Cung cầu lao động vẫn lệch pha
02.03.2023 520 doantrangbc
Trong lúc rất nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam cơ cấu lại lao động do gặp khó khăn về đơn hàng thì một số doanh nghiệp ở các tỉnh lại tuyển không ra lao động.
Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính từ tháng 9-2022 đến hết tháng 1-2023, cả nước có khoảng 1.300 doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về đơn hàng phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động (NLĐ). Trong đó, giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người; chấm dứt hợp đồng lao động với 48.623 người. Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các DN vốn đầu tư nước ngoài, tập trung trong 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ và chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như: TP HCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang…
Khan hiếm lao động có tay nghề
Ông Hoàng Trọng Vinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Lâm Đồng, cho biết hiện hàng trăm DN trên địa bàn tỉnh đang thiếu lao động trầm trọng. Trung tâm đã nhận được đăng ký tuyển dụng của 145 DN, đơn vị với hơn 1.000 vị trí việc làm, từ lao động phổ thông đến có chuyên môn cho các nhóm ngành như dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, may mặc... Nhu cầu sử dụng lao động phổ thông chiếm khoảng 60%, còn lại là lao động qua đào tạo.
Các DN đã đặt ra mức lương và đãi ngộ cao so với mặt bằng chung nhưng đến nay vẫn khó tìm được NLĐ phù hợp, nhất là các nhóm ngành đòi hỏi có trình độ chuyên môn như kỹ sư nông nghiệp, quản lý kinh doanh dịch vụ, vận hành thiết bị máy móc... Theo ông Vinh, việc thị trường lao động của tỉnh hiện nay cung chưa đủ đáp ứng nhu cầu có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu đồng bộ và kết nối giữa các cơ quan, ban ngành ngay từ ban đầu khi thu hút nhà đầu tư vào các dự án.
Trong lúc nhiều DN tại TP HCM cơ cấu lại lao động do gặp khó khăn về đơn hàng, một số DN ở các tỉnh đã vào TP HCM tuyển lao động, nhất là lao động có tay nghề. Đơn cử như Công ty TNHH May mặc Leading Star Thanh Hóa (có nhà máy đặt tại KCN Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa), treo thông tin tuyển dụng CN may và CN học may ở Quốc lộ 13, khu vực tiếp giáp Bình Dương - TP HCM. Được biết, hiện DN đang cần tuyển 3.000 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh. Với số lượng lớn sẽ khó tuyển dụng đủ ở địa phương nên đã rao tuyển thêm tại TP HCM, nơi có nhiều lao động bị mất việc do các DN giảm đơn hàng.
Đẩy mạnh kết nối
Mới đây, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai đã tổ chức sàn giao dịch việc làm lần thứ nhất nhằm kết nối tuyển dụng, tìm việc làm cho NLĐ trên địa bàn tỉnh. 25 DN đã đến với sàn giao dịch việc làm để tuyển khoảng 800 lao động nhưng số lượng lao động đến với sàn rất ít.
Bà Trần Thị Thùy Trâm, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Đồng Nai, cho biết từ đầu năm đến nay, nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn tỉnh là khoảng 6.000 lao động, trong đó các DN cần tuyển khoảng 4.000 lao động phổ thông, thấp hơn rất nhiều so với những năm trước. Tuy vậy, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc, giày da, đồ gỗ... vẫn có nhu cầu tuyển dụng từ 200 đến 500 lao động phổ thông.
"Nhu cầu tuyển lao động phổ thông chiếm phần lớn, song số lượng lao động này tham gia tìm việc tại sàn lại rất ít. Do vậy, nhiều DN đã không tuyển được lao động như kỳ vọng. Chúng tôi đang cố gắng kết nối việc làm cho NLĐ, đặc biệt là những lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm tại các huyện, thành phố có nhiều DN hoạt động để DN và NLĐ gặp gỡ, phỏng vấn và tuyển dụng" - bà Trâm nói.
Nhiều doanh nghiệp tại phía Bắc gặp phải tình trạng khan hiếm lao động, họ mong muốn được kết nối với những lao động bị mất việc tại TP HCM, kể cả những lao động không thường trú ở miền Bắc. Ngoài mức lương ổn định người lao động sẽ hỗ trợ chỗ ở và bảo đảm đầy đủ các chế độ đãi ngộ.
Ms. Công nhân (Báo NLĐ)