Phạt nguội là gì? Lái xe bị phạt nguội khi nào?
15.03.2021 2025 hongthuy95
Bạn đang hành nghề lái xe và đã có ít nhất 1 lần nghe qua từ “phạt nguội”. Vậy bạn có biết phạt nguội là gì? Lái xe sẽ bị phạt nguội khi nào? Nếu chưa có nhiều thông tin, hãy để Vieclamnhamay.vn giúp bạn giải đáp

Phạt nguội là một trong những hình thức xử phạt được áp dụng phổ biến và có hiệu quả về những lỗi vi phạm của các lái xe khi tham gia giao thông trên đường, nhất là đường cao tốc. Người bị thổi phạt sẽ được gửi thông báo đến tận nơi ở để yêu cầu đến cơ quan chức năng nộp phạt. Vậy phạt nguội là gì?
Phạt nguội là gì?
Phạt nguội là hình thức xử phạt đối với các trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ được phát hiện thông qua hệ thống camera giám sát lắp trên các tuyến đường cao tốc hay tại một số ngã tư là trọng điểm giao thông. Khi phát hiện hành vi vi phạm, hệ thống sẽ tự động cập nhật các dữ liệu có liên quan về trung tâm xử lý để xác định chủ xe là ai, địa chỉ ở đâu, có đăng ký xe hay không, vi phạm lần đầu hay tái phạm…; từ đó, tiến hành in hình ảnh, truy xuất thông tin người và xe vi phạm rồi gửi thông báo đến các đối tượng vi phạm yêu cầu đến trung tâm để nộp phạt.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, cơ quan chức năng cũng áp dụng hình thức phạt nguội từ hình ảnh hay video, là bằng chứng thuyết phục, do người dân gửi về hoặc đăng tải lên mạng xã hội.
Thông thường, sẽ có 2 hình thức xử lý vi phạm:
- Một là xử phạt trực tiếp, tức lái xe sẽ bị các cán bộ thuộc tổ CSGT làm nhiệm vụ thổi phạt khi phát hiện vi phạm (tự phát hiện hoặc được cán bộ tại trung tâm điều hành thông báo) và xử lý trực tiếp ngay tại địa điểm vi phạm.
- Hai là phạt nguội, tức trường hợp lực lượng CSGT chưa xử lý kịp những hành vi vi phạm được ghi nhận qua hệ thống thì lỗi vi phạm này sẽ được báo về trung tâm để cán bộ trung tâm soạn thảo văn bản thông báo kèm theo hình ảnh liên quan đến địa chỉ của người vi phạm để người vi phạm biết và đến cơ quan chức năng nộp phạt theo quy định.
Như vậy, hiểu một cách đơn giản, phạt nguội là việc xử phạt các lỗi vi phạm giao thông sau khi người vi phạm đã thực hiện hành vi vi phạm đó được một thời gian trước đó rồi chứ không phải là bị xử lý trực tiếp ngay tại địa điểm vi phạm.

