Phiên dịch viên nên làm gì khi gặp phải diễn giả nói quá nhanh?
07.11.2018 2570 hongthuy95
Đây là một trong những tình huống mà các phiên dịch viên thường xuyên gặp phải, nhất là phiên dịch mới vào nghề. Khi đó, bạn làm gì? Bỏ qua những đoạn không nghe được và im lặng một lúc? Hay dịch bừa một câu/ đoạn gì đấy mà bạn nghĩ sẽ có thể đúng?... Mọi lời dịch không chuẩn xác có thể để lại những hậu quả không ngờ đến. Vậy phiên dịch viên nên làm gì khi gặp phải trường hợp này?

Diễn giả nói quá nhanh khi nào?
Trong một số trường hợp, vì một lý do nào đó mà diễn giả (khách hàng) nói rất nhanh khiến bạn nghe hoặc dịch theo không kịp. Đó có thể là:
-
Thói quen của người đó luôn nói nhanh như thế
-
Do quá run khi đứng trước đám đông hay trình bày trong một sự kiện quan trọng khiến họ mất bình tĩnh và nói nhanh không kiểm soát
-
Đột nhiên đẩy nhanh tốc độ nói khi bắt được mạch cảm xúc, cần nhấn mạnh cho người nghe hoặc bộc lộ quan điểm cá nhân sâu sắc khiến họ say sưa nói mà không biết rằng tốc độ nói của họ hiện tại đang rất nhanh...
Dù tình huống xảy ra trong trường hợp nào thì với tư cách là một phiên dịch viên, nhiệm vụ của bạn là đảm bảo mang đến cho người nghe bản dịch chuẩn nhất, thể hiện đúng - đủ nội dung và ý nghĩa mà diễn giả muốn truyền đạt.
Khi gặp phải diễn giả nói quá nhanh, phiên dịch viên nên làm gì?
#1. Ra hiệu cho diễn giả nói chậm lại
Thông thường, trước khi bắt đầu buổi dịch, phiên dịch viên và diễn giả (khách hàng) sẽ có vài phút gặp nhau để thảo luận và thống nhất một lần nữa về nội dung và cách dịch. Lúc này, phiên dịch viên có thể thỏa thuận với diễn giả về tốc độ nói hay độ dài của bài nói (đối với dịch đuổi). Nếu có thể, hãy thống nhất “ám hiệu” để có thể ra dấu nhắc nhở diễn giả nói chậm lại khi cần thiết. Một diễn giả cầu toàn và thân thiện chắc chắn sẽ đồng ý và sẵn sàng hợp tác với giải pháp tối ưu nhất có thể mà bạn đưa ra.

#2. Tăng tốc độ dịch
Khi mà giải pháp 1 vô hiệu. Nếu muốn đảm bảo chất lượng bản dịch, phiên dịch viên chỉ còn cách tăng tốc độ dịch của mình lên; tức là bạn phải dịch nhanh hơn bình thường gấp 2, thậm chí gấp 3 lần mới có thể đảm bảo không bỏ sót thông tin. Tuy nhiên, để làm được điều này, người phiên dịch không những phải vững kiến thức chuyên môn, chuyên ngành; phong phú vốn từ, ngữ pháp vững mà còn phải phản xạ cực nhanh, phát âm chuẩn để người nghe không cảm thấy khó chịu vì sự dồn dập của thông tin.
#3. Dịch tóm tắt ý
Yêu cầu công việc của phiên dịch viên là dịch đúng và dịch đủ tất cả các thông tin mà diễn giả đề cập. Tuy nhiên, đó không phải là dịch từ ra từ hay dịch toàn bộ lời nói của ngôn ngữ nguồn. Vì đôi khi, có những từ, câu không thật sự liên quan hoặc quá quan trọng với nội dung bài nói; rằng không có nó cũng không làm thay đổi ý nghĩa của câu. Khi đó, để đảm bảo chất lượng bản dịch, nếu gặp những diễn giả nói quá nhanh và có quá nhiều thông tin dư thừa, hãy chỉ dịch tóm tắt ý. Cách làm này không chỉ đảm bảo truyền đạt đủ nội dung chính mà còn khiến bản dịch được cô đọng, xúc tích và dễ hiểu hơn “bản gốc”.

Với những thông tin được Vieclamnhamay.vn chia sẻ trên đây hy vọng sẽ giúp phiên dịch viên mới vào nghề xử lý được tình huống diễn giả nói quá nhanh. Ứng viên tìm việc phiên dịch cũng cần nắm bắt những kinh nghiệm xử lý tình huống hữu ích như thế này để áp dụng vào thực tế khi gặp phải tai nạn nghề nghiệp trong tương lai.
Ms. Công nhân