Lý do khiến các tân kỹ sư thất bại khi phỏng vấn
10.03.2016 3308 haiyen.tran37
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao mình hoặc bạn bè không vượt qua nổi vòng phỏng vấn hay nộp hồ sơ nhưng không được gọi phỏng vấn chưa ? Lý do nhiều tân kỹ sư thất nghiệp là gì ? Thử điểm lại lý do mà nhiều kỹ sư mới ra trường không vượt qua nổi vòng phỏng vấn của các doanh nghiệp nhé !
Những hồ sơ sơ sài sẽ bị loại ngay lập tức
Có hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn hồ sơ cho một vài vị trí tuyển dụng. Vì vậy nhà tuyển dụng không thể gọi hết tất cả các ứng viên nộp hồ sơ đến tham dự phỏng vấn. Họ cần sàng lọc và thường chỉ để lại một số ít hồ sơ mà họ ưng ý.
Ngoài lý do bị loại do không đủ tiêu chuẩn về bằng cấp và kinh nghiệm thì còn nhiều lý do khác khiến nhà tuyển dụng không ngần ngại bỏ hồ sơ của bạn vào sọt rác. Như:
Hồ sơ không đủ theo yêu cầu của nhà tuyển dụng, có thể là những chi tiết không quan trọng. Nhưng điều này thể hiện việc bạn không có cố gắng trong việc hoàn thiện hồ sơ, có vẻ như bạn chưa thực sự cần và tâm huyết với công việc này. Nhiều bạn bao biện cho sự thiếu thót của mình rằng, “cái đó chưa cần thiết” hay “ chắc họ yêu cầu vậy chứ chưa cần đâu”…mà bạn không biết rằng bạn đang bỏ qua một cơ hội lớn của mình.
Ngoài ra hồ sơ viết chữ sơ sài, sai chính tả cũng có thể là một trong những hồ sơ bị loại đầu tiên. Chữ viết không đẹp không phải là vấn đề, nhưng cẩu thả trong công việc và thiếu tôn trọng người tuyển dụng thì lại là một vấn đề lớn đấy.
Đơn xin việc và CV viết theo kiểu đại trà để có thể gửi cho nhiều công ty một lúc cũng khiến nhà tuyển dụng mất đi thiện cảm. Vì mỗi nhà tuyển dụng lại có một yêu cầu riêng. Trong CV và đơn xin việc bạn cần chứng tỏ bạn có thể đáp ứng được như cầu đó của họ và là ứng viên triển vọng nhất cho vị trí họ đang tuyển dụng. Có như vậy bạn mới nhận được cuộc gọi mời phỏng vấn. Thật khó tin nhưng một số bạn ứng viên thậm chí không nhớ mình đã nộp hồ sơ vào những đơn vị nào, kết quả nộp rất nhiều hồ sơ những vẫn không thấy doanh nghiệp nào mới phỏng vấn.
Không chuẩn bị kỹ cho buổi phỏng vấn
Nhiều ứng viên sau khi nhận được cuộc gọi phỏng vấn hoàn toàn không có chuẩn bị gì cho ngày phỏng vấn hôm đó. Nhiều ứng viên thậm chí không nhớ nổi địa chỉ công ty và gọi điện hỏi nhà tuyển dụng. Điều này không chỉ làm mất thời gian của họ mà còn cho thấy bạn là một người thiếu trách nhiệm và chuyên nghiệp trong công việc. Không một nhà tuyển dụng nào muốn lựa chọn những ứng viên như vậy trừ khi bạn là một người tài năng vượt trội mà hàng ngàn người chỉ có một người.
