Sai lầm của sếp làm nhụt chí nhân viên
12.04.2016 3954 haiyen.tran37
Có nhiều vị sếp mắc phải sai lầm khi quản lý và sử dụng nguồn nhân lực. Nếu bạn không thể khích lệ được tinh thần làm việc cũng như gắn kết nhân viên với doanh nghiệp của mình, ít ra đừng làm họ nhụt chí bằng những hành động dưới đây.
Chì chiết nhân viên với những sai phạm nhỏ.
Ai cũng mắc phải sai lầm trong công việc. Khiển trách nhân viên là điều cần thiết để họ rút kinh nghiệm làm việc tốt hơn. Nhưng những vị sếp chì chiết nhân viên khi gặp bất cứ lối nào sẽ khiến nhân viên sớm nhụt chí, bỏ chạy khỏi doanh nghiệp chỉ là chuyện một sớm một chiều mà thôi.
Quát mắng, chê bai quá nhiều chỉ khiến nhân viên nhụt chí làm việc. Họ sẽ không muốn làm thử những cái mới, khám phá ra nhiều ý tưởng, nhiều cách làm việc khác nhau bởi họ sợ sai, sợ bị sếp phạt, bị sếp la mắng. Mặt khác họ dần chai lì cảm xúc làm việc, chỉ làm việc đủ giờ để lĩnh lương thay vì phấn đầu cố gắng vì mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Chưa kể sếp chỉ quát mắng một nhân viên nhưng lại ảnh hưởng đến không khí làm việc của cả một văn phòng. Không khí làm việc không vui vẻ thì nhân viên không làm việc tốt được. Ngoài ra việc sếp thường xuyên chì chiết nhân viên vô tình tạo nên sự thiếu tôn trọng ở nhân viên dành cho sếp. Khi đó các quyết định của sếp sẽ không được nhân viên hưởng ứng. Họ cũng chỉ thực hiện mệnh lệnh một cách qua loa cho có lệ mà thôi.
Chuyên gia vùi dập ý tưởng.
Một vị sếp luôn vùi dập những ý tưởng mới của nhân viên, cho rằng những ý tưởng mới luôn dở hơi, dở hơn những ý tưởng cũ, nhất là khi khuôn ý tưởng cũ ấy là do sếp đặt ra là một vị sếp làm nhân viên nhụt chí nhanh nhất.
Chúng ta luôn phải có tinh thần cởi mở, đón nhận những cái mới. Cho dù những cái mới đó chưa hoàn hảo nhưng nếu có thể sửa chữa thành một phương án tốt thì tại sao lại từ bỏ nó. Hãy dẹp bỏ cái tôi cá nhân vì mục tiêu chung. Sếp chỉ vì mục tiêu của riêng mình thử hỏi làm sao nhân viên dưới quyền có thể vì lợi ích chung của doanh nghiệp được.
Sau vì lần bị sếp vùi dập ý tưởng sẽ không một nhân viên nào muốn suy nghĩ, tiếp tục cho ra ý tưởng mới nữa. Thời gian về sau họ có thể tìm những công ty giúp họ thỏa mãn đam mê và biết công nhận năng lực làm việc của họ.
Sếp mắc phải hội chứng “ tôi quan trọng”
Tức là bất cứ vấn đề gì sếp cũng phải xen vào, sếp cũng phải thực hiện, sếp cũng phải chỉ đạo trực tiếp. Điều này vô tình tạo ra sức ì cho nhân viên. Dù nhân viên của bạn giỏi họ cũng không có cơ hội để thể hiện năng lực của mình. Tin tưởng nhân viên và sẵn sàng cho những sai lầm của họ là điều mà một vị sếp giỏi luôn phải ghi nhớ. Những nhân viên có năng lực luôn muốn có cơ hội phát triển và chứng minh tầm quan trọng của bản thân. Họ thường khá phiền não khi sếp không tin tưởng và luôn tìm cách can thiệt quá sâu vào công việc mà họ đang đảm nhận. Sếp cần phải cân nhắc luôn cầm, lúc buông hợp lý để đừng làm nhụt chí nhân viên của mình.
Sếp không sẵn sàng gánh trách nhiệm cho quyết định của mình.
Quyết định là ở sếp nhưng chịu trách nhiệm là ở nhân viên ? Nhiều vị sếp dùng quyền lực của mình để áp chế nhân viên tuân theo những quyết định mà không được đông đảo nhân viên đồng thuận. Nhưng khi có phát sinh vấn đề sếp lập tức đẩy trách nhiệm qua nhân viên. Những hành động như vậy không chỉ khiến nhân viên nhụt chí mà còn khiến nhân viên sớm nộp đơn thôi việc.
Sếp không nỗ lực hợp tác
Đừng nghĩ rằng làm sếp chỉ có ra lệnh và ra lệnh. Hãy xem sự hợp tác giữa sếp và nhân viên là sự hợp tác giữa những người cùng một chiến tuyến. Cùng nhau tìm ra ý tưởng, cùng nhau bàn bạc và cùng nhau giải quyết khó khăn. Đây là cách khích lệ nhân viên tốt nhất. Một vị sếp luôn thờ ơ với những khó khăn của nhân viên hay không quan tâm đến những ý tưởng tuyệt vời sẽ đẩy nhân viên đến sự chán nản, thiếu cố gắng trong công việc.
Sếp không công bằng
Tất nhiên trong quá trình làm việc sếp luôn quý nhân viên này, không quý nhân viên kia. Nhưng sếp cần có giới hạn nhất định trong công việc. Không thể quá thiên vị ai hay chèn ép ai. Cùng một vị trí, cùng một năng lực nhưng người này lại được ưu ái hơn người kia sẽ khiến cho nhân viên bất mãn. Từ đó họ không muốn cố gắng bởi vì sự cố gắng của họ không được ghi nhận một cách xứng đáng.
Cần sự công bằng trong khen thưởng, khích lệ và ghi nhận sự đóng góp của nhân viên. Có nhiều nhân viên bất mãn với sự thiếu công bằng của sếp nhưng âm thầm không nói ra, lâu dần khiến họ chai sạn cảm xúc với công việc, cảm thấy mình bị trù dập, họ chỉ làm việc cho xong chuyện thay vì cố gắng hết sức mình như trước đây.
Làm sếp đúng là chưa bao giờ dễ dàng. Không chỉ quản lý nhân viên mà sếp còn phải làm cho họ đồng thuận với những quyết định của mình, làm cho họ cảm thấy mình được làm việc trong một môi trường tốt nhất đồng thời khích lệ tinh thần và nhiệt huyết làm việc của họ.