5 Kiểu Nhân Viên "Khó Chịu" Trong Doanh Nghiệp Và Nghệ Thuật Quản Lý Hiệu Quả Nhà Lãnh Đạo Cần Biết

02.01.2018 2785 trangthunb93

Bên cạnh những nhân viên hết mình vì công việc chung, không ít những cá thể có tính cách "nổi bật" không được lòng "quần chúng". Đó là những nhân viên tự kiêu, thụ động, nhiều chuyện, hay nổi giận và thích đổ lỗi. Vậy phải làm gì để quản lý có hiệu quả những "kiểu nhân viên" như thế này? Sa thải hay tiếp tục giữ lại? Cùng Tuyencongnhan.vn đi tìm lời giải!

các kiểu nhân viên khó chịu trong doanh nghiệp và nghệ thuật quản lý hiệu quả
Ảnh nguồn Internet

 

Dưới đây là 5 kiểu nhân viên khó chịu nhất trong doanh nghiệp và những hướng khắc phục được cho là hiệu quả mà Tiến sĩ Judith Orloff - giáo sư ngành Tâm thần học tại Đại học UCLA (Mỹ) đã chỉ ra.

Nhân viên tự kiêu

Đó là những nhân viên ngạo mạn, hay thổi phồng tầm quan trọng của mình trong sự phát triển chung của doanh nghiệp vì họ khao khát được mọi người chú ý đến và khen ngợi. Nhược điểm lớn nhất của kiểu nhân viên này là quá tự cao và không có sự đồng cảm với người khác; họ sẽ không quan tâm đến những gì người khác đang cảm thấy hay nói về mình và luôn cho đó là những lời đánh giá sai. Vì vậy, việc bạn nói thẳng với họ rằng việc làm của họ gây thiệt hại cho công ty hay làm người khác khó chịu sẽ chẳng mấy hiệu quả đối với những kiểu người này. 

Do đó, nếu muốn giữ họ lại và tạo điều kiện để họ cống hiến cho công việc, lãnh đạo doanh nghiệp phải đưa ra những lợi ích đi kèm với trách nhiệm, như một sự "ràng buộc" hợp lý và hiệu quả nhất để họ nỗ lực hết mình cho sự phát triển của công ty.

Nhân viên thụ động

Đó là kiểu nhân viên nhận việc nhưng không có hoặc chưa có khả năng hoàn thành bởi nhiều lý do như: không thể hoàn thành, không biết cách sắp xếp thời gian hoặc không có trách nhiệm với công việc được giao,... Họ có thể có nhiều điểm tốt nhưng tính cách thụ động đã khiến họ trở thành "kẻ không được việc" trong mắt lãnh đạo. Vậy làm thế nào để đối phó với kiểu nhân viên này? 

Hãy nói rõ những công việc bạn cần từ họ và đề ra thời hạn cụ thể để hoàn thành công việc đó. Đừng quên theo dõi và kiểm soát chặt chẽ tiến độ công việc của những nhân viên này nếu không muốn mọi thứ bị họ làm cho rối tung nhé! Chỉ cần đồng cảm, thúc đẩy và tạo điều kiện để họ thực hiện mọi thứ; đồng thời đặt kỳ vọng lên họ một cách rõ ràng, bạn sẽ hướng được họ theo đúng mặt tích cực mình muốn.

Tham khảo thêm: Nghệ thuật quản lý nhân sự lãnh đạo doanh nghiệp cần biết​

Nhân viên nhiều chuyện

Bất kể doanh nghiệp hay tổ chức nào cũng có những "thành phần" nhân viên thích buôn chuyện, nhất là môi trường văn phòng công sở. Tuy nhiên, nếu những nhân viên này thường xuyên nói xấu cấp trên, đồng nghiệp hay than thở về công việc được giao và có tác động gây ra mâu thuẫn nội bộ thì điều đó trở thành hành vi phá hoại và cần được giải quyết triệt để. 

Bất kể tin đồn nào cũng đều có căn cứ nguyên do của nó. Nếu gây hại và ảnh hưởng trực tiếp đến người/ việc được nhắc tới, hãy tìm hiểu nguyên nhân và nguồn phát thông tin đó để có hướng giải quyết kịp thời, hợp lý. Tốt nhất nên gọi riêng nhân viên "nhiều chuyện" này vào nói chuyện trực tiếp, tìm hiểu nguyên nhân, phân tích - đánh giá vấn đề để đưa ra giải pháp xử lý. Mặt khác, những người có xu hướng thích nhiều chuyện lại có kỹ năng giao tiếp và làm việc với người khác khá tốt. Vì vậy, thay vì "nhắm mắt cho qua", hãy phân công cho họ một công việc phù hợp (bán hàng chẳng hạn) để họ phát huy tối đa "năng lực" của bản thân. 

các kiểu nhân viên khó chịu trong doanh nghiệp và nghệ thuật quản lý hiệu quả
Ảnh nguồn Internet

Nhân viên hay nổi giận

Những nhân viên ở cấp quản lý, lãnh đạo, thậm chí nhân viên văn phòng bình thường hay giải tỏa sự căng thẳng, bực bội của bản thân bằng cách lớn tiếng la mắng cấp dưới hoặc buộc tội đồng nghiệp về những hành động xấu của họ tại nơi làm việc một cách vô tội vạ trong khi mọi chuyện hoàn toàn có thể ngồi xuống trao đổi và giải quyết đơn giản. Những cơn giận vô căn cứ có thể phá hủy tâm trạng tích cực cũng như các mối quan hệ tốt đẹp tại nơi làm việc. Vậy làm gì để quản lý kiểu nhân viên này?

