lạc với công ty Nam Việt và yêu cầu đưa mẹ chị về nước. Tuy nhiên, công ty này lại yêu cầu chị phải nộp 60 triệu đồng để đền hợp đồng. Khi chị Dung nói sẽ tố cáo lên cơ quan chức năng thì công ty này mới đồng ý đưa mẹ chị Dung về nước.
“Trước khi về nước, đại diện công ty ở Ả rập Saudi yêu cầu tôi phải xác nhận là không bị bạc đãi, đánh đập thì mới được cho về. Khi về Việt Nam, tôi có cảm giác như vừa chết đi sống lại. Hiện vẫn còn rất nhiều chị em ở Ả rập Saudi đang phải ở trong những hoàn cảnh lay lắt như vậy. Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để chị em sớm được trở về.” chị Nguyễn Thị Sáng cho biết.
Xem thêm: Cảnh giác với “cò” lừa đảo thi tiếng Hàn đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc
Ms. Công nhân