Lao động Việt Nam đua nhau sang Thái Lan tìm việc
08.05.2016 5076 haiyen.tran37
Thị trường lao động Thái Lan đang cần nhiều lao động phổ thông. Với mức lương khá tốt, chi phí đi lại và xuất cảnh thấp. Nhiều người dân tại các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa…tìm cách sang Thái Lan làm việc.
Hàng chục ngàn người sang Thái Lan làm việc trong 4 tháng đầu năm 2016.
Từ đầu năm đến nay đã có hàng chục ngàn người lao động xuất cảnh sang Thái Lan làm việc theo diện visa du lịch. Họ chủ yếu đi theo hình thức tự phát. Một người trong làng tìm được nơi làm việc tốt, thu nhập ổn định sẽ dắt bà con, họ sang Thái Lan làm việc cùng.
Hiện nay có nhiều huyện ở Hà Tĩnh đã có trên ngàn lao động đang làm việc tại Thái Lan. Như huyện Can Lộc gần 4000 người, huyện Thạch Hà 2500 người, huyện Lộc Hà 2000 người, huyện Cẩm Xuyên 1000 người.
Có một điều không thể phủ nhận là nhờ có nhiều lao động sang làm việc tại Thái Lan mà đời sống của bà con nhiều xã trong tỉnh Hà Tĩnh đã được cải thiện rõ rệt. Từ cuộc sống nghèo khó, phải lo cơm ăn từng bữa giờ họ đã có nhà ngói khang trang. Nhiều nhà xây được nhà cao tầng, mua được ô tô. Không chỉ Hà Tĩnh mà nhiều lao động tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị cũng sang Thái Lan làm việc để cải thiện đời sống khó khăn ở làng quê.
Mức lương khá, chi phí xuất cảnh thấp.
Mức lương trung bình của người lao động phổ thông tại Thái Lan là khoảng 8 đến 10 triệu đồng. Với những người có tay nghề tốt thì lương có thể cao gấp đôi hoặc gấp rưỡi thu nhập này cao hơn thu nhập bình quân của công nhân tại Việt Nam khá nhiều nên nhiều người xin cấp visa sang Thái Lan tìm việc.
Họ thường đến cửa khẩu xin cấp visa du lịch hoặc visa lao động ngắn hạn ( 28 ngày ). Chi phí xin cấp visa là 70 USD. Từ Hà Tĩnh qua Lào rồi sang cửa khẩu Thái Lan chỉ mất khoảng một ngày di chuyển bằng ô tô. Tổng chi phí để một người Việt sang Thái Lan làm việc mất khoảng 10 triệu đồng.
Lao động Việt Nam tại Thái Lan chủ yếu làm các công việc như bồi bàn, bán hàng, giúp việc gia đình, đánh cá, hoặc làm việc trong các công ty may mặc…
Tuy nhiên theo ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, người lao động Việt Nam sang Thái Lan làm việc theo diện tự do, bất hợp pháp nên các cơ quan chức năng không thể quản lý. Nếu xảy ra rủi ro, chính quyền địa phương và đại sứ quán cũng rất khó can thiệp, hỗ trợ cho người lao động.
Đưa lao động Việt Nam sang Thái Lan làm việc vào diện hợp pháp.
Trước tình trạng lao động Việt Nam di cư tự do sang Thái Lan quá đông, ngày 23-7-2015, đại diện chính phủ 2 nước, Bộ Lao động Thái Lan và Bộ Lao động – Thương Binh và Xã Hội Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về lao động và Thỏa thuận tuyển dụng lao động giữa 2 nước.
Theo thỏa thuận đã được ký kết, những lao động bất hợp pháp của Việt Nam nhập cảnh Thái Lan trước ngày 10-2-2016 sẽ được cấp giấy phép lao động thời hạn một năm. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp Thái Lan được kết hợp với các đơn vị sự nghiêp và các trung tâm giới thiệu việc làm tại Việt Nam tuyển dụng lao động hợp pháp. Đặc biệt là lao động cho hai ngành xây dựng và đánh bắt cá tại Thái Lan.
Hi vọng rằng với sự hỗ trợ của chính phủ cả hai nước, các cơ quan và doanh nghiệp người lao động Việt Nam có thể sang lao động tại Thái Lan một cách hợp pháp. Từ đó họ có thể có được nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình, góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế địa phương.
Ms: Smile