Hãy trò chuyện trực tiếp với họ về những vấn đề mà họ đang gặp phải, nhìn nhận, phân tích và giải thích những mặt không có lợi của vấn đề cho họ hiểu - tạo điều kiện để những nhân viên nóng tính được tư vấn tâm lý định kỳ và giúp dạy họ cách kiểm soát cảm xúc một cách hiệu quả nhất.

Nhân viên thích đổ lỗi

Đó là kiểu nhân viên không bao giờ biết chịu trách nhiệm và nhận lấy lỗi do mình gây ra. Họ tự mặc định và đổ lỗi cho những người khác và cho rằng sự việc xảy ra không phải do lỗi của mình và tự động quy trách nhiệm cho người khác. Đa phần những nhân viên này rất yếu kỹ năng giao tiếp và thường không quan tâm đến cảm nhận của người khác.

Để đối phó với kiểu nhân viên này, bạn cần chỉ rõ những lỗi sai cụ thể của họ; phân tích, lập luận để chỉ ra những lời nhận xét và quan điểm của họ là sai và có thể ảnh hướng xấu đến đồng nghiệp hoặc công ty. Bên cạnh đó, hãy thử đưa ra những câu hỏi như một lời đề nghị rằng "Tôi nghĩ anh/ chị nên làm cách này sẽ hiệu quả hơn", "Anh/ chị nghĩ nên làm thế nào?" hay "Anh/ chị có ý tưởng gì cho việc...không?" để họ có sự lựa chọn và đưa ra những nhận định, suy nghĩ của mình và tự chịu trách nhiệm cho điều đó thay vì chỉ chỉ đạo "Anh/ chị phải làm thế này!". Hãy giao cho họ những công việc độc lập thích hợp cho một người làm, không nên đưa họ vào nhóm vì rất dễ gây mâu thuẫn, bất đồng và chia rẽ.

Là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, bạn nên biết những bí quyết quản trị nhân sự không chỉ trong tìm kiếm, phát hiện nhân tài mà còn phải biết cách giữ chân và đào tạo họ một cách khoa học, có hiệu quả. Chỉ khi bộ máy nhân sự nội bộ ổn định thì doanh nghiệp đó mới thực sự phát triển nhanh. Tìm được nhân tài đã khó, giữ chân và phát triển họ lại càng khó hơn. Vì vậy, trước khi ra quyết định cuối cùng, hãy thử nỗ lực để giúp những nhân viên "khó chịu" trên thích ứng với văn hóa công ty. Thay vì cứng nhắc áp dụng các quy định khô khan, hãy thử sử dụng vài cách mềm dẻo, khéo léo hơn để hướng họ theo cách có lợi cho chính họ, cho đồng nghiệp và cho cả công ty.

Xem thêm: Những cách tạo động lực cho nhân viên bạn cần biết

Ms. Công nhân

4.2 (412 đánh giá)
5 Kiểu Nhân Viên "Khó Chịu" Trong Doanh Nghiệp Và Nghệ Thuật Quản Lý Hiệu Quả Nhà Lãnh Đạo Cần Biết 5 Kiểu Nhân Viên

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Doanh nghiệp chán nản vì ý thức lao động quá kém của công nhân.

Doanh nghiệp chán nản vì ý thức lao động quá kém của công nhân.

Công nhân Việt Nam đang lao động trong và ngoài nước vẫn luôn được đánh giá là lực lượng người lao động cần cù, chịu khó, ham học hỏi. Nhưng có một đi...

26.07.2023 3315

Quỹ lương là gì? Quy trình xây dựng quỹ lương giữ chân nhân sự

Quỹ lương là gì? Quy trình xây dựng quỹ lương giữ chân nhân sự

Thu nhập là điều bất kỳ người lao động nào cũng quan tâm khi làm việc ở nhà máy, xí nghiệp nào. Vì thế, doanh nghiệp phải biết cách giữ chân nhân sự g...

04.01.2023 642

3 vấn đề nhân viên làm việc lâu năm thường gặp phải

3 vấn đề nhân viên làm việc lâu năm thường gặp phải

Các doanh nghiệp luôn có những nhân viên trung thành, gắn bó với công ty lâu dài. Nhưng không phải người quản lý nào cũng để ý đến những vấn đề mà nhâ...

20.09.2022 7540

Nguyên tắc smart là gì? Áp dụng nguyên tắc smart vào tuyển dụng và đời sống công nhân thế nào cho hiệu quả?

Nguyên tắc smart là gì? Áp dụng nguyên tắc smart vào tuyển dụng và đời sống...

Bạn đã bao giờ nghe đến nguyên tắc SMART? Bạn có biết nguyên tắc SMART là gì? Nó có vai trò gì trong nghệ thuật quản lý mục tiêu và quỹ thời gian? Đối...

29.08.2022 51102