Lương tháng 13 là gì? Cách tính lương tháng 13 người lao động cần biết
30.12.2020 5794 vi.vothanh
Vào những dịp cuối năm - cận Tết, lương tháng 13 luôn là vấn về được nhiều người lao động quan tâm. Vậy lương tháng 13 là gì? Cách tính cụ thể như thế nào? Có phải doanh nghiệp nào cũng cần trả lương tháng 13 cho nhân viên hay không?
Lương tháng 13 không phải là khái niệm xa lạ với nhiều người, thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ lương tháng 13 là gì. Đừng bỏ qua thông tin hữu ích này nếu bạn là người đang làm việc cho các tổ chức, doanh nghiệp và hưởng lương hàng tháng.
► Lương tháng 13 là gì?
Lương tháng 13 là khoản tiền thưởng hàng năm doanh nghiệp dành cho người lao động để khích lệ tinh thần làm việc trong suốt một năm của nhân viên. Lương tháng 13 được xem như là một chế độ đãi ngộ phổ biến giúp doanh nghiệp thu hút ứng viên nộp hồ sơ ứng tuyển vào làm việc.
► Doanh nghiệp có bắt buộc phải chi trả lương tháng 13 cho NLĐ?
Trên thực tế, pháp luật không quy định cụ thể về việc doanh nghiệp có bắt buộc phải chi trả lương tháng 13 cho người lao động hay không. Và việc thực hiện cũng phụ thuộc vào thỏa thuận giữa cách bên, mức độ hoàn thành công việc của nhân viên và kết quả tình hình kinh doanh hàng năm. Cho nên nếu kết quả kinh doanh thua lỗ hay nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ thì người lao động có thể sẽ không được nhận lương tháng 13.
► Lương tháng 13 có phải thưởng Tết không?
Đúng ra thì lương tháng 13 sẽ được chi trả cho người lao động vào dịp cuối năm dương lịch. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp lại xem như thưởng tết và chi trả khoản tiền này cho nhân viên vào dịp trước Tết âm nên không ít người thường nhầm lẫn lương tháng 13 chính là tiền thưởng Tết. Bởi nhiều công ty hiện nay có cả tiền lương tháng 13 và thưởng tết riêng.
► Cách tính lương tháng 13 hiện nay
Cách tính lương tháng 13 sẽ tùy thuộc vào tiền lương cơ bản người lao động được nhận hàng tháng:
- Nếu làm đủ 12 tháng (đã bao gồm thời gian thử việc) - người lao động được nhận 1 tháng lương theo mức lương cơ bản tương đương.
- Nếu làm việc chưa đủ 12 tháng hay trong quá trình được tăng hay giảm lương - sẽ tính lương tháng 13 theo tỷ lệ tương ứng. Nếu tổng thời gian làm việc được 6 tháng thì NLĐ nhận được nửa tháng lương cơ bản.
► Lương tháng 13 có phải tính đóng bảo hiểm xã hội?
Theo quy định, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội không bao gồm các chế độ và phúc lợi như:
• Tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến
• Tiền ăn giữa ca
• Các khoản phụ cấp hỗ trợ nhà ở, xăng xe, đi lại, điện thoại, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ…
• Tiền hỗ trợ khi người lao động có thân nhân qua đời, có người thân kết hôn
• Tiền sinh nhật người lao động
• Tiền trợ cấp cho lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
• Các khoản hỗ trợ khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động…
Bên cạnh đó, trong công văn của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội trả lời ngân hàng Mizuho về việc xác định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, trong đó lương tháng 13 và tiền thưởng theo kết quả công việc hàng năm không phải là căn cứ để tính đóng bảo hiểm xã hội. Do vậy, có thể khẳng định rằng tiền lương tháng 13 của người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
► Lương tháng 13 có phải đóng thuế thu nhập cá nhân?
Tính chất của lương tháng 13 là khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công. Mà theo Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, tiền lương - tiền công và các khoản thu nhập có tính chất như tiền lương, tiền công chính là thu nhập chịu thuế. Cho nên với những lao động có thu nhập cao được hưởng lương tháng 13 sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Lương tháng 13 không phải là quy định bắt buộc mỗi doanh nghiệp phải thực hiện nhưng được xem như chế độ đãi ngộ cần có để thu hút nhân lực ở nhiều đơn vị. Đây cũng là phần thưởng xứng đáng cho những ai luôn nỗ lực hết mình vì công việc. Vậy nên, đừng bỏ qua chi tiết quan trọng này trong quá trình phỏng vấn, nhận việc để không phải hụt hẫng về sau.
Ms. Công nhân
Chế độ ốm đau và 5 thông tin hữu ích người lao động cần biết