Lái xe bị phạt nguội khi nào?
Khi có bất kỳ hành vi nào vi phạm Luật giao thông đường bộ được camera giám sát ghi nhận và báo về hệ thống; đồng thời, khi lực lượng CSGT chưa thể xử lý trực tiếp ngay tại địa điểm vi phạm mà phải gửi thông báo vi phạm đến người vi phạm để xử lý sau thời điểm vi phạm.
Cụ thể, hành vi vi phạm bị xử lý phạt nguội qua hình ảnh thì camera ghi hình để phạt nguội khi trích xuất phải đảm bảo cung cấp đầy đủ 4 yếu tố pháp lý gồm: ghi lại được không gian – thời gian vi phạm – lỗi vi phạm – biển số đăng ký của phương tiện vi phạm.
Có nên phạt nguội hay không?
Nhiều người, nhất là người tham gia giao thông, tỏ ra không đồng tình về chuyện phạt nguội. Bởi họ cho rằng có thể có sai sót, vì sai phạm được thông báo và quy định lỗi đến tận nơi thay vì xử lý tại chỗ khi họ vi phạm, như thế chẳng khác nào đưa mọi chuyện vào thế đã rồi, họ sẽ không thể biện minh hay giải thích, chứng minh mình không vi phạm Luật. Tuy nhiên, số khác lại tỏ ý đồng tình. Nhờ phạt nguội mà người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành Luật hơn, dù ở đó có CSGT giám sát hay không; từ đó giảm thiểu tai nạn không mong muốn như va quẹt, té ngã, va chạm mạnh...
Vi phạm lỗi gì thì bị phạt nguội và mức phạt cụ thể ra sao?
Tùy vào từng lỗi vi phạm mà mức phạt sẽ cao - thấp tương ứng. Cụ thể:
STT |
Hành vi vi phạm |
Mức phạt |
01 |
Chuyển làn không xi nhan, không có tín hiệu báo trước |
400.000 - 600.000 đồng 3 - 5 triệu đồng nếu vi phạm trên đường cao tốc |
02 |
Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng sẽ rẽ |
800.000 - 1 triệu đồng |
03 |
Vượt đèn đỏ, đèn vàng |
3 - 5 triệu đồng |
04 |
Đi sai làn |
3 - 5 triệu đồng |
05 |
Đi ngược chiều ở đường 1 chiều hoặc đường có biển cấm đi ngược chiều |
3 - 5 triệu đồng |
06 |
Đi vào làn đường có biển cấm phương tiện đang điều khiển |
1 - 2 triệu đồng |
07 |
Điều khiển xe chạy quá tốc độ |
800.000 - 1 triệu nếu quá từ 5 - <10km/h 3 - 5 triệu đồng nếu quá từ 10-20km/h |
Quy trình xử lý phạt nguội thế nào?
Quy trình xử lý một hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ phải bị phạt nguội được thực hiện theo trình tự cụ thể như sau:
- CSGT mặc thường phục hoặc sắc phục đi ghi hình các xe vi phạm trên đường – cùng với đó, CSGT đang làm nhiệm vụ cũng sẽ phát hiện lỗi vi phạm thông qua hệ thống giám sát tự động (camera hoặc máy đo tốc độ) hiện có trên tuyến đường phụ trách
- Những hình ảnh do CSGT ghi hình được và hình ảnh từ hệ thống camera sẽ được đưa về phòng trích xuất dữ liệu
- CSGT sẽ in ra các thông báo vi phạm kèm hình ảnh để gửi về Công an phường, xã trên địa bàn tương ứng – Công an địa phương sẽ chuyển thông báo đến chủ phương tiện và mời họ lên đồn công an để nộp phạt
- Trường hợp chủ phương tiện không tự nguyện đóng phạt, CSGT sẽ thiết lập phần mềm tra cứu phương tiện vi phạm được tích hợp vào phần mềm xử lý hành chính tại các đơn vị mặt đường – khi phương tiện vi phạm và bị chặn lại xử lý, CSGT sẽ nhập biển số xe vào phần mềm, lúc này, phần mềm sẽ thông báo dữ liệu để CSGT biết phương tiện đó có vi phạm qua hình ảnh trước đó hay không, nếu có sẽ in ra thông báo và yêu cầu người vi phạm nộp phạt.

Làm thế nào để lái xe tra cứu mình có bị phạt nguội hay không?
Lái xe hoàn toàn có thể tự kiểm tra xem mình có vi phạm lỗi và bị xử lý phạt nguội hay không bằng cách truy cập vào website của Cục Đăng kiểm Việt Nam và làm theo hướng dẫn.
>>> Chi tiết các bước tra cứu phạt nguội, xem tại đây:
Việt Nam có nên áp dụng phạt nguội không?
Được biết, hệ thống được thiết kế hoàn toàn tự động, ghi nhận lại hình ảnh về tình hình giao thông 24/24h, kể cả trong điều kiện thời tiết bất lợi. Khi phát hiện có phương tiện vi phạm Luật giao thông đường bộ, hệ thống sẽ ghi lại hình ảnh vi phạm thỏa mãn 4 yếu tố trên và thông báo về trung tâm xử lý. Do đó, việc can thiệp để làm nhũng nhiễu, sai lệch là điều không thể; kể cả những cá nhân điều khiển xe mang biển xanh, biển đỏ.
Tuy nhiên, điểm hạn chế ở đây lại nằm ở vấn đề xe chính chủ hay không. Việc người này mượn xe người khác rồi vi phạm nhưng văn bản xử lý phạt nguội lại gửi về chủ sở hữu (người đăng ký xe) là kết quả không chính xác. Vì vậy, để không bị mất tiền oan, bất kể trường hợp bán xe nào đều phải được sang tên đổi chủ. Ngoài ra, hệ thống camera cần đảm bảo ghi lại được hình ảnh người điều khiển để xử lý đúng người đúng tội.

Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp giải đáp thắc mắc về phạt nguội là gì, lái xe bị phạt nguội khi nào, các lỗi vi phạm bị phạt nguội và mức phạt cụ thể… để những lái xe mới vào nghề hay ứng viên tìm việc lái xe hiểu rõ và chi tiết về 1 trong 2 hình thức xử lý vi phạm đang được áp dụng hiện nay; nêu cao ý thức khi tham gia giao thông, tuyệt đối tránh vi phạm để không phải nhận bất kỳ văn bản hay biên lai nộp phạt nào.
Ms. Công nhân