NLĐ không phải trả phí môi giới khi sang Thái Lan làm việc
12.09.2017 1768 hongthuy95
Thông tin người lao động (NLĐ) không phải trả phí môi giới khi sang Thái Lan làm việc vừa được Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội (LĐ – TB & XH) hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) và các đơn vị sự nghiệp triển khai thực hiện tuyển dụng lao động. Theo đó, 2 ngành nghề không phải trả phí môi giới là xây dựng và đánh bắt cá.
Hướng dẫn này nằm trong nhiệm vụ triển khai thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác về lao động và Thỏa thuận tuyển dụng lao động giữa 2 nước do Bộ Lao động Thái Lan và Bộ LĐ – TB & XH Việt Nam ký kết trước đây.
Tìm hiểu thêm: Lao động Việt Nam đua nhau sang Thái Lan tìm việc
Theo đó, người sử dụng lao động (NSDLĐ) Thái Lan nộp đơn xin tuyển dụng lao động nước ngoài lên Văn phòng Việc làm tỉnh với các thông tin gồm: số người cần tuyển, yêu cầu đối với lao động, điều kiện việc làm, mức lương/thu nhập hàng tháng, hợp đồng lao động (HĐLĐ) mẫu sẽ ký với NLĐ Việt Nam. Văn phòng Việc làm tỉnh xem xét và cấp phép, rồi chuyển trực tiếp các giấy tờ trên cho cơ quan phái cử Việt Nam hoặc được quyền gián tiếp thông qua công ty môi giới Thái Lan.
Cơ quan phái cử nộp đơn đăng ký hợp đồng lên Cục Quản lý lao động ngoài nước. Sau khi được Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp nhận, xem xét và chấp thuận, cơ quan phái cử Việt Nam đăng tuyển thông tin tìm lao động và gửi danh sách NLĐ cho NSDLĐ Thái Lan hoặc công ty môi giới Thái Lan để lựa chọn.
Được biết, NLĐ sẽ không phải trả phí môi giới, khoản tiền này sẽ do NSDLĐ Thái Lan trả cho công ty môi giới. Ngoài ra, vé máy bay cho NLĐ từ Việt Nam sang Thái Lan khi bắt đầu hợp đồng và từ Thái Lan về Việt Nam khi hoàn thành hợp đồng sẽ do NSDLĐ Thái Lan chi trả. Trường hợp NLĐ đi làm việc tại Thái Lan qua Trung tâm Lao động ngoài nước thì chi phí hành chính phải nộp là 250 USD/người/hợp đồng (tương đương khoảng 5.681.500 đồng).
Thái Lan là thị trường lao động khá được ưa chuộng của NLĐ Việt Nam những năm gần đây vì mức lương khá tốt, chi phí đi lại và xuất cảnh lại thấp. Theo thống kê thì hiện có khoảng 50.000 người Việt Nam lao động tự do ở “xứ sở chùa vàng”. Lao động Việt Nam tại Thái Lan làm việc trong các ngành nghề như phục vụ nhà hàng, khách sạn, giúp việc gia đình, bán hàng thuê, bốc vác, xây dựng, đánh bắt cá,…
Ms. Công nhân