Có ứng viên lại không tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp mà mình sẽ tham gia phỏng vấn, nên khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi về sự am hiểu đối với công việc và công ty thì họ hoàn toàn không trả lời được. Cái nhà tuyển dụng muốn không phải là làm khó bạn mà họ muốn biết bạn có thực sự hiểu công việc mà bạn ứng tuyển. Bạn không hiểu gì về công việc cũng không biết gì về công ty, vậy bạn ứng tuyển vào đã làm gì. Vì vậy hãy chịu khó tìm hiểu các thông tin dù là cơ bản nhất. Đọc lại các yêu cầu và mô tả công việc trên bản tin tuyển dụng. Đây là sự chuẩn bị chắc chắn sẽ không thừa cho một buổi phỏng vấn tốt đẹp đâu.
Nếu bạn nộp hồ sơ online tốt nhất nên chuẩn bị thêm một bộ hồ sơ bản cứng dù nhà tuyển dụng không yêu cầu. Điều này thể hiện sự chu đáo và chuyên nghiệp của bạn. Nếu bạn đi phỏng vấn mặc áo thun cổ tròn, đi dép lê, tay cầm mỗi chiếc smartphone thì đừng hỏi thêm về lý do thất nghiệp của bạn nữa. Bạn không cần ăn mặc quá đẹp và bảnh bao nhưng cần kín đáo và lịch sự. Bộ trang phục cũng đừng quá gò bó gây cảm giác khó chịu cho người đối diện. Cảm tình đối với nhà tuyển dụng là rất quan trọng, bạn hãy luôn nhớ điều này.
Kiến thức chuyên môn mập mờ
Các tân kỹ sư ra trường mải mê rải hồ sơ mà nhiều khi quên không ôn lại các kiến thức chuyên môn quan trọng. Nhiều ứng viên hầu như không trả lời được câu hỏi nào về phần chuyên môn của nhà tuyển dụng, hay trả lời bừa. Bạn không cần phải học thuộc như một cái máy hay hiểu hết tất cả mọi thứ. Nhưng ít ra bạn nên cho nhà tuyển dụng thấy bạn có nền tảng để họ đào tạo và bạn có khả năng học hỏi. Bạn hoàn toàn không biết gì về chuyên môn chứng tỏ bạn rất lười biếng trong học tập. Vậy làm sao họ dám trao cho bạn cơ hội ? Đừng vin vào lý do ra trường đi làm hoàn toàn khác với đi học để vứt bỏ hoàn toàn kiến thức, đó chỉ là lý do của những kẻ lười biếng, không chịu cố gằng mà thôi.
Giao tiếp kém
Nhiều bạn rất giỏi lý thuyết nhưng khi trả lời lại rất ấp úng, run sợ. Bạn hãy tự tin bởi lý do bạn cần công việc còn nhà tuyển dụng cần người tài năng. Không có lý do gì bạn phải sợ sệt. Nếu bạn nghe chưa rõ hoặc không hiểu câu hỏi của nhà tuyển dụng hãy khéo léo đề nghị họ nhắc lại thay vì trả lời bừa. Không một nhà tuyển dụng nào lại từ chối nhắc lại câu hỏi khi có lời đề nghị lịch sự từ ứng viên. Họ cũng không trừ điểm bạn vì điều này.
Kỹ năng liên quan quá kém
Ví dụ như ngoại ngữ, khả năng thuyết trình, trình bày vấn đề…Nếu công việc của bạn ứng tuyển bắt buộc phải có những kỹ năng này mà bạn lại không đáp ứng được bạn sẽ bị loại không thương tiếc. Vì vậy thay vì thời gian chơi game, xem phim, nhậu nhẹt bạn hãy cố gắng trao dồi kỹ năng mềm hơn nữa. Chăm chỉ tham gia nhiều hoạt động có ích, các câu lạc bộ, học thêm nhiều ngoại ngữ để tăng khả năng giao tiếp, phục vụ cho công việc của bạn sau này. Đừng tin vào vận may. Nhà tuyển dụng chỉ muốn tìm người làm được việc. Nếu bạn chứng tỏ bạn là người có ích cho doanh nghiệp, phù hợp với công việc thì không có lý do gì để họ từ chối bạn